Ánh mắt nhìn xa xăm, hướng về phía biển-nơi những con sóng đang hát rì rào, anh Hưởng như chìm vào những miền ký ức với biển. Anh cũng không biết mình phải lòng với biển từ khi nào! Sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân năm 2003, anh về công tác tại một số đơn vị đóng quân ở các tỉnh ven biển. Ăn, ngủ, huấn luyện cùng biển. Anh với biển trở nên thân thuộc, gắn bó. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Lớp Văn bằng 2 Báo chí do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, anh đến với nghề báo và gắn bó với Báo Hải quân Việt Nam cho đến nay.

Nói về mối lương duyên này, Trung tá Vũ Văn Hưởng chợt trở nên hào hứng. Anh cho rằng, chính việc trở thành “phóng viên biển” giúp anh dấn thân tìm hiểu về biển sâu, kỹ hơn. Quá trình trải nghiệm, tích lũy, cảm nhận từng hơi thở, nhịp đập của biển gắn với cuộc sống con người bám biển, giữ biển được anh Hưởng truyền tải sinh động trong những tác phẩm báo chí. Nhiều bài viết của anh gây xúc động, lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực với bạn đọc và được trao tặng nhiều giải thưởng báo chí. Có lẽ vì thế mà nhiều đồng nghiệp gọi vui anh Hưởng là “người mang hơi thở biển, đảo vào tác phẩm báo chí”.   

Với anh Hưởng biển đẹp dịu êm nhưng cũng rất dữ dội. Điều đó anh cảm nhận sâu sắc qua chuyến công tác đến Liên bang Nga cùng Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân vào năm 2019. Hải trình dài hơn 4.600 hải lý, trong điều kiện đơn tàu đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho chuyến đi. Trong hành trình, khó khăn nhất là tàu chịu ảnh hưởng của hai cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển, thời tiết cực đoan, dông, lốc... Anh Hưởng nhớ lại: “Liên tiếp nhận được thông tin báo bão, áp thấp nhiệt đới, tôi cùng các đồng đội cảm thấy rất lo lắng”. Giữa đại dương mênh mông, con tàu chỉ như chiếc lá tre. Cơn dông, lốc, sóng biển nhồi, dập con tàu, khi thì đẩy cao lên hàng chục mét, lúc đánh xuống tưởng chừng như bị sóng nuốt trọn. Chịu những trận đó, người ngồi trên tàu cảm tưởng như ruột gan lộn hết ra ngoài, tiền đình rối loạn. Vì vậy, khi tác nghiệp báo chí trên biển cần phải có một tinh thần thép và sức khỏe thật tốt.

leftcenterrightdel

Trung tá Vũ Văn Hưởng (ngoài cùng, bên phải) tác nghiệp ở Trường Sa. 

Còn chuyện tác nghiệp ở Trường Sa, anh Hưởng cho rằng, rất vất vả nhưng nhiều thú vị. Theo anh, đến được với Trường Sa không dễ nên phóng viên phải tranh thủ từng giây, từng phút để phát hiện, thực hiện đề tài. Trước mỗi chuyến đi, anh thường nghiên cứu kỹ, lập kế hoạch tác nghiệp tỉ mỉ. Để có thể khai thác tư liệu cho nhiều bài viết về Trường Sa, mỗi lần bước chân đến đảo, anh phải tranh thủ từng phút tác nghiệp bởi thời gian thường rất ít. Có khi bỏ cả cơm trưa. Có lúc giữa trưa nắng nóng, hay khi mặt trời đã tắt, anh vẫn mang máy ảnh đi khắp đảo tác nghiệp. 

Ở Trường Sa, thời điểm mạng 3G yếu, để tin bài về tòa soạn kịp thời, anh Hưởng phải thường xuyên làm việc suốt đêm. Anh chia sẻ: “Đặc thù của người làm báo Hải quân là thường ở những hải trình cách xa đất liền để tác nghiệp và cùng lúc đảm trách nhiều phần việc của báo chí đa phương tiện, từ phỏng vấn, viết tin, bài, chụp ảnh đến quay phim, dựng phim... Công việc vất vả, tuy nhiên để có thể bám nghề, dũng cảm dấn thân, người phóng viên trước hết cần nhất là tình yêu với nghề. Từ đó mới có thể dành nhiều tâm huyết, thời gian để hoàn thiện các kỹ năng làm báo hiện đại, cũng như chịu khó bám cơ sở; qua đó giúp những thông tin nơi đầu sóng, ngọn gió trở nên gần gũi và có giá trị với người dân, ngư dân và cán bộ, chiến sĩ hải quân”.

Với những dấn thân ấy, sau mỗi chuyến công tác, điều đọng lại đối với Trung tá Vũ Văn Hưởng không phải là những khó khăn, những lần say sóng, mà là hình ảnh kiên cường, nắm chắc tay súng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân; sự tương trợ, giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp trong điều kiện khó khăn đối mặt với sóng to, bão lớn; là tình cảm của người dân, ngư dân vùng biển luôn hỗ trợ phóng viên tới địa điểm tác nghiệp xa xôi, cách trở...

Hơn 10 gắn bó với nghề, Trung tá Vũ Văn Hưởng luôn tâm niệm không sợ sóng gió, gian khổ khi đến với biển, với Trường Sa để tác nghiệp và mang tới bạn đọc những tác phẩm báo chí ấn tượng. Với anh, mỗi chuyến tác nghiệp báo chí trên biển, trong đó có Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: THÙY ANH