(Tiếp theo và hết)

Thêm một lần lập quỹ hỗ trợ bản quyền tác giả văn học

Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam chính thức thành lập ngày 25-8-2004 và tổ chức lễ ra mắt ngày 4-11-2004. Sau hơn hai năm hoạt động, đến nay, Trung tâm có hơn 400 nhà văn, chủ yếu là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Một việc làm rất đáng khen ngợi của Trung tâm là đã số hóa được hàng trăm tác phẩm thuộc tinh hoa văn học của Việt Nam, làm cơ sở dữ liệu cho “ngân hàng tác phẩm văn học” của Trung tâm, dù chỉ ở dạng dữ liệu thô. Sắp tới sẽ mở ra nhiều hoạt động mới với phạm vi rộng hơn.

Từ khi ra mắt, Trung tâm có rất nhiều tác giả văn học và các cơ quan truyền thông nhờ tư vấn và cho ý kiến kết luận về việc xâm hại quyền tác giả, trong đó có cả quyền tài sản và quyền tinh thần. Năm 2006, Trung tâm đã tư vấn và hòa giải nhiều trường hợp, mất khá nhiều thời gian, công sức, và cái thu lại sau mỗi thành công chỉ: Vui là chính! Cho đến giờ, nhiều người vẫn không hiểu, sau bao vụ đạo văn rùm beng trên mặt báo mấy năm gần đây, nếu không có sự can thiệp kịp thời của Trung tâm, mọi chuyện sẽ còn bê bối đến đâu!

Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm ví Trung tâm như một đứa con có sinh mà không có dưỡng, bị mẹ cho cai sữa quá sớm. Vì thế bây giờ nó có trở nên còi cọc cũng là điều dễ hiểu.

Ý kiến người viết văn

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thuộc Công ty truyền thông Hà Thế tuy là người tiên phong trong việc mở quán cà phê sách ở Hà Nội, nhưng như chị tự nhận, đến nay vẫn “chưa thấy thành công” đâu cả! Tuy nhiên, nữ nhà văn này vẫn quyết tâm làm đi làm lại, mở hết quán này tới quán khác, vừa bán cà phê vừa bán sách, tới thành công thì thôi. Chị luôn mở ra những cuộc giao lưu giữa các nhà văn, nhà báo và các độc giả cả trong nước và nước ngoài với mong muốn: Tôn vinh văn hóa đọc trong thời đại thông tin đại chúng bùng nổ.

Trong một cuộc gặp gỡ do Công ty truyền thông Hà Thế tổ chức tại Thư quán Hà Thế giữa các nhà văn và nhà báo Việt Nam với hai nhà báo là Ê-li-da từ Mỹ và Lô-răng từ Pháp, nhà văn Y Ban đã có những lời phát biểu sôi nổi. Chị nói: “Nếu nhìn vào đằng sau các xinhê (số lượng sách được in) thì số lượng in mỗi cuốn sách chỉ có trung bình 1.000 cuốn. Trong khi đó, dân số Việt Nam đã lên tới hơn 80 triệu người. Như thế thật đáng báo động! Nhưng vấn đề ở đây là tình trạng in sách. Việt Nam ta có hai kiểu in sách: Một là các tác giả đã có thương hiệu, sách bán chạy thì các đầu nậu săn đón và nhà xuất bản chỉ có việc cấp giấy phép liên kết. Hai là tự đưa sách của mình cho các nhà sách, các đầu nậu, chờ họ cho một phán quyết được in hay không, và được in bao nhiêu bản, được trả nhuận bút bao nhiêu phần trăm. Với cả hai lối in sách trên thì các tác giả, bí mật vĩnh viễn đối với họ là không thể biết tác phẩm của mình thực sự được in ra bao nhiêu cuốn. Các đầu nậu ghi số lượng in thấp nhất cốt để trốn thuế và đỡ phải trả nhuận bút nhiều cho các tác giả. Cho nên nếu nhìn xinhê thì đúng là văn hóa đọc đang bị suy thoái. Một điều dễ thấy hiện nay nữa là nếu quyển sách nào “được” coi là có vấn đề, nhất là có “lệnh thu hồi”, lập tức bán chạy như tôm tươi, sách in lậu ra bao nhiêu bản, chính nhà làm sách cũng không biết”.

