Cách đây 11 năm (năm 2013), khi nhóm cựu sinh viên chúng tôi đang loay hoay với bản thảo “Giáo sư Đoàn Thiện Thuật-chân dung một người thầy” thì thầy Thuật liên tục gọi điện cho tôi, giục làm nhanh cho kịp dịp thầy vào tuổi 80 (năm 2014). Lần nào thầy cũng nói: “Các cậu làm không nhanh thì có khi tôi “không kịp sống” cho đến ngày ra sách đâu”. Thế là chúng tôi phải "vắt chân lên cổ" cho kịp. Cuốn sách đã ra mắt rất kịp thời, đúng dịp mừng GS, TS, NGND Đoàn Thiện Thuật thượng thọ 80 (tháng 10-2014).

GS Đoàn Thiện Thuật sinh ngày 28-10-1934, tại thôn Cự Lộc, nay là phố Cự Lộc, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Sinh ra trong gia đình trí thức Hà thành, từ nhỏ, Đoàn Thiện Thuật đã được rèn giũa đức tính ham học hỏi và đạt kết quả học tập xuất sắc. Những năm sau giải phóng Thủ đô, vừa học, Đoàn Thiện Thuật vừa tích cực tham gia các phong trào học sinh, sinh viên ở địa phương. Tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959, sau này, thầy Đoàn Thiện Thuật là Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học kiêm Trưởng ngành Ngôn ngữ trong Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1977-1980; 1992-1995), nay là Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Với quan điểm tự học là chính nên từ sinh viên cho đến khi trở thành giảng viên đại học, thầy luôn chủ động học tập và nghiên cứu để hoàn thành những công trình có giá trị. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ở Thái Nguyên, thầy Thuật vừa giảng dạy vừa biên soạn xong cuốn "Ngữ âm tiếng Việt". Đây được coi là cuốn sách “giáo khoa kinh điển” cho mọi sinh viên chuyên ngành Ngữ âm học từ khi ra đời cho đến nay và đã được tái bản nhiều lần, là cơ sở cho việc biên soạn sách dạy ngữ âm trong trường học ở nước ta (bậc đại học cũng như bậc phổ thông). Đóng góp của GS Đoàn Thiện Thuật qua công trình này là nghiên cứu cxuất phát từ đặc điểm của tiếng Việt và quan tâm đến thực tế việc dạy học tiếng Việt trong nhà trường để nghiên cứu.

leftcenterrightdel

GS, TS, NGND Đoàn Thiện Thuật. 

Trong cuốn sách "Ngữ âm tiếng Việt" (tái bản lần thứ tư, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả viết: "Trong giao tiếp, một người muốn nói một điều nào đó phải phát ra thành lời một cái gì, còn người khác muốn hiểu được người ấy thì phải nghe thấy và nhận biết được một cái gì. "Cái gì" đó chính là đối tượng nghiên cứu của ngữ âm học và âm vị học.

Ngôn ngữ của con người bao giờ cũng là ngôn ngữ thành tiếng. Một người điếc giao tiếp với người xung quanh rất khó khăn. Âm thanh do một người phát ra khi nói năng cũng có những đặc trưng giống như mọi âm thanh trong thế giới tự nhiên, chẳng hạn cao độ, cường độ... Những đặc trưng âm học này cần được phân tích thấu đáo và cội nguồn của chúng là những cách phát âm nhất định, cần được miêu tả tỉ mỉ vì mục đích dạy tiếng".

Cẩn thận, tỉ mỉ, cặn kẽ, mạch lạc, nghiêm túc và chuẩn mực, đó là phong cách mà người học dễ dàng nhận thấy ở GS Đoàn Thiện Thuật. Là người chịu khó thâm nhập thực tiễn nên thầy thường đưa những câu chuyện, dẫn chứng từ đời sống vào bài giảng, làm cho những bài học về ngữ âm tưởng chừng khô khan, trừu tượng, khó hiểu lại trở nên sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, thu hút sự lắng nghe của sinh viên.

Anh Đỗ Tiến Thắng (cựu sinh viên của thầy Thuật, đã mất) từng kể lại: “Phần lớn các giáo sư Khoa Ngữ văn mà tôi được học đều có những cách trình bày bảng rất “phăng-te-di” (fantaisie: Khác thường, đặc biệt). Thầy Nguyễn Tài Cẩn thì làm cái bảng nát bét bởi các mũi tên, các đường ngang dọc rồi lấy tay xóa, và lại dùng chính bàn tay ấy vuốt ngược tóc. Thầy Bùi Ngọc Trác thì vẽ lên bảng một bức tranh trừu tượng bởi các hình tròn không hề tròn chút nào. Thầy Hoàng Trọng Phiến thì hút hồn học trò bằng ngữ điệu văn chương, còn bảng chỉ toàn chữ Tây... Nhưng thầy Đoàn Thiện Thuật thì không vậy. Tên bài, tên tiểu mục, tên ta, tên Tây, mở ngoặc, đóng ngoặc, lùi dòng... tất cả đều quy phạm bằng nét chữ nghiêng vừa độ, mảnh vừa độ, đậm vừa độ. Nhìn bảng thầy viết, học trò không phải nhọc công tóm tắt bài nữa. Với tôi, có lẽ số phận phải gắn với ngữ âm học suốt đời hay sao mà sau nhiều lần chuyển nhà, nhiều lần chạy mưa bão, lụt lội, hai cuốn vở ghi bài giảng của thầy nay vẫn còn trên giá sách. Xem lại vở mới biết thầy “sư phạm” đến mức nào. Nếu lười suy nghĩ, bây giờ tôi có thể đem chúng “copy” lên bảng các đề mục, rồi đọc nội dung cho sinh viên chép lại mà vẫn “chuẩn” như thường”.

