Nhiều thập niên qua, thời trang nhanh, với những ưu điểm như rẻ, đẹp, biến đổi không ngừng... đã ngự trị trong thế giới thời trang. Trong khi đó, thời trang thủ công dần khuất lấp. Lý do đơn giản, thời trang thủ công luôn có giá thành cao do sản xuất đơn chiếc, mẫu mã lại thiếu đa dạng, người mua phải chờ đợi với tâm lý thấp thỏm. Mặt khác, thời trang thủ công đòi hỏi quy trình sản xuất phức tạp, đội ngũ nghệ nhân có tay nghề giỏi lại ngày càng khan hiếm.
Thế nhưng, chắc chắn, dù ở thời nào, thời trang thủ công cũng không bao giờ biến mất. Thậm chí, thủ công luôn được xem là linh hồn của các thương hiệu thời trang xa xỉ. Những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Hermès, Louis Vuitton... luôn biết tạo ra những sản phẩm đẳng cấp thượng lưu từ bàn tay của những nhà tạo mẫu và những người thợ lành nghề. Các nhà mốt lớn như Dolce & Gabbana, Jil Sander, Dior... cũng đã tham gia vào “bữa tiệc” thời trang thủ công. Loewe Craft Prize-giải thưởng vinh danh những thợ thủ công xuất sắc-góp phần định hướng nền thẩm mỹ hiện đại.
Mỗi sản phẩm thời trang thủ công ngoài vẻ đẹp vốn có còn mang vẻ đẹp độc bản cùng nguồn cảm hứng đầy mỹ cảm không thể tìm thấy ở thời trang công nghiệp. Nói cách khác, mỗi trang phục thủ công là một tác phẩm công phu, phản ánh chân thực nghệ thuật trong thời trang. Bên cạnh đó, thủ công còn góp phần khẳng định vị trí quan trọng của thời trang cao cấp trong thế giới thời trang. Nhờ tạo ra trang phục chất lượng cao nhất theo yêu cầu riêng cho từng khách hàng đã khiến thời trang thủ công trở thành biểu tượng về địa vị của tầng lớp thượng lưu.
Ở Việt Nam, thời điểm hiện tại, thời trang thủ công vẫn có một chỗ đứng vững chắc. Nhiều làng nghề dệt vải truyền thống nổi tiếng như: Lụa Nha Xá, lụa Mã Châu, Tân Châu, đũi Nam Cao... đang phục hồi trở lại. Trên nền chất liệu truyền thống, nhiều nhà thiết kế Việt đã tạo ra nhiều bộ sưu tập gây tiếng vang trên trường quốc tế. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến hành trình nhiều thập kỷ qua, nhà thiết kế Minh Hạnh đã trở thành “sứ giả văn hóa” mang những chiếc áo dài duyên dáng bằng nhiều chất liệu truyền thống đi giới thiệu khắp năm châu. Các nhà thiết kế nổi tiếng khác như: Công Trí, Lê Thanh Hòa, Vũ Thảo... cũng khéo léo gửi gắm những giá trị văn hóa Việt vào bộ sưu tập hiện đại...
Gần đây, những mẫu thiết kế crochet (len móc) xuất hiện từ các sàn diễn thời trang lớn nhỏ cho đến những con phố thân quen đã khiến cho thời trang thủ công từ từ len lỏi vào đời sống và tạo nên một làn sóng mới. Đồ crochet thể hiện tinh thần tươi trẻ, dễ dàng biến hóa, phù hợp với nhiều phong cách khác nhau.
Những mẫu thiết kế crochet hiện đại vượt xa truyền thống. Trước hết, về màu sắc, khác nhiều với những màu trung tính cũ kỹ, các trang phục crochet giờ đây được coi là một bữa tiệc pha trộn sắc màu đầy phá cách và sôi nổi. Thiết kế về mặt kiểu dáng cũng gây ấn tượng không kém với vẻ trẻ trung, hiện đại, mang đậm dấu ấn cá nhân. Các họa tiết cũng được biến tấu đầy ấn tượng bằng sự kết hợp hài hòa, khéo léo, trở nên cực kỳ nổi bật, thời thượng.
Một nhân tố khác đem thời trang thủ công trở lại chính là giới trẻ. Giới trẻ đang ngày càng muốn khẳng định bản thân và thể hiện cá tính thông qua trang phục. Họ mong muốn sở hữu những món đồ độc đáo, phản ánh cá tính riêng và mang giá trị tinh thần. Và thời trang thủ công đáp ứng được nhu cầu này với những sản phẩm độc nhất vô nhị. Mặt khác, giới trẻ ngày nay ý thức được tác động tiêu cực của ngành thời trang nhanh đến môi trường. Họ ưa chuộng sản phẩm thủ công được sản xuất bền vững, ít gây ô nhiễm và tôn trọng môi trường. Thời trang thủ công được xem là giải pháp thay thế bền vững hơn.
Thời trang thủ công đang là xu hướng thịnh hành của ngành công nghiệp thời trang trên toàn cầu. Với độ mở cao, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thậm chí, thời trang thủ công còn có thể sẽ bùng nổ, bởi nó gắn liền với nhu cầu khẳng định cá tính trong một thế giới mà những khoảng cách đang dần bị xóa nhòa.
HOÀNG OANH