Từ trung tâm TP Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu ra phía biển khoảng 20km, chúng tôi tới địa phận ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nơi có “cánh đồng điện gió”-một trong những điểm đến đang “hot” của giới trẻ ưa xê dịch. Ngay từ xa, những cánh quạt trên các trụ tuabin gió chầm chậm quay trông như những chiếc chong chóng khổng lồ khiến du khách không khỏi ngạc nhiên, phấn khích. Càng tiến sâu vào trong theo con đường nhỏ, những cánh chong chóng càng lớn dần, tạo nên một cảnh quan vô cùng hấp dẫn, sinh động.
|
|
“Cánh đồng điện gió” ở tỉnh Bạc Liêu. |
Chỉ riêng việc làm con đường rộng khoảng 3m, dài hàng cây số chạy thẳng ra biển đã khiến chúng tôi thầm ngưỡng mộ những con người đã tạo nên công trình này. Con đường được sơn hai màu trắng-đỏ sạch sẽ, chạy dài rồi chia thành hai ngả. Đó là lối đi dẫn đến nơi những trụ tuabin gió khổng lồ đứng sừng sững, kiên cường trước gió biển, thậm chí cả những trận bão lớn sẵn sàng thổi bay mọi thứ. Ít ai biết rằng, trước khi có “cánh đồng điện gió” này, nơi đây chỉ là những cánh rừng bần, rừng đước trải dài, là những vuông tôm bà con tranh thủ quây lại để canh tác. Phía dưới chân cầu, chạy theo đường bờ biển là những khối đá hộc lớn trải thành hàng lớp dày nhằm ngăn chặn biển xâm thực, gây xói lở vào đất liền. Đứng trên cầu-con đường dẫn ra những trụ tuabin lớn, giữa bốn bề sóng và gió gầm gào, người ta thấy mình càng bé nhỏ hơn trước biển cả và thiên nhiên rộng lớn. Và gió-“đặc sản” của Bạc Liêu đã được con người chuyển hóa thành năng lượng để phục vụ cho đời sống. Một sự khuất phục của thiên nhiên trước trí tuệ của con người. Trước khung cảnh bao la ấy, dường như người ta càng có cơ hội để chiêm nghiệm về nhiều điều trong cuộc sống, về thế giới xung quanh...
Được khởi công tháng 9-2010, giai đoạn 1 của dự án được hoàn thành với 10 tuabin công suất 16MW và chính thức phát điện hòa lưới quốc gia vào tháng 5-2013. Giai đoạn 2 của dự án đã thi công hoàn thành 52 tuabin công suất 83,2MW và phát điện hòa lưới quốc gia vào tháng 12-2015. Ở hai giai đoạn này, dự án Nhà máy Điện gió Bạc Liêu được xây dựng trên diện tích chiếm đất 1.000ha với mức đầu tư là 5.217 tỷ đồng. Giai đoạn 3 của dự án đã được khởi công từ tháng 1-2018, có công suất 142MW, gồm 71 trụ tuabin gió. Mỗi trụ tuabin có công suất khoảng 2,5-3,5MW. Sản lượng điện dự kiến phát hằng năm là 373 triệu kWh. Tổng mức đầu tư dự án sau cả 3 giai đoạn là hơn 8.900 tỷ đồng. Đây là dự án điện gió lớn nhất Việt Nam và là dự án điện gió đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được xây dựng trên thềm lục địa.
Với mục tiêu xây dựng một nhà máy điện độc lập, sử dụng năng lượng gió để phát điện, hòa vào điện lưới quốc gia, dự án của Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý khi hoàn thành sẽ góp phần bình ổn an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động gây hiệu ứng nhà kính (khoảng 190.000 tấn CO2/ năm). Bên cạnh đó, dự án này còn kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng lâm, thủy sản, tạo việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong tương lai, khi Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hoàn thành giai đoạn 3, nâng tổng số lên 133 trụ tuabin gió, đây sẽ là “cánh đồng điện gió” lớn nhất Việt Nam và khu vực, với tổng chiều dài lên tới 56km, kéo dài đến địa phận giáp tỉnh Cà Mau. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong Travel bày tỏ: “Tôi vô cùng bất ngờ về sản phẩm “cánh đồng điện gió” độc đáo này của Bạc Liêu. Khung cảnh lãng mạn nơi đây đã để lại cho tôi ấn tượng mạnh mẽ. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại để ngắm toàn bộ công trình dài gần 60km này khi giai đoạn 3 của dự án được hoàn thành”. Cũng theo ông Khánh, đây thực sự là một điểm đến thú vị, hứa hẹn lượng khách sẽ còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, nhưng để làm được điều này, Bạc Liêu cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá nhằm mang tới nhiều thông tin hơn cho du khách.
Sản phẩm du lịch “cánh đồng điện gió” đã và đang khẳng định sự độc đáo, khác biệt của du lịch Bạc Liêu.
Bài và ảnh: TRÚC LINH