Trung tâm Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam thực sự đã bước vào cuộc, với rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, đang và sẽ cảnh tỉnh tất cả những người cầm bút, cho họ biết cần phải luôn luôn tôn trọng chính mình, nếu lỡ chẳng may gặp tai nạn nghề nghiệp, đã có sẵn một bức tường sau lưng (mà bức tường ấy có chắc chắn hay không còn do chính họ).

Cũng có khá nhiều người viết đang gặp khó khăn trong việc in ấn. Nhà văn Lê Anh Hoài cho biết: “Tôi thấy đa số những người viết trẻ thường có rất nhiều tìm tòi. Nhưng kèm theo những cái mới thường là rất nhiều lực cản. Nhiều khi rất vô hình! Tôi xin kể chuyện vui vui: Những cái (một số bài thơ và truyện ngắn) tôi đã viết lâu nhưng chẳng báo hay tạp chí nào “chịu” đăng. Đến lúc chúng được đăng khá muộn màng, thì lại chẳng có ai trong giới buồn để ý. Thế rồi sau vài năm, bỗng lại có ý kiến rằng một số cái tôi viết có cái “lạ”. Vấn đề ở chỗ, tôi không “tranh đấu” gì cho mình nhưng mà dường như có một sự thờ ơ nào đó rất khó hiểu. Và sự thờ ơ này khiến tác giả trẻ rất thiệt thòi. Đấy là chưa kể việc những tác phẩm cũng tầm tầm lại được “lăng xê” quá đáng. Theo tôi, những việc làm kiểu này do nhiều nguyên nhân, nhưng chắc cũng có một nguyên nhân về văn hóa đọc”.

Nhà văn Ngô Tự Lập thì nói: “Vấn đề bản quyền văn học không chỉ liên quan đến hệ thống pháp luật, mà còn có nguyên nhân là truyền thống văn hóa và bản chất của các hình thái kinh tế xã hội. Vấn đề bản quyền văn học thực tế chỉ được đặt ra trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, khi thước đo mọi giá trị là tiền. Trong tất cả các xã hội khác, nhà văn được coi là người sáng tạo tinh thần không vụ lợi. Vì thế, họ được xã hội kính trọng, nhưng cũng vì thế mà rất nhiều vĩ nhân, Sô-crát đến Lý Bạch, đã phải sống và thậm chí là chết trong nghèo đói. Tại các nước XHCN trước đây, trong đó có Việt Nam, việc dịch và in tác phẩm nước ngoài không trả tiền nhuận bút được coi là hoàn toàn bình thường, vì chúng ta chỉ “phục vụ” chứ không “làm dịch vụ”. Nhà văn Việt Nam chúng ta cũng đang nhập nhằng giữa “phục vụ” và “dịch vụ” như vậy”.

Nhà văn Thùy Dương tâm sự: “Thế hệ chúng tôi lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu sống ở các làng quê. Cho dù bây giờ đang có rất nhiều vấn đề của một xã hội hiện đại đổ ập lên đầu, nhưng chúng tôi vẫn bị chi phối bởi một quá khứ đầy hào hùng, cũng đầy mất mát. Chúng tôi vẫn luôn bị ám ảnh về chiến tranh và nổi lên trong truyện vẫn là các thân phận đàn bà trong chiến tranh và sau chiến tranh. Tức là phần nhiều vẫn cứ phải gắn vào chiến tranh. Và để in ra một cuốn sách thực vất vả về đủ mọi phương diện, nhưng đa phần mọi người vẫn thích được chính tác giả tặng sách hơn là mua nó. Trong những cuộc gặp mặt như thế này, chúng tôi muốn nói với bạn đọc về văn hóa “mua và đọc sách”...

Lời kết

Trung tâm Bản quyền tác giả Văn học Việt Nam thực sự đã bước vào cuộc, với rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, đang và sẽ cảnh tỉnh tất cả những người cầm bút, cho họ biết cần phải luôn luôn tôn trọng chính mình, nếu lỡ chẳng may gặp tai nạn nghề nghiệp, đã có sẵn một bức tường sau lưng (mà bức tường ấy có chắc chắn hay không còn do chính họ).

Dẫu sao, việc quan trọng nhất đối với những người viết văn vẫn là tự vượt trên mọi khó khăn, đem đến cho người đọc thật nhiều tác phẩm thật hay, thật xuất sắc. Đến một giai đoạn: Tài năng thực sự sẽ đem đến những quyền lợi thực sự!

Lan Vy