“Xin kính chào thủ trưởng và các đồng chí! Mời thủ trưởng và các đồng chí đón nghe buổi truyền thanh nội bộ trên tàu… Mở đầu chương trình, mời thủ trưởng và các đồng chí nghe bài thơ…”. Đó là giọng của phát thanh viên chương trình truyền thanh nội bộ, phát qua hệ thống loa được đặt ở khắp nơi trên mỗi con tàu. Và hầu như mỗi buổi đều có ít nhất một bài thơ. Hay những đêm giao lưu văn hóa văn nghệ trên boong tàu, ngoài những lời ca tiếng hát rộn ràng át tiếng sóng biển, không thể thiếu những giọng ngâm thơ, đọc thơ, mà đều là thơ được sáng tác mới, dẫu chưa thật trau chuốt câu từ, nhưng dạt dào cảm xúc.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc những vần thơ như thế của một số tác giả sáng tác trong chuyến công tác ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 để hướng về những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang vững vàng nơi đầu sóng, canh giữ bình yên cho đất nước.
Khi đứng trên boong tàu, nhìn sóng biển đập vào mạn tàu và cánh chim hải âu trắng muốt chao nghiêng, ngắm khuôn mặt người lính biển sạm nắng đang tâm tình bên cô văn công lần đầu ra đảo, Đại tá Nguyễn Văn Tín (nay là Thiếu tướng), Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn “nhập” vào vai chàng lính biển ấy để mà viết nên những vần thơ đẹp cả ý lẫn lời: “Em bảo chưa một lần gặp biển/ Sao mắt em biển xanh?/ Sao tóc em đong đầy gió biển/ Và tình em sóng vỗ trong anh…”. Ở khổ cuối của bài thơ, khi mà tác giả nói hộ cái ước muốn quá bình dị của người lính biển ấy, dù bình dị thôi nhưng đâu phải dễ giữa đảo xa nghìn trùng sóng vỗ này: “Ước một lần trên đảo vắng xa xôi/ Anh dắt em đi giữa một chiều biển tím/ Một bến, một thuyền, một em, một biển/ Một tình yêu dậy sóng ở trong anh” (Lời người lính biển). Bài thơ được đọc trên loa phát thanh của tàu trong chuyến hành trình ấy, tôi cứ hình dung mọi người, nhất là người lính biển và cô văn công kia chắc hẳn xúc động lắm bởi những vần thơ đã lay động tận trái tim họ. Ở một bài khác, tác giả lại “nhập hồn” vào biển để biết được những gian nan và sự hy sinh cao cả của người lính Nhà giàn DK1: “Lặng im nghe sóng kể/ Câu chuyện lính nhà giàn/ Giữa mênh mông trời bể/ Lẻ loi và gian nan/ Gần một chục con người/ Chung một sàn nhà hẹp/ Chung giống nhau chất thép/ Mười quê như một quê…”. Và sau những vần thơ ngợi ca sự hy sinh quên mình trong bão tố của Đại úy Vũ Quang Chương, Thượng úy Nguyễn Hữu Quang và các chiến sĩ trên Nhà giàn Phúc Nguyên hơn 20 năm trước (1998) khiến ta nghẹn lòng, thì tác giả khép lại bằng giọng thơ đầy tự hào: “Lặng yên nghe biển kể/ Khúc tráng ca nhà giàn/ Bi ai không bi lụy/ Mãi vang khúc khải hoàn…”. (Lặng im nghe biển kể).
Trong hành trình ra với đảo và nhà giàn, chuyến đi nào cũng có một sự kiện rất đặc biệt, đó là Lễ tưởng niệm những người con đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cả đoàn tàu đứng lặng, nghiêng mình tưởng nhớ. Tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm hùng vang lên hòa trong tiếng sóng. Những bè hoa tươi bồng bềnh trôi... Không ít tứ thơ đã ra đời từ buổi lễ thiêng liêng này. Trong phút giây ấy, nhà thơ Đoàn Văn Mật (Tạp chí Văn nghệ quân đội) chợt nhìn lên, ngắm nhìn đàn sếu bay “như xếp hình Tổ quốc giữa đại dương”, anh viết: “Tôi lặng nhìn một đàn sếu trên cao/ Những cánh trắng xếp hình đảo nhỏ/ Những cánh trắng thành vòng tròn bất tử/ Kết nhớ thương trong triệu trái tim người…/ Các anh giờ đã yên giấc ngàn thu/ Nhưng bài hát vẫn còn ngân vang mãi/ Và tôi thấy đàn sếu trên cao ấy/ Đang xếp hình Tổ quốc giữa đại dương” (Bài thơ tưởng nhớ).
