Một ngày giữa năm 2022, tôi nhận được cuốn sách dày khổ lớn của GS, TS Cao Chi: "Vũ trụ đột sinh" (Nhà xuất bản Tri Thức). Tôi rất xúc động, có phần bất ngờ. Bởi khi đó, tác giả tuổi đã ngoài 90 rồi, lại mỗi tuần hai lần vào bệnh viện chạy thận nhân tạo, mắt đã mờ vì mới thay thủy tinh thể nhưng vẫn tỉnh táo, cặm cụi đêm ngày viết cuốn sách “khổng lồ” như vậy toàn về những vấn đề mới nhất của vật lý hiện đại, mà vẫn nhớ đến một người bạn vong niên “ngoại đạo” là tôi để tặng sách.

GS, TS Cao Chi sinh năm 1931, tại Kon Tum, quê gốc ở Quảng Ngãi. Lúc nhỏ, ông học giỏi toán đến nỗi được gọi là “Thần đồng toán học”. Do có sở trường về toán nên sang học ở nước bạn, ngay từ đầu ông chọn vật lý lý thuyết, ngành học không có phòng thí nghiệm, chỉ đơn thuần giấy-bút, dùng tư duy trừu tượng thông qua toán hiện đại để đề ra những lý thuyết mới soi đường cho vật lý phát triển.

Với công việc làm báo, tôi có may mắn quen biết GS, TS Cao Chi từ những năm đầu thập niên 1990, khi ông đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, và chủ trì đề tài cấp Nhà nước KC-09-17 “Nghiên cứu chiến lược phát triển kỹ thuật và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam”. Rồi đến những năm 1996-1998, ông còn chủ trì tiếp đề tài về kinh tế và tài chính vào Việt Nam của Chương trình hạt nhân...

Ông dáng cao, trắng trẻo, nho nhã, tiếp xúc rất dễ chịu, phong thái của một văn nhân, của một người hiền. Ông còn hay viết báo, thường có bài liên quan đến vật lý hiện đại trên các báo, tạp chí như: Nhân Dân, Tuổi trẻ, Khoa học & Phát triển, Nghiên cứu nghệ thuật, Tia Sáng... Văn phong của ông luôn toát lên sự tinh tế, tài hoa, chẳng thế mà GS Tạ Quang Bửu khi đang là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp sau khi đọc bài “Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp” trên Tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 5-1984, đã khen ngợi: “Cao Chi là một chuyên gia về lý thuyết trường lượng tử và một nhà toán học sâu sắc, cái gì bạn ấy viết ra cũng đều được suy tính kỹ. Những bài viết của bạn ấy dù là các vấn đề chuyên môn cũng đẹp về nhiều mặt: Ý tứ, lời văn, tình nghĩa và trách nhiệm tương hỗ giữa người viết và người đọc".

leftcenterrightdel

 GS, TS Cao Chi tại nhà riêng đầu năm 2023. 

Tôi thì vẫn giữ được mối quan hệ với ông ngay từ buổi đầu đến sau này khi đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng tôi sang thăm ông trong căn hộ chót vót tầng 18 ở một chung cư thuộc Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Căn hộ bình dân, nhưng có thể gọi là “Tổ ấm vật lý”. Bà Nguyễn Thị Tú Uyên, người vợ tao khang của ông, nguyên giảng viên bộ môn Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); cô con gái rượu của ông, TS Cao Thị Vi Ba cũng dạy cùng trường với mẹ và nối nghiệp bố về vật lý lý thuyết. Còn một “nhân vật” nữa trong cái tổ ấm ấy, anh Hoàng Tô, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tinh Vân Group, con rể luôn ủng hộ nhạc phụ cả về tinh thần lẫn vật chất mỗi khi ông ra sách. Lần nào trong câu chuyện với tôi, cuối cùng thì chủ nhà vẫn trở về “thời sự” của vật lý và tôi vẫn lĩnh hội được cốt lõi tuyệt vời trong tâm hồn ông, đó là niềm say mê vô bờ khám phá tự nhiên.

Để có thể hiểu đầy đủ hơn về con người GS, TS Cao Chi, tôi xin nêu lại ý kiến của một người bạn đồng lứa khá thân thiết với tôi là anh Phạm Văn Thiều, Tổng biên tập Tạp chí Vật lý và Tuổi trẻ; đồng thời là người khởi xướng tủ sách "Khoa học & khám phá" đã ra hàng trăm đầu sách phổ biến kiến thức khoa học tinh hoa được đông đảo bạn đọc ưa thích trong gần hai chục năm qua. Anh Thiều vốn cùng chuyên môn với GS, TS Cao Chi và từ những năm đầu thập niên 1980, hai người từng hợp tác dịch cuốn sách phổ biến khoa học của nhà vật lý lý thuyết lừng danh người Anh S.Hawking "Lược sử thời gian". Đây là cuốn best seller, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, nước ta cuốn này hiện đã tái bản đến lần thứ 32, một kỷ lục độc nhất vô nhị.

