Các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đều thống nhất đánh giá rằng, bãi cọc cổ này thuộc trận địa Bạch Đằng năm 1288, từ đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trên phương diện khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Hé lộ của lịch sử
Khi nói về giai đoạn lịch sử hào hùng chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu thơ nổi tiếng: “Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”. Sông Bạch Đằng dài khoảng hơn 30km là chứng nhân lịch sử, gắn liền với 3 chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đó là trận thủy chiến năm 938, Ngô Quyền đóng cọc gỗ ở sông, đánh tan chiến thuyền giặc Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập, tự chủ của nước Đại Việt. Đến năm 981, Hoàng đế Lê Hoàn học theo cách đánh của Ngô Quyền, sai quân sĩ đóng cọc gỗ ở sông để cản quân xâm lược nhà Tống, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc. Trong trận đại chiến vào năm 1288 với đế chế Nguyên Mông, quân và dân nhà Trần do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy được các nhà sử học đánh giá là một trong những trận thủy chiến vĩ đại nhất và có ý nghĩa quan trọng với lịch sử thế giới thời điểm bấy giờ. Hào khí Bạch Đằng nghìn năm hun đúc từ đó mỗi khi nhắc đến người dân đất Việt không khỏi xúc động, tự hào.
Sông Bạch Đằng chảy giữa thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Điểm đầu của sông là phà Rừng, Hải Phòng (ranh giới Hải Phòng và Quảng Ninh), điểm cuối là cửa Nam Triệu, Hải Phòng. Trải qua biến thiên của thời gian, đến nay hai bên bờ sông vẫn ấp ủ, lưu giữ nhiều di chỉ, hiện vật quý giá về loại vũ khí “huyền thoại” đã làm nên chiến thắng chói lọi của lịch sử dân tộc. Đó chính là cọc gỗ. Từ năm 1958 đến năm 2009, ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra 3 bãi cọc bao gồm: Bãi cọc đầm Nhử, Yên Giang (năm 1958), bãi cọc đồng Vạn Muối (năm 2005) và bãi cọc đồng Má Ngựa (năm 2009). Những phát hiện này bước đầu đã góp phần vén bức màn của lịch sử. Tuy nhiên, đặc thù cả 3 bãi cọc trên nằm gọn bên tả sông Bạch Đằng, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh nên các nhà khoa học chưa thể đưa ra góc nhìn toàn diện về trận đại chiến của quân dân nước Việt trước thế lực xâm lược phương Bắc.
Tháng 10, trong quá trình lao động thuộc cánh đồng Cao Quỳ, người dân ở làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã phát hiện hai cọc gỗ dài hơn 3m, đường kính hơn 30cm. Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên báo cơ quan chức năng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau đó có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ. Sau hai tháng, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiến hành khai quật bãi cọc cánh đồng Cao Quỳ với diện tích gần 1.000m2 với 3 hố khai quật; phát hiện 27 cọc. Các cọc xuất lộ bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc mà theo người dân địa phương đây có thể là loại gỗ sến nhựa và lim.
Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5-7m, chiều bắc nam 3,5-5m; kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ có đường kính 10-18cm, loại lớn 28-32cm, cá biệt có cọc 37-40cm... Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn, đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo. Đối với cọc lớn hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ cho thấy cọc có niên đại từ 1270-1430. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
GS, TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành lịch sử-khảo cổ-dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhận định bãi cọc gỗ Cao Quỳ vừa được khai quật là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông: “Khi phát hiện ra trận địa này, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Trước đây, chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm “neo” là bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và tất cả nghiên cứu trước đây đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua việc phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên, cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch. Còn qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên. Và qua đó chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ”.
|
|
Bãi cọc cổ ở Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: THANH TÂN |
Ý nghĩa đặc biệt
Theo tài liệu lịch sử, Liên Khê xưa kia thuộc tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, là vùng đất phù sa có lịch sử lâu đời, nằm trên mạch núi già của vòng cung Đông Triều. Nơi đây lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động làm căn cứ tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo thủy binh của đế quốc Nguyên Mông. Việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ có một ý nghĩa đặc biệt để các nhà nghiên cứu nhận thức rõ hơn, đúng đắn, đầy đủ sát thực hơn về chiến thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Theo GS Lê Văn Lan: “Điều này làm đảo lộn khá nhiều những gì đã biết về trận Bạch Đằng năm 1288. Chúng ta vốn chỉ biết quân dân nhà Trần dẫn dụ, chọn giờ đánh địch để chiến thắng đế chế Nguyên Mông ở dưới khu vực Quảng Yên. Nhưng giờ ở đây lại có bãi cọc này. Ta phải gọi đại chiến công của nhà Trần năm 1288 tại Bạch Đằng là một chiến dịch quân sự chứ không chỉ là một trận chiến đơn thuần”.