Những người đã từng vượt qua những ngày lênh đênh trên biển để đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 thì đều vinh dự được gắn huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng. Trong số ấy, có không ít những thành viên đoàn công tác là cán bộ, nhân viên các cơ quan Dân Chính Đảng. Mấy ngày đầu chưa quen sóng gió, say sóng đến phát ốm, tưởng khó qua, nhưng chỉ mấy ngày sau quen dần, được tiếp xúc, chứng kiến những gian nan, thử thách, hy sinh của những người lính biển, thì họ dường như lại thấy rất khỏe. Bởi theo họ nghĩ, gian nan của chuyến đi chưa thấm gì với những vất vả, hy sinh của người lính biển. Có lẽ vì thế mà bất cứ chi tiết nào, hình ảnh nào ở tàu, ở đảo, ở nhà giàn đều có thể cho họ cảm xúc thành thơ. Chị Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương đã cho ta gặp một “Chiều xanh Nam Yết” từ những chi tiết đời thường mà sự liên tưởng lại vô cùng sâu sắc. Chị ví biển như mẹ Việt Nam. Những người lính biển dù xa đất liền, giữa mênh mông sóng gió vẫn ấm áp trong vòng tay mẹ: “Biển mềm mại như vòng tay mẹ/ Ôm các anh vào lòng…”. Và thật xúc động khi những người con ấy đã mãi mãi nằm lại nơi đảo tiền tiêu Tổ quốc: “Những chàng trai tuổi hai mươi măng tơ trên má, rắn rỏi màu da/ Nằm lại đất xanh và biển trời Nam Yết bao la/ Các anh!/ Hòa vào thẳm xanh sâu lòng biển/ Vào doi cát trắng lên trong nắng cuối/ Nghẹn ngào hoàng hôn”. Và tác giả cũng lại nói thay lời các anh, gần gụi, thân thương với mẹ, thế này: “Mẹ ơi!/ Chúng con không kịp ôm mẹ một lần/ Chưa kịp tạm biệt những người con gái/ Hàng bão táp, phong ba, bàng vuông, phi lao, dừa xanh và rặng tre xa ngái/ Giàn bí, giàn bầu, bãi muống biển thân thương/ Những chàng trai tuổi hai mươi bao nỗi vấn vương/ Thành cánh én báo mùa xuân trên đảo/ Chao trong chiều Nam Yết/ Giữa biển trời Trường Sa/ Chúng con mong về với quê mình, đất mẹ của ta/ Nơi ấm áp xa ngàn trùng sóng dội/ Nhưng đất của mình đâu cũng là nhà mẹ nhé/ Mẹ hãy yên lòng có đồng đội bên con!”. (Chiều xanh Nam Yết).
Còn khá nhiều những bài thơ, mà theo cảm nhận của tôi là hay, đầy cảm xúc tươi mới trong chuyến công tác ấy, nhưng xin được khép lại bài viết nhỏ này bằng bài thơ Nghĩa tình Trường Sa của Thiếu tướng PGS, TS. Nguyễn Quang Phát, Phó Chính ủy Học viện Chính trị. Sở dĩ vậy, bởi bài thơ có sự liên tưởng, so sánh và như lời nhắn nhủ sâu sắc khiến cho người đọc phải suy nghĩ, trăn trở ngay trong chuyến đi và cả khi đã trở về đất liền, đó là những bài học quý báu để chung tay góp sức “cả nước vì Trường Sa thân yêu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng” và mỗi người cũng tự soi vào để hoàn thiện mình hơn: “Khi nhổ neo, tất cả chúng ta là một con tàu/ Hướng đến Trường Sa ta gần hơn những điều cao đẹp/ Sóng biển lắc rung cho văng đi những gì nhỏ hẹp/ Hoàn thiện mình xứng với biển bao dung/ Đảo đá vươn mình trên sóng Biển Đông/ Sống trên đá/ Người bền gan hơn đá/ Chiến sĩ Hải quân hiên ngang trên biển cả/ Như ngọn hải đăng thắp sáng chân trời…”.
NGUYỄN HOÀNG SÁU