Anh Phạm Văn Thiều từng nhận xét: Có thể nói, anh Cao Chi thuộc lứa những người làm vật lý chuyên nghiệp (nghĩa là nghiên cứu và giảng dạy, mà nghiên cứu là chính), được đào tạo rất cơ bản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi có bằng tú tài, anh tập kết ra Bắc và được cử đi học ở thánh đường khoa học uy tín của thế giới mà hồi đó lũ sinh viên chúng tôi hằng mơ ước, đó là Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow, mang tên Lomonosov (MGU), với những giáo sư nổi tiếng như Ivanenco, Landau, Kikoin... Sau khi tốt nghiệp xuất sắc, anh về nước dạy ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1963, anh được cử đi Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, một trung tâm nghiên cứu lớn hồi bấy giờ của phe xã hội chủ nghĩa. Do được đào tạo rất cơ bản ở MGU cộng với niềm đam mê cháy bỏng muốn theo kịp trình độ vật lý lý thuyết thế giới nên chỉ trong một thời gian ngắn anh đã bắt nhịp được với nhóm làm việc. Anh đã không ngại ngần chọn vấn đề nghiên cứu “hot” nhưng rất khó, đó là lý thuyết trường chuẩn. Điều thú vị là thực tế sau này đã chứng tỏ rằng hướng đi này là đúng đắn, dẫn tới lý thuyết thành công nhất của vật lý hiện đại là mô hình chuẩn ngày hôm nay...

Quả thực, trong những chuyên gia vật lý hàng đầu của Việt Nam, GS, TS Cao Chi là người có vốn văn hóa chung rộng và phong phú nhất. Chính cái vốn văn hóa vững vàng đó cộng với kiến thức sâu sắc cùng với tài năng sư phạm đã làm nên sự hấp dẫn đặc biệt trong các bài giảng của GS, TS Cao Chi. Trong số những thầy giáo đại học mà tôi được thụ giáo, GS Hoàng Phương, GS Hoàng Tụy, GS Cao Chi là những nhà sư phạm lỗi lạc, vốn không nhiều lắm ở nước ta mà tôi hâm mộ nhất.

leftcenterrightdel

Bút tích của GS, TS Cao Chi. 

Những năm gần đây có một điều đặc biệt nữa ở GS, TS Cao Chi, từ khi ông bước sang tuổi 80 (năm 2011) đã tự nguyện đồng hành với Nhà xuất bản Tri Thức ra một bộ sách dưới cái tên chung "Vật lý hiện đại". "Vũ trụ đột sinh", ấn phẩm mới nhất của nhà nghiên cứu lão thành, là cuốn sách tổng hợp kiến thức từ bộ sách 6 tập đã xuất bản. Hôm nhận được sách, trước hết tôi gọi điện cảm ơn ông và hứa “dẫu em là ngoại đạo, nhưng em sẽ đọc hết, đọc kỹ...”. Điện thoại trả lời, giọng ông nhỏ nhẹ như mọi lần, song đã yếu nhiều: “Cuốn này anh đã cố gắng diễn giải sao cho dễ hiểu nhất, song vẫn còn nhiều công thức, định lý. Em và những người không cùng chuyên môn thì bỏ qua các diễn toán ấy đi nhé, chỉ cần hiểu tư tưởng mới trong vật lý là được”.

"Vũ trụ đột sinh" đề cập đến hầu hết kiến thức của vật lý hiện đại, về những nỗ lực của nhân loại trong nhiều thập kỷ qua và sẽ còn phải giải quyết trong nhiều thập kỷ tới. Trong đó nguyên lý đột sinh là một đề tài thú vị. Một quan điểm về đột sinh (emergence) của R.Laughlin (Nobel Vật lý 1998) được nhiều nhà khoa học chia sẻ, khẳng định rằng những định luật của thiên nhiên đều độc lập với các định luật điều khiển các quá trình ở lớp dưới. Nguyên lý đó dựa trên cơ sở các hạt vốn có những cách hành xử cá nhân rất ngẫu nhiên, lại có cách hành xử tập thể rất tất định. Điều đó dẫn tới giả thiết cho rằng mọi định luật đều là đột sinh. Từ đây ta sẽ cảm nhận được những điều kỳ diệu đẹp đẽ của những nguyên lý vận hành vũ trụ, nơi ta đang sinh sống, tìm tòi sáng tạo tư duy và chiêm nghiệm.

GS, TS Cao Chi từng nói: Tôi đã tìm thấy sự liên hệ mật thiết giữa nghệ thuật và khoa học thông qua cái đẹp. Cho dù mỗi lĩnh vực đều có nét khác biệt nhưng đều tương đồng trong nguyên lý của cái đẹp: Đối xứng, hài hòa, toàn bích và đơn giản. Tất cả đều nằm trong một vũ trụ đột sinh biến đổi vô cùng, vô tận.

Do tuổi cao, sức yếu, GS, TS Cao Chi đã qua đời chiều 30-8-2024, trong vòng tay người thân và bạn bè. Tôi viết bài này thay cho nén nhang đưa tiễn người hiền Cao Chi thanh thản bay về nơi "Vũ trụ đột sinh" mà ông và nhiều nhà vật lý hiện đại khác hằng tâm niệm và khám phá!

Bài và ảnh: PHẠM QUANG ĐẨU