Tôi hỏi về việc này, anh giảng giải mà đan xen cả phởn khoái và ngậm ngùi: “Mình nghỉ hưu nên có nhiều thời gian và nhất là năm ngoái thực hiện giãn cách xã hội, phòng, chống đại dịch Covid-19, mình “bó gối” ở nhà để “bó cây”, nhân giống. Còn chim muông, mình phóng sinh cả rồi; 10 chiếc lồng chim cũng “hóa vàng” hết, lấy tro bón cây”.

Việc phóng sinh, anh bạn bày tỏ rằng, lúc chưa có dịch, anh tung hoành khắp nơi, khi thì về quê thăm bố mẹ, anh em, khi thì thăm thú bạn bè, sáng sáng đạp xe quanh Hồ Tây... Vậy mà khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ-“ai ở đâu ở yên đó”, anh chỉ quanh quẩn trong nhà, như chim trong lồng, như cá trong rọ. Ngẫm thế mà thương cho những chú chim bao năm tháng bị nhốt trong lồng, vậy là anh phóng sinh tất cả, trả chúng về với tự nhiên, bầy đàn, thỏa sức bay lượn, hót ca.

Suy nghĩ và việc làm của anh bạn khiến tôi cứ lâng lâng một niềm vui, đồng cảm. Việc làm ấy nhỏ thôi nhưng thật nhân văn. Việc làm ấy là hy sinh một thú vui đời thường, nhưng không thường đâu-nó mang tính toàn cầu đấy-khi mà Việt Nam và thế giới đang khẩn thiết bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học. Thêm một chú chim được phóng sinh, môi trường thêm một chút đa dạng, Thủ đô ta sẽ đẹp hơn về thiên nhiên, văn hiến và hòa bình. 

Việc “phóng sinh”, “sổ lồng” ấy cũng nhắc nhở chúng ta điều thường nhật, cũng là vấn đề toàn cầu. Ấy là không chủ quan, sao nhãng việc phòng, chống đại dịch Covid. Tự ý thức trong mỗi cá nhân, chúng ta sẽ có ý thức cộng đồng, như thế Covid-19 có biến thể ở dạng nào đi nữa thì chúng ta không bao giờ phải thêm một lần như “chim trong lồng”, “cá trong rọ”.

TÔ THÀNH TUYÊN