leftcenterrightdel
 Từ trái sang: GS Hoàng Trọng Phiến, GS Đoàn Thiện Thuật, GS Đinh Văn Đức, tác giả và GS Lê Quang Thiêm tại Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2019. 

GS Đoàn Thiện Thuật cũng là người đi đầu trong giới ngôn ngữ học ở Việt Nam thực hiện vẽ bản đồ ngôn ngữ. Ông đã sử dụng phương pháp vẽ bản đồ của ngôn ngữ học địa lý để tìm ra vùng quy tụ những đặc điểm của các tiếng địa phương tương đồng về ngữ âm, từ vựng. Tiếng nói của khu vực tìm được đem sử dụng để phát thanh... Đó là một thành công rất đáng ghi nhận. Bởi các chuyên gia trước đó đều theo sách vở truyền thống, tức là chọn tiếng nói của vùng nào có trình độ kinh tế, chính trị, văn hóa phát triển nhất làm tiếng chuẩn. Cách làm này căn cứ vào những yếu tố bên ngoài ngôn ngữ. Còn cách nghiên cứu do GS Đoàn Thiện Thuật thực hiện là căn cứ vào những nét tương đồng của các tiếng địa phương, tức là dựa vào những yếu tố bên trong ngôn ngữ. Đây là một đóng góp về mặt phương pháp mang tính lý thuyết đại cương trong ngôn ngữ học.

GS, TS, NGND Đoàn Thiện Thuật bề ngoài có vẻ kiệm lời, điềm tĩnh, nhưng thực chất là một con người năng nổ, hài hước, dễ gần. Các học trò Tổng hợp còn lưu truyền một giai thoại vui về thầy. Chuyện là thấy sinh viên chưa hiểu tại sao gọi là phụ âm mũi, GS Đoàn Thiện Thuật liền kể: “Lớp ta hôm qua, có một cô xin nghỉ học vì lý do bị ngạt mũi. Tôi hỏi lại: Chị bị làm sao? Cô ấy đáp: Thưa thầy, em bị ngạt mũi ạ. Tôi bảo: Chị nói dối. Cô ấy ấp úng: Sao thầy biết ạ? Tôi nói cho cả lớp nghe: Bị ngạt mũi thì luồng không khí từ phổi lên không thể thoát ra đường mũi được, nếu chị ấy phát âm “Em bị cạt bũi” thì đã đánh lừa được tôi...”.

Nhiều ví dụ dí dỏm như thế của GS Đoàn Thiện Thuật đã làm cho giờ học ngữ âm bớt đi nhiều căng thẳng vì “môn của thầy quá trừu tượng” (theo nhận xét của sinh viên). Những lúc như thế, thầy không hề “hàn lâm” chút nào. Có dịp tiếp xúc mới biết ngoài vẻ đạo mạo, thầy rất niềm nở, dễ gần và rất “đời thường”. Nghe các anh, các chị khóa trên kể lại là ở nơi sơ tán thời Mỹ ném bom, thầy hòa đồng với nhân dân và sinh viên đến mức không ai biết thầy là “công tử Hà thành”. Thầy là người nói chuyện rất có duyên và luôn dành sự quan tâm đến người khác, không phải là người thích “độc chiếm diễn đàn” để nói về mình hay chỉ nói về chuyên môn. Khi chuyện trò, dáng vẻ “giáo sư Pháp” của thầy biến đâu mất, thay vào đó là chất giọng ân cần cùng những câu chuyện thân tình, khích lệ người nghe.

Năm nay, GS Đoàn Thiện Thuật thượng thọ 90 tuổi. Tuy sức khỏe có sút giảm qua mấy lần ốm khá nặng, nhưng thầy vẫn chịu khó đọc, theo dõi mọi hoạt động của Khoa Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), của giới Việt ngữ học. Trang Facebook (Thien Thuat Doan) của thầy vẫn cập nhật những thông tin, nhận xét, bình luận về học trò, đồng nghiệp rất chi tiết và thú vị. Thầy đã làm mọi người ngạc nhiên về một giáo sư đầu ngành tuổi rất cao vẫn “trẻ mãi không già”.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH