Lược sử trang phục Việt

Nếu chỉ nhìn ở hiện tại, phần lớn những người quan tâm tới thời trang nghĩ rằng, trang phục truyền thống của người Việt chỉ là chiếc áo dài. Thế nhưng, theo những kết quả khảo cổ và các nghiên cứu, người Việt có cả một lịch sử trang phục xuyên suốt, đồng hành với lịch sử kinh tế-xã hội.

Theo các di tích khảo cổ, từ thời Hùng Vương đã xuất hiện những trang phục được dệt bằng cây đay, gai và dâu tằm. Kỹ thuật dệt khi đó còn rất thô sơ nhưng việc sáng tạo trang phục đã bắt đầu. Nam giới thời Hùng Vương thường đóng khố-một thước vải dài được quấn quanh bụng và đặt thành khuôn vải. Phụ nữ thời Hùng Vương thường mặc váy dài, áo ngắn ngang bụng, cổ áo khoét sâu và tay áo hẹp, yếm bên trong. Về họa tiết, các trang phục thời Hùng Vương được trang trí hình chim, hình người, muông thú...

leftcenterrightdel
 Áo nhật bình thời Nguyễn. Ảnh: Cổ trang Đại Việt quán

 

Trong lịch sử trang phục Việt, thời Lý là giai đoạn bước ngoặt với hai đặc điểm nổi bật. Thứ nhất, đây là giai đoạn mỹ thuật truyền thống Việt gặt hái được nhiều thành tựu, vì thế, trang phục có bước phát triển vượt bậc. Thứ hai, trang phục Việt Nam đã đi theo hai nhánh chính: Hoàng phục, thể hiện sự tráng lệ của hoàng tộc và y phục dân gian, thể hiện nét gần gũi và đẳng cấp của người dân thường. Điều này phản ánh rõ nét trong cách thiết kế trang phục. Thường dân chỉ được sử dụng vải màu tối để may áo, việc sử dụng vải vàng hay chỉ thêu kết là nghiêm cấm.

Cũng ở thời Lý, chiếc áo giao lĩnh được đặc biệt ưa chuộng. Điểm đặc biệt của áo giao lĩnh chính là phần cổ áo đan chéo giao nhau, tạo nên vẻ đẹp thanh lịch và trang trọng. Đây không chỉ là một kiểu áo mà còn là biểu tượng của sự tinh tế và văn hóa Việt. Áo giao lĩnh là trang phục chính thức của phụ nữ Việt Nam, thường được sử dụng trong các dịp quan trọng và lễ hội. Một biến thể khác của áo giao lĩnh là áo trực lĩnh, với phần cổ thẳng đứng và tay áo thụng, cũng trở nên phổ biến. Hai kiểu áo này gắn bó mật thiết với văn hóa thời trang Việt Nam từ thời nhà Lý cho đến thời nhà Nguyễn.

Tới thời Trần, tuy vẫn thực hiện những quy tắc trang phục thời Lý, nhưng đã sử dụng kỹ thuật thêu thùa để trang trí và tạo điểm nhấn cho trang phục. Vì thế, trang phục giai đoạn này, đặc biệt là của dân thường đã trở nên đặc sắc hơn, mang phong cách riêng biệt cho trang phục thời Trần. Chất liệu nổi bật nhất thời Trần là vải the, gồm: The Cát Liễu, the hoa tim táo sợi thẳng, the hợp... Cùng với đó là lụa bóng bông, ỷ, lĩnh, hài tơ. Ngoài ra còn có vải gai, hay vải tơ chuối mịn như lụa nõn, rất hợp mặc vào mùa hè.

Thời nhà Mạc, phụ nữ thường dân mặc áo dài tứ thân cổ tròn, thắt lưng buông dài trước bụng, váy dài và rộng. Trong khi, người phụ nữ quý tộc ăn mặc cầu kỳ hơn, sử dụng những dải xiêm màu sắc rủ xuống chân, góp phần mang lại vẻ đẹp yểu điệu, thướt tha. Trang sức thời kỳ này cũng đa dạng hơn về kiểu dáng, màu sắc, với vòng tay tròn dẹt, hoa tai hình quả bầu, hình hoa sen hay khuyên tròn đẹp mắt.

Thời Hậu Lê, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, trang phục của người Việt đa dạng hơn trước rất nhiều. Đây cũng là giai đoạn những phụ kiện như mũ nón, giày dép “hợp nhất” cùng quần áo để tạo nên sự khác biệt. Giai đoạn này, trang phục chính của nam giới thường là đóng khố ở trong và khoác áo trực lĩnh ở ngoài. Phụ nữ vẫn mặc áo yếm, khoác áo cánh cộc tay khi lao động và sử dụng áo dài tứ thân vào dịp trang trọng.

Thời Nguyễn chứng kiến sự thay đổi quan trọng trong trang phục người Việt. Năm 1818, Vua Minh Mạng đã ra lệnh cải cách trang phục Việt Nam và loại bỏ áo giao lĩnh khỏi danh sách trang phục quốc gia, thay thế bằng áo ngũ thân. Áo ngũ thân có phần cổ thẳng đứng, tượng trưng cho đức tính ngay thẳng, trung thực và trực tiếp của người mặc. Áo có 4 vạt tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đối cha mẹ hai bên. Vạt thứ 5 úp vào ở phía tay phải, tượng trưng cho bản thân của người mặc, thể hiện sự khiêm tốn.

Thời Pháp thuộc, trang phục truyền thống của người Việt chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây. Trong đó, trang phục nổi tiếng nhất, tồn tại cho đến tận ngày nay là chiếc áo dài Lemur được họa sĩ Cát Tường giới thiệu trên Báo Phong Hóa năm 1930. Đây là thiết kế mới cho áo dài, tôn lên vẻ đẹp và đường cong của người phụ nữ.

Trang phục truyền thống hồi sinh mạnh mẽ

Khoảng 3 năm trở lại đây, phong trào phục dựng trang phục truyền thống Việt Nam lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, nghệ thuật biểu diễn cũng như du lịch di sản trên địa bàn cả nước. Điều đáng mừng hơn, hầu hết những người tham gia phong trào này đều là những nhà thiết kế, nghệ nhân trẻ. Ước tính hiện nay có khoảng 30 thương hiệu trang phục truyền thống Việt có tiếng, thu hút sự quan tâm của những người yêu thời trang, như: Cổ trang Ðại Việt quán, Ðại Việt phong hoa, Ða La xước phục, Ðông Phong, Việt cổ phục cách tân, Thủy Trung Nguyệt, Ðại Nam chân ảnh... Mục tiêu của những nhóm xây dựng các thương hiệu này đều là nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn...

Đặc biệt, một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội đã cho ra đời thương hiệu thời trang cao cấp mang tên Thượng Văn. Để phục dựng trang phục truyền thống ở phân khúc cao cấp, nhóm này đã đi khắp các làng nghề để tìm kiếm, học hỏi kỹ thuật từ những nghệ nhân dệt lụa, nhuộm màu, dựng áo... Từ đó, Thượng Văn sử dụng sự phối hợp màu sắc để thể hiện ý tưởng và quan điểm của người mặc khi xuất hiện. Vì vậy, mỗi chiếc áo dài của Thượng Văn không chỉ là trang phục mà còn là tư tưởng, cốt cách của người mặc.

Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng, trang phục truyền thống còn được khai thác, trở thành một sản phẩm du lịch. Tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), nhóm Việt phục Hoàng thành kết hợp với một số công ty du lịch để ra mắt tour trải nghiệm với trang phục truyền thống dành cho du khách nước ngoài, tạo thêm điểm nhấn quảng bá văn hóa Việt Nam.

Trang phục truyền thống của người Việt đang xuất hiện rộng khắp trên phim, ảnh, MV ca nhạc và xuyên suốt các sự kiện cộng đồng như: Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội, Festival Huế, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, Lễ hội Áo dài TP Hồ Chí Minh... Những thuật ngữ như: Áo nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân, áo giao lĩnh, viên lĩnh... trở nên thông dụng, được nhiều người biết đến. Đặc biệt, từ một diễn đàn trực tuyến ra đời năm 2014, nhóm bạn trẻ giàu đam mê đã sáng lập Dự án “Hoa văn Ðại Việt” để thu thập, nghiên cứu, phục chế và bảo tồn các hoa văn cổ phổ biến, đặc trưng và đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam qua các triều đại phong kiến (từ thời Lý đến thời Nguyễn). Hiện nay, khoảng 250 mẫu hoa văn được chia sẻ miễn phí và là kho dữ liệu uy tín, dồi dào cho việc phục dựng trang phục, trang sức truyền thống.

Sự hồi sinh mạnh mẽ của trang phục truyền thống Việt những năm gần đây đang thể hiện hai điều. Thứ nhất, khẳng định người Việt có riêng cho mình một bản sắc trang phục, xuyên suốt từ thời Hùng Vương dựng nước đến hiện tại. Thứ hai, điều đáng mừng hơn, bản sắc đó đang được những người trẻ quan tâm, nghiên cứu và phát huy ngay trong thời hiện đại.

NGỌC MỸ