Ngôi trường có 3 gian nhà cấp 4 lợp ngói đã rêu xanh, cờ đỏ bay phần phật dưới ánh nắng chói gắt, bàn ghế lỏng chỏng, không có nhà vệ sinh, sau lưng là sân kho, sát sân là đình làng rộng thênh thang. Mỗi giờ ra chơi, chúng tôi trốn tìm tít tắp sau những cột lim đã lên nước bóng loáng. Nền xi măng lạnh ngắt, loáng nước, có đứa ngã oạch, đũng quần cười hếch hóng nắng thu muộn.

Chủ nhiệm lớp 4B của tôi là thầy Đức. Thầy vốn là quân nhân xuất ngũ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Tiểu học, thầy xung phong vào Quân đội. Hết mấy năm quân ngũ, khoác ba lô tồng tênh về làng, chưa có công việc, thầy đi đánh xe bò kiếm sống. Một ông bạn đồng niên với ông cụ thân sinh của thầy thấy vậy đã xin cho thầy đi dạy.

Thầy tôi dáng người thấp đậm, nước da nâu bóng, cái cười hiền từ. Bốn mùa, trang phục của thầy là mấy bộ quân phục đã ngả màu. Thầy dạy Văn hay lắm, nên tôi rất thích giờ của thầy. Nhưng là một đứa nghịch ngợm, tôi khó tránh khỏi những trò “nhất quỷ nhì ma”. Cứ hết giờ học là tôi lao vút ra ngoài, chạy nhảy với các bạn. Có lần không may bị ngã chỏng vó giữa sân trường, cái quần xanh chéo mẹ vừa cặm cụi khâu cho, bị rách một miếng to bằng hai đồng xu ở gối phải. Tôi nén nỗi sợ hãi bị mẹ mắng, xé vội miếng giấy trắng, tô màu xanh, lò cò đến phòng bác bảo vệ xin cơm nguội để dán vào vết rách. Cũng may, tôi kịp vào lớp. Hôm đó có rất nhiều thầy cô dự giờ lớp tôi.

Thầy trịnh trọng giương mục kỉnh, quét khắp lớp một lượt, rồi dõng dạc gọi: “Em Nguyên lên bảng”. Tôi cũng tự tin bước lên bục trả bài. Tôi vẫn nhớ thầy hỏi về bài thơ “Quả ngọt cuối mùa”, có những câu đến giờ tôi vẫn thuộc làu: “Bà ơi, thương mấy là thương/ Vắng con xa cháu tóc sương da mồi/ Bà như quả ngọt chín rồi/ Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng”..

Tôi liến láu: “Thưa thầy, có khi tiết trời giá rét quá, bà em mang mấy tấm áo rách che sương giá cho cây, chờ con cháu về mới trẩy quả. Khi ấy nom cây như một người ăn mày tiều tụy”.

Các bạn ở dưới cười ồ lên, thầy không cười mà nhắc tôi: “Bà làm vậy như tiếp thêm sức sống cho cây, thì em phải tả là khi ấy nom cây như được mặc thêm tấm áo mới, rất đáng yêu”. Cả lớp lại vỗ tay. Bỗng bạn An ngồi bàn đầu chỉ trỏ. Chột dạ, tôi nhìn xuống chỗ vết rách. Dưới sàn lớp học là miếng giấy tô màu xanh nằm chỏng chơ, còn ở chỗ quần bị rách của tôi, thịt hở ra vẫn rớm máu. Tôi đứng im ngượng ngịu, mặt đỏ rần.

Năm lớp 5, tôi được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Văn, phải lên học ôn mấy tháng ở Trường Chuyên Ngô Sỹ Liên, cách nhà mấy chục cây số. Đưa tôi đi học là bố tôi và thầy Đức. Tôi như con chim non lần đầu xa tổ, nhìn cái gì cũng thấy tò mò, háo hức. Nhưng ngồi trên chiếc xe chợ, sặc sụa mùi gà vịt, sức đứa trẻ như tôi chẳng chịu được bao lâu, đi khoảng 20km, tôi nôn thốc tháo ra sàn xe, bắn đầy lên vạt áo thầy. Vật vã mệt lử trong tay bố, nhưng tôi vẫn biết sự rắc rối tôi gây ra cho thầy. Thầy mượn bác phụ xe giẻ lau, lau qua vạt áo quân phục của mình, rồi cặm cụi lau sàn xe, vừa lau vừa động viên tôi... Khi xe dừng lại 15 phút cho mọi người nghỉ ngơi, thầy mới vào nhà dân ven đường, gột nhờ vết bẩn trên áo. Tôi còn kịp nhìn thấy tấm lưng áo lót của thầy lỗ chỗ những vết thủng. Khi ấy trong lòng tôi trào lên một điều gì rất khó tả.

Thời gian vụt trôi qua kẽ tay. Tôi đã ngót 50 tuổi, cuộc đời đã đi qua không ít thăng trầm, thi thoảng tôi vẫn ghé thăm thầy. Mới tháng trước, lên thăm bố tôi ở bệnh viện, vô tình gặp thầy ở hành lang. Tôi rối rít chào thầy. Thầy tôi giờ đã thành một ông lão, thời gian gội trắng mái đầu. Thầy vẫn ân cần với tôi như xưa. Tôi nắm chặt tay thầy, bàn tay đầy vết đồi mồi, khô và nhăn nheo. Bàn tay đã dắt tôi đi trong hai năm học cấp 1, nhưng thực sự thầy đã dắt tôi từ bấy đến giờ, để trong tôi tràn ngập lòng biết ơn người thầy đầu tiên ở ngôi trường mới ngày ấy, để tôi không bao giờ lạc lối dù cho dòng đời chi chít ngả...

 NGUYÊN TÔ