Đội ngũ nhà giáo là những “kỹ sư tâm hồn” khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ nắm bắt chân lý của thời đại; có sứ mệnh hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp người tài, đức kế tục sự nghiệp cách mạng dân tộc, như Bác Hồ từng nói, đó là những “người vẻ vang nhất”, là những “anh hùng vô danh”.
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp thu hút nhân tài cho ngành giáo dục, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo “vừa hồng vừa chuyên”. Trong đó chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GĐ-ĐT, đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng và nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đến nay, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cùng hơn 900.000 nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế bên cạnh việc mở ra cơ hội cho ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cũng đặt đội ngũ nhà giáo Việt Nam đứng trước những thách thức lớn như: Tình trạng khan hiếm giáo viên chất lượng cao, thiếu hụt nhân tài khoa học, xu hướng “chảy máu chất xám” diễn ra mạnh mẽ; nguy cơ tụt hậu và thất nghiệp gia tăng trong kỷ nguyên số... Vì thế, nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Để thực hiện sứ mệnh trên, ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sâu sắc, linh hoạt, sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và bộ tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà giáo.
Đổi mới GD-ĐT cần tiếp tục đẩy mạnh theo hướng “lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo”. Theo đó, quy trình, chương trình, nội dung GD-ĐT cần hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa, liên thông, hiện đại, hội nhập quốc tế; sắp xếp lại mạng lưới trường các trường sư phạm; đẩy mạnh công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng đào tạo nhân tài giáo dục; thực hiện tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, bố trí nhân tài, tạo điều kiện cho đội ngũ nhà giáo phát triển đúng hướng; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm nhà giáo tài năng, tâm huyết, có chất lượng, nhất là những tài năng trẻ.
|
|
Thầy và trò Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao đổi sau giờ học. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Chất lượng đội ngũ nhà giáo được cho là nhân tố quan trọng tác động trực tiếp tới hiệu quả và chất lượng giáo dục, bởi vậy cần có sự đầu tư phù hợp để bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo về trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, năng lực chủ động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, về tư tưởng chính trị, đạo đức và các kỹ năng. Trong thời đại hội nhập quốc tế như hiện nay, đội ngũ nhà giáo cũng cần được đào tạo, tạo điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giảng dạy, nghiên cứu.
Mới đây, khi thảo luận về chính sách tiền lương, có đại biểu Quốc hội đã nêu vấn đề về mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn rất thấp nhưng áp lực công việc rất lớn. Cũng đã có tới 6.000 câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT liên quan đến vấn đề này trong cuộc đối thoại trước năm học mới. Quả thực, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo về tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, nhất là với nhà giáo ở các vùng sâu, vùng xa cần được nghiên cứu, sớm hoàn thiện và đi vào thực thi để đội ngũ nhà giáo được động viên, yên tâm công tác, cống hiến. Hy vọng rằng, giống như lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, trong thời gian tới khi thực hiện cải cách tiền lương, lương nhà giáo được ưu tiên xếp trong thang, bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Cùng với đó, chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng nhân tài giáo dục theo hướng công khai, khách quan, công tâm, chính xác, dựa trên cơ sở phẩm chất và năng lực thực chất... cũng sẽ là yếu tố giúp thu hút, khích lệ người tài, tâm huyết cho ngành giáo dục.
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GD-ĐT cũng giúp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học tài năng. Tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới với đẩy mạnh ký kết, triển khai các thỏa thuận, dự án trao đổi giáo viên, giảng viên, trao đổi học thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng tài năng, thu hút nhân tài giáo dục trong nước và nước ngoài.
Thu hút nhân tài giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đủ tâm, đủ tầm, đủ chí, “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT có ý nghĩa then chốt, quyết định thành công của sự nghiệp "trồng người"; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Năm học 2022-2023, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026.
|
Tiến sĩ NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH