Đi khắp mọi nẻo đường, góc phố Hà Nội

GS Trần Quốc Vượng (1934-2005) quê ở Hải Dương. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Sử-Địa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), ông được giữ lại làm giảng viên và gắn trọn cuộc đời mình với sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu ở đây. Công lao của ông được ghi nhận, đánh giá trong nhiều lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, nghệ thuật học, văn hóa... nhưng chiếm vị trí chủ đạo nhất và thể hiện toàn bộ con người ông là ở lĩnh vực địa-văn hóa.

Trong cuộc đời GS Trần Quốc Vượng, Hà Nội là nơi ông gắn bó nhiều nhất, kể từ thời sinh viên cho đến khi qua đời. Bởi thế, viết hay nói về Hà Nội với ông cũng chính là “để trả nợ nguồn”. Minh chứng cho điều này, GS, TS Nguyễn Chí Bền nhắc lại chia sẻ của GS Trần Quốc Vượng lúc sinh thời: “Tôi vẫn đi đủ mọi miền... nhưng hễ sắp xếp được thời gian là tôi tranh thủ đến các ngõ, ngách của Hà Nội, đâu chỉ “Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đường” mà còn chui rúc từ ngõ Trung Yên đến chùa Am Cây Đề ở góc phố Sơn Tây-Lê Trực; từ Ngũ Xã đến cây đa nhà bò ở cuối đường Lò Đúc, rồi đủ thứ cửa ô chứ đâu chỉ “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”.

Không chỉ “la cà mọi chốn" Hà thành, GS Trần Quốc Vượng còn ít khi vắng mặt trong các cuộc khai quật khảo cổ học, các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Hà Nội. “Anh đi-nghe-trông-biết để hiểu cho đúng về lịch sử văn hóa, con người và mảnh đất Hà Nội rồi từ đó suy tư, nhận thức và viết để mọi người hiểu biết thêm về văn hóa Thăng Long-Hà Nội”-GS Phan Huy Lê đã viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Đất thiêng ngàn năm văn vật” (NXB Hà Nội, 2010).

Theo PGS, TS Trình Năng Chung, đối với mảnh đất Thăng Long-Hà Nội, bước chân của thầy Vượng đã in dấu khắp mọi nẻo đường, từ vùng sơn khối Hương Sơn đến miền núi cao Ba Vì, trải qua miệt đồi trung du Sơn Tây, Sóc Sơn đến từng con phố nội đô. Chẳng quản mỏi gối, chân chồn, ông “rong ruổi nơi đầu nguồn, cuối bể” với những chuyến điền dã liên tục, nhiều năm cả ở nội, ngoại đô Hà Nội để vừa đi vừa học, vừa chiêm nghiệm vừa tư duy khám phá.

Cũng từ những lần lang thang khắp thị thành tới các làng quê với người dân mà GS Trần Quốc Vượng đã phát hiện ra biết bao câu chuyện văn hóa, biết bao số phận con người và bao nhiêu trí tuệ của dân gian chưa được khám phá. “Hầu hết ở mỗi bài viết của ông đều có những phát hiện mới và không ít bài viết mang tầm lý thuyết, nhất là ở lĩnh vực địa-văn hóa. Chẳng hạn, cùng với Từ Chi, Đào Thế Tuấn, ông lang thang theo “bước chân ông Gióng về trời” trong truyền thuyết và Hội Gióng suốt một vệt dài từ Gia Lâm đến Sóc Sơn... ông phát hiện ra một vấn đề mang tính lý thuyết văn hóa sinh thái của người Việt thông qua truyền thuyết về ông Gióng với những bước chân ngựa Gióng”, GS,TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Huế, với tinh thần làm việc hết mình, thông qua những cuộc điền dã, khảo cổ, GS Trần Quốc Vượng đã vượt thời gian, đi ngược về quá khứ để tìm hiểu sâu về lịch sử văn hóa Thăng Long qua nhiều thời kỳ, có những nghiên cứu quan trọng về việc định đô của Lý Thái Tổ, những đoán định tài ba và sáng suốt để khẳng định vị trí của Hoàng thành Thăng Long thời Lý-Trần đúng với những phát lộ khảo cổ gần đây.

leftcenterrightdel

Hội thảo “Giáo sư Trần Quốc Vượng với văn hóa, văn nghệ dân gian Thăng Long - Hà Nội”. 

Cây đại thụ của ngành Hà Nội học

GS Trần Quốc Vượng bắt đầu nghiên cứu về Hà Nội gần như đồng thời với việc ông bước vào nghề nghiên cứu và giảng dạy ở khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kể từ những bài viết đầu tiên về Hà Nội từ những năm 1959, 1960, ông đã có tới gần nửa thế kỷ viết về Hà Nội, trong đó đề cập đến nhiều khía cạnh của văn hóa Thăng Long-Hà Nội như: Phố thị, làng nghề, nghệ thuật, dòng họ, danh nhân...

GS, TS Nguyễn Chí Bền khẳng định: “GS Trần Quốc Vượng là người luôn đam mê tìm tòi, khao khát tìm tòi về văn hóa dân gian Hà Nội. Nhìn ở loại hình, thể loại giáo sư nghiên cứu bao quát từ các tiểu vùng như Hồ Tây, gò Đống Đa, làng Cổ Pháp, Cổ Loa đến truyền thuyết về các vị Thánh bất tử, thành hoàng của thành Thăng Long; từ thành hoàng các làng đến văn hóa ẩm thực... Những tác phẩm về văn hóa dân gian Hà Nội của giáo sư thực sự là những công trình nghiên cứu sâu sắc, là những “tìm tòi” của riêng GS Trần Quốc Vượng về văn hóa dân gian Hà Nội mà khó có tác giả nào vượt qua”.

Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính, trong cuộc đời làm khoa học của mình, GS Trần Quốc Vượng đã dành tâm huyết rất lớn để nghiên cứu về Thăng Long-Hà Nội. Trong nhiều mảng đề tài về Thăng Long-Hà Nội, ông rất quan tâm đến vấn đề làng xã, dưới nhiều góc độ sử học, khảo cổ học, địa lý học, dân tộc học, văn hóa học, với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, qua đó làm sáng tỏ những khía cạnh khoa học của làng xã, như lịch sử, quá trình tụ cư, chuyển cư của các cộng đồng cư dân, mối quan hệ giữa con người với môi trường, kinh tế, cơ cấu tổ chức, văn hóa (tín ngưỡng, phong tục tập quán). Ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu làng xã, trong đó, một số khía cạnh có thể coi ông là người mở đường.

Nhìn nhận những đóng góp của GS Trần Quốc Vượng với khảo cổ học tiền sử, PGS, TS Trình Năng Chung cho rằng: Thời đại đồ đá, lĩnh vực mà còn ít nhà khoa học dấn thân nghiên cứu, thầy Vượng đã để lại những dấu ấn đặc biệt quan trọng. Hầu như không có một di chỉ, một phát hiện khảo cổ quan trọng nào trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội lại không gắn liền với công lao phát hiện hoặc tham gia của GS Trần Quốc Vượng... Đó là sự kết tinh của một trái tim luôn đau đáu về con người, về văn hóa, văn minh của vùng đất thiêng ngàn năm văn hiến: Thăng Long-Hà Nội.

leftcenterrightdel
Đất thiêng ngàn năm văn vật” - một trong số những công trình nghiên cứu về Hà Nội của GS Trần Quốc Vượng. 

 “Không chỉ nổi danh với tư cách một nhà sử học mang tầm cỡ thế giới, GS Trần Quốc Vượng còn là một nhà Thăng Long học theo nhiều khía cạnh của danh xưng này. Với kiến thức thâm sâu về mảnh đất địa linh nhân kiệt Thăng Long-Hà Nội, với một tình yêu sâu sắc với nơi chốn mà ông đã gắn bó cả cuộc đời mình, GS Trần Quốc Vượng đã có nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và đa ngành về Hà Nội, thể hiện ở các góc nhìn sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, văn hóa học... Nhiều công trình trong số đó là những nghiên cứu kinh điển, là sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ nghiên cứu sau ông về Thăng Long-Hà Nội.

 Là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội hàng thập niên, GS Trần Quốc Vượng đã dẫn dắt, truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian Hà Nội. Ông luôn nỗ lực không mệt mỏi để truy tầm các vỉa tầng văn hóa, bóc tách các lớp lịch sử, giải mã các trầm tích ý nghĩa ẩn tàng trong nhiều chứng tích ít ỏi còn lại sau các lớp dày đặc của bụi thời gian nhằm hiểu đúng, hiểu sâu và hiểu kỹ về lịch sử, con người, văn hóa vùng đất địa linh nhân kiệt Thăng Long-Hà Nội trên dặm dài lịch sử”, PGS, TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định.

Ông Trần Quốc Vượng được phong học hàm Giáo sư năm 1980; nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1990; được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997. Năm 2012, ông được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV về Khoa học-Công nghệ. Nhằm tôn vinh những đóng góp đặc biệt của GS Trần Quốc Vượng với Thủ đô, năm 2016, UBND TP Hà Nội quyết định đặt tên một tuyến phố mang tên ông. Phố Trần Quốc Vượng dài 750m, rộng 13,5m, bắt đầu từ ngã ba giao cắt với đường Xuân Thủy đến ngã ba giao cắt với đường Phạm Hùng (đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội).

 

Bài và ảnh: ĐẶNG THỦY