Tôi rất thích những câu thơ dạt dào tình cảm ấy trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt mà mình được học từ hồi trung học cơ sở đến nay. Và bao nhiêu năm qua, tôi vẫn giữ cho mình sở thích ngồi bên bếp lửa, đặc biệt là những ngày Tết đến, xuân về.

Gian bếp nhỏ ngày xưa dùng để đun nấu ở nhà cũ được chồng tôi cải tạo giữ lại khi biết vợ thích đun nước bằng bếp củi. Nồi nước lá xông, ấm nước sôi đổ vào phích, pha chè đều được tôi dành thời gian đun trên bếp củi. Củi đun được tích cóp từ cành cây khô trong suốt mấy tháng hè, gác lên giàn bếp. Trong mùa đông lạnh giá, những thanh củi khô cong chỉ cần mấy tờ giấy mồi đã lập tức bắt lửa cháy lên rừng rực. Tiếng lửa reo vui, lòng tôi cũng reo vui theo ánh lửa. Ngọn lửa chờn vờn đưa tôi sống lại xúc cảm của những năm tháng bé thơ dẫu cơ hàn, đói khổ nhưng đong đầy hạnh phúc của những ngày xưa cũ.

Tôi nhớ hoài gian bếp nhỏ ấm áp của gia đình mình thuở nhỏ, chỉ là gian bếp đơn sơ bốn bề được trát kín bằng hỗn hợp bùn nhão bện với rơm khô, nền nện đất, mái bếp được lợp bằng rơm rạ nhưng là nơi lưu giữ bao kỷ niệm thân thương của gia đình. Bố tôi khéo léo chọn những cành bạch đàn thẳng đuột buộc lại với nhau thật chắc chắn rồi dùng cây mây dẻo dai néo lại làm thành giàn bếp để chất củi dự trữ dùng suốt cả mùa đông. Bếp nấu là chiếc kiềng sắt dài bốn chân, có thể đun nấu một lúc hai nồi hai bên. Bà tôi thường trữ sẵn mấy bì rơm, cùi dừa hoặc lá thông khô làm bùi nhùi mồi lửa. Mỗi lần nhóm bếp chỉ cần cho một ít bùi nhùi vào đốt cháy trước, lát sau, lửa cháy bén vào cành củi khô, nổ tanh tách, bắn ra tia lửa như pháo hoa trong đêm Giao thừa.

Một dạo bếp bị dột, nước mưa làm củi bị ướt, đun mãi vẫn trâm tắt trâm đỏ, khói bay um bếp làm cay sè hai mắt, bà tôi phải vừa dụi mắt vừa lấy mo cau quạt lửa phành phạch. Chiếc vung nồi cơm phủ đầy tro bếp, tôi chun môi thổi phù một cái làm bụi tro bay lên tung tóe, dính đầy mặt mũi, tóc tai. Những lúc cao hứng, mấy chị em thường chơi trò bớp bềnh, người thắng sẽ quẹt tay vào đáy nồi đen nhẻm rồi quệt lên mặt người thua, khiến mặt mũi đứa nào đứa nấy đầy vệt nhọ nồi, lại nhìn nhau cười như nắc nẻ. Bà tôi ngồi trên chiếc ghế thấp cạnh bếp, tay cời lửa, miệng móm mém nhai trầu, cười hiền từ: “Cha bố các cô, lớn rồi còn nghịch ngợm”... Mấy mẹ con, bà cháu ngồi quây quần bên nồi khoai sôi lục bục, vui vẻ chuyện trò chờ khoai chín trong niềm hạnh phúc bình dị.

leftcenterrightdel
Minh họa: KHOA AN 

Quê tôi thời ấy chưa có điện thắp sáng. Đêm xuống, cả vùng quê leo lét ánh đèn dầu hắt ra từ những mái nhà tranh vách đất nằm thưa thớt trong làng. Đêm đêm, tiếng dế gáy, tiếng côn trùng kêu rỉ rả trở thành bản hòa âm quen thuộc đối với lũ trẻ trong làng. Để tiết kiệm dầu, ông bà tôi thường bỏ màn, lên giường từ lúc chập tối, nằm trong màn nói chuyện vọng ra với bố mẹ tôi. Chị em tôi ngồi học ở gian buồng trong cùng ngọn đèn dầu heo hắt. Đèn dẫn dầu bằng bấc thường hay kém sáng, thi thoảng chị tôi lại dùng chiếc kim khều bấc đèn lên để ánh sáng soi rõ hơn. Có lẽ, vì gắn bó với ngọn đèn dầu mỗi tối nên đám trẻ con chúng tôi đứa nào cũng thích mùi dầu hỏa. Nhiều lúc bài đã học xong vẫn ngồi chơi mãi cho đến khi bà gọi vọng vào: “Học bài xong rồi đi ngủ thôi các cháu. Mai còn dậy sớm đến trường”, chúng tôi mới chịu chui vào màn. Thích nhất mỗi khi đêm đến được rúc vào lòng bà, nằm nghe bà kể chuyện cổ tích từ đời xửa đời xưa cho đến khi ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết.

Cuộc sống giờ đã đổi thay theo hướng hiện đại hơn với bếp gas, bếp từ thay thế dần cho bếp lửa. Nhưng với tôi, mùi khói bếp và ánh lửa ấm áp trong những ngày gần Tết luôn là những mảng màu cuộc sống thân thương mà tôi muốn níu giữ. Để thêm yêu những kỷ niệm về ngày cũ bên gia đình, nơi có đủ đầy ông bà, cha mẹ, có tuổi thơ hồn nhiên con trẻ được sống hạnh phúc trong tình yêu thương vẹn tròn. Để tâm hồn tôi lại được sưởi ấm mỗi khi gian bếp nhỏ bừng lên ngọn lửa bập bùng ấm áp, mấy mẹ con lại quây quần ngồi bên nhau vui cười chuyện trò, được nhìn con trẻ thích thú đùa vui cùng ngọn lửa chờn vờn chờ đón xuân sang.

Tản văn của NGUYỄN HẰNG