Sở dĩ nói như vậy bởi, phát hiện bãi cọc Cao Quỳ làm sáng tỏ rằng, Hải Phòng chính là nơi từng diễn ra các trận đánh và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Từ đó, thay đổi quan điểm trước đây là trận chiến Bạch Đằng chỉ diễn ra tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Mà đây là chiến dịch có quy mô rất lớn, diễn ra ở nhiều địa bàn, có mục tiêu chỉ huy thống nhất, với sự tham gia của nhiều thứ quân, trên bộ, dưới thủy và lực lượng dân binh. Theo GS Lê Văn Lan, trận chiến lịch sử Bạch Đằng từ ngày 30-3 đến ngày 9-4-1288 chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 30-3 đến ngày 7-4-1288, quân Nguyên Mông rút lui từ Vạn Kiếp ra khỏi sông Bạch Đằng. Trong 8 ngày giặc lui quân, quân dân nhà Trần đã tổ chức trận đánh cả trên bộ và dưới thủy nhằm phá thế hành quân song song của giặc. Đồng thời, không cho quân thủy của giặc rút lui quá nhanh, tạo khoảng trống về thời gian để quân dân ta phía dưới sông Bạch Đằng bố trí trận địa. Giai đoạn 2 vào ngày 8-4-1288, trên chiến trường từ khúc sông Đá Bạc, mở ra cửa sông Giá và thượng nguồn sông Bạch Đằng (gọi là trận Trúc Động), quân ta tổ chức đánh không cho giặc tiến vào sông Giá, buộc chúng phải đi vào sông Bạch Đằng. Giai đoạn 3, ngày 9-4, trên khúc sông phà Rừng đến cửa sông Tranh quân dân nhà Trần đã đánh tan quân Nguyên Mông.
Như vậy, bãi cọc mới phát hiện ở Cao Quỳ phù hợp với giai đoạn 2 của trận đại chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288, mở ra hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, là minh chứng rõ nét sự phát triển nghệ thuật quân sự của Việt Nam.
Trận chiến Bạch Đằng đã diễn ra từ Vạn Kiếp, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương đến cửa biển Bạch Đằng. Trước đây, khi chưa phát hiện ra bãi cọc Cao Quỳ, các nhà nghiên cứu, các viện nghiên cứu mới dừng lại ở việc nghiên cứu rời rạc, từng khu vực. Khi phát hiện ra “viên ngọc quý Cao Quỳ” cần có một nghiên cứu tổng thể toàn bộ trận chiến này. Theo TS Trần Đình Thành, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Chúng ta nên khai quật ở nhiều khu vực. Xây dựng trận Bạch Đằng bằng hình tượng cụ thể, chứng minh bằng dấu ấn vật chất. Nếu làm được điều này thì sẽ mang lại kết quả rất lớn vì nhiều nhà khoa học quốc tế đã đánh giá trận Bạch Đằng là trận chiến quốc tế, có thể coi là di sản thế giới”.
PGS, TS Doãn Đình Lâm, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam): Để bảo vệ tốt nhất di tích, sau hội nghị, Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cần sớm hoàn thiện các thủ tục công nhận di tích cấp thành phố. Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng xây dựng hồ sơ trình công nhận là di sản cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt với di tích bãi cọc Cao Quỳ để có cơ sở pháp lý, sự vào cuộc của nhiều đơn vị cùng chung tay bảo vệ.
GS, TSKH Vũ Minh Giang đề xuất ý tưởng xây dựng bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng trên địa bàn di tích, làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Nguyên Mông. Các cơ quan chức năng mở rộng nghiên cứu để đề nghị công nhận Di tích chiến dịch Bạch Đằng 1288 là di sản thế giới.
|
HÀ BÁCH - VŨ HƯỞNG