Làm thế nào để lan tỏa cuốn sách có giá trị tới bạn đọc, nhân lên những giá trị tri thức, văn hóa trong đời sống xã hội mới là điều sâu xa mà Giải thưởng Sách quốc gia và xã hội cần hướng đến.

Nhiều tác phẩm đã được chắp thêm đôi cánh từ Giải thưởng Sách quốc gia những năm qua. Các cuốn sách “Vùng đất Nam Bộ-Quá trình hình thành và phát triển”, “Các dân tộc ở Việt Nam” (Giải thưởng Sách quốc gia năm 2019) đều được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật triển khai xuất bản điện tử. Cuốn “Kiểm soát quyền lực ở nước ta thông qua công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng” của tác giả Mai Trực sau khi nhận giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020 đã được chuyển ngữ sang tiếng Lào, hứa hẹn sự lan tỏa trên đất nước triệu voi. Rất nhiều sách đoạt giải được tái bản sau đó, như: “Tục ngữ-Ca dao-Dân ca Việt Nam”, “Xóm bờ giậu”, “Đoàn binh Tây Tiến”, “Bộ tranh truyện lịch sử Việt Nam”, “Được học”... cho thấy tín hiệu vui từ công tác xuất bản, phát hành.

Rõ ràng Giải thưởng Sách quốc gia không chỉ là dịp tôn vinh các cuốn sách có giá trị cao về nội dung, tư tưởng, thẩm mỹ mà còn tạo nên hiệu ứng, sự quan tâm, chú ý của người đọc thông qua công luận. Song, để các cuốn sách hay-đã được công nhận qua giải thưởng giá trị này-được đến tay bạn đọc một cách rộng rãi, phải có sự vận động, chung tay trước hết là của đơn vị xuất bản, các cơ quan báo chí, từ chính tác giả và toàn xã hội. Ngành sách vốn mang đặc thù, hơn nữa không phải độc giả nào cũng có “gu” đọc giống nhau. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc truyền thông những cuốn sách được trao giải phải hướng đến thị trường ngách.

Chẳng hạn, sách thiên về học thuật nên có những tọa đàm theo hình thức đối thoại, tranh biện với tác giả trong không gian các trường đại học, viện nghiên cứu. Những cuốn sách hướng tới đối tượng người trẻ có thể được quảng bá trên mạng xã hội. Sách tri thức phổ thông nên được chuyển một phần sang audio book... Thậm chí, cần có kênh thông tin về giải thưởng này để giới thiệu các cuốn sách, tạo diễn đàn cho độc giả trao đổi, chia sẻ, góp ý, đề xuất những cuốn sách hay mà có khi trong bể tri thức mênh mông không dễ để thấy hết được.

leftcenterrightdel

Trưng bày giới thiệu sách cũng là một cách để quảng bá, giới thiệu những cuốn sách hay tới bạn đọc.  Ảnh: HOÀNG DƯƠNG 

Trong thời đại công nghệ hiện nay, muốn lan tỏa sách đến độc giả thì việc ban tổ chức giải thưởng cần tính đến đầu tiên có lẽ là số hóa các sách được giải. Tuy nhiên, để làm được việc này phải có sự kết hợp của nhiều phía, đặc biệt phải có sự chủ động đồng hành từ các nhà xuất bản, đơn vị phát hành và sự chung tay của các doanh nghiệp, ngoài sự trông chờ nguồn ngân sách eo hẹp từ Nhà nước. Hơn nữa, các nhà xuất bản, nhà sách cũng phải tính toán đến việc thông qua các chính sách ưu đãi để đưa những cuốn sách đoạt giải thưởng đến tay độc giả với giá hợp lý nhất, cách thức thuận tiện nhất. Trong khi thương mại điện tử đang phát triển nở rộ ở nước ta, đây cũng đang là kênh phát hành được đánh giá rất tiềm năng.

Làm ra được những cuốn sách hay, cuốn sách đẹp, có giá trị cao là cả quá trình cố gắng, tâm huyết của rất nhiều người, nhưng để sách đến tay bạn đọc lại còn là một yêu cầu, thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Mục tiêu của giải thưởng suy cho cùng cũng là làm thế nào để quảng bá cuốn sách có giá trị tới nhiều bạn đọc, khuyến khích các tác giả và văn hóa đọc. Thiết nghĩ, thông qua các hoạt động quảng bá sách cần hình thành nên những không gian văn hóa đọc. Bởi, đó mới là con đường lâu dài, bền vững cho việc phát triển văn hóa đọc và Giải thưởng Sách quốc gia mới có thể trở thành một sự kiện văn hóa có ý nghĩa.

NGÔ KIÊN