Đó là những nội dung trong "Chiếu" về tuyển chọn nhân tài năm Thiệu Bình 1 (1434) của Vua Lê Thái Tông (vị hoàng đế thứ hai của Hoàng triều Lê nước Đại Việt). Tiếp theo đó là: "Nước ta từ khi trải qua binh lửa, anh tài ít như lá mùa thu, tuấn kiệt thưa như sao mai buổi sớm. Thái Tổ ta mới dựng ngay trường học, nhưng lúc mở mang chưa đặt tên khoa thi. Ta noi theo chí tiên đế, muốn cầu được người hiền tài để thỏa lòng mong đợi"...

Người xưa luôn mong muốn có nhiều nhân tài, nhưng hệ thống đào tạo rất hạn chế về quy mô, ở các địa phương không có trường của Nhà nước, cho nên nguồn đào tạo không phong phú như ngày nay. Kể từ năm 1075-năm mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam đến năm 1919, tức là năm cuối cùng của sự tồn tại nền giáo dục Nho học, cả nước chỉ có 2.898 người có học vị cao (tiến sĩ, phó bảng). Trong hơn 10 thế kỷ đó, những nhà khoa bảng đã thực sự góp phần có hiệu quả trong việc xây dựng nền văn hiến vẻ vang lâu đời của dân tộc ta.

Do nhân tài ít như lá mùa thu mà những người đứng đầu quốc gia luôn canh cánh lo lắng không đủ người hiền tài đứng ra giúp nước. Sau khi lên ngôi vua, năm 1429, Lê Lợi đã viết "Chiếu cầu hiền", trong đó nhấn mạnh: “Muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử”... Cũng như Lê Lợi, Nguyễn Huệ (Quang Trung) sau khi lên ngôi Hoàng đế thì việc cần kíp bấy giờ là tìm kiếm người hiền tài giúp ông gánh vác công việc ở xứ Bắc và cũng viết "Chiếu cầu hiền" để tìm người tài trong thiên hạ.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có lời kêu gọi những người tài đức tham gia xây dựng và bảo vệ nhà nước dân chủ cộng hòa non trẻ như sau: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức...".

leftcenterrightdel
 Du khách tìm hiểu về khoa cử Nho học Việt Nam tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: PHÚC ANH

Chúng ta đã trải qua nhiều thế kỷ “nhân tài ít như lá mùa thu". Từ năm 2000 đến nay, gần 1/4 thế kỷ 21 đã đi qua, việc đào tạo ở trình độ sau đại học có thể nói là đã đạt một số lượng khá lớn, không thể đánh giá là ít được nữa. Theo những ghi chép của tôi, cho đến nay, qua 20 đợt phong chức danh khoa học giai đoạn 2001-2022, số lượng giáo sư và phó giáo sư đã đạt con số hơn 15.000 người. Con số này trước đây chỉ có trong mơ mà thôi. Riêng đối với việc đào tạo sau đại học, chúng ta cũng đã có hơn 100.000 thạc sĩ và hơn 24.300 tiến sĩ. Cho dù nhiều người vẫn sốt ruột vì những con số trên đây đem so với các nước trong khu vực thì kém nhiều, còn so với các nước phát triển mạnh lại càng kém xa, nhưng, nếu như tất cả các thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư đều là những tài năng, được đào tạo có bài bản, đạt chất lượng cao thì chắc hẳn, Việt Nam đã có một lực lượng sản xuất không hề nhỏ.

Tuy nhiên, thực tế vì sao dư luận xã hội vẫn băn khoăn về hiệu quả đóng góp cho xã hội của lực lượng đông đảo này? Có thể lý giải về nghịch lý này như sau: Trước hết, chúng ta hiểu không chuẩn xác các khái niệm về học hàm, học vị, cho nên đào tạo xong đã sử dụng không đúng, dẫn đến nhiều kết quả đào tạo thấp. Giáo sư và phó giáo sư là hai khái niệm thuộc phạm trù học hàm-đó là chức danh khoa học chứ không phải là chức danh nhà nước. Nhưng nhiều cơ quan quản lý nhân sự lại luôn tìm người có chức danh khoa học để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhà nước hoặc giữ các cương vị chủ chốt trong lãnh đạo các hoạt động xã hội. Rất nhiều cán bộ cơ quan, ban, ngành nhà nước, công đoàn... có chức danh khoa học giáo sư hay phó giáo sư. Các vị ấy riêng quản lý công việc nhà nước, lo công tác hành chính cũng hết thời gian, hầu như không thể tham gia giảng dạy trên giảng đường đại học, cũng rất ít người hướng dẫn nghiên cứu sinh hay dành thời gian nghiên cứu, viết bài báo khoa học cho tạp chí chuyên ngành...

Trong bộ máy hành chính các cấp, hiện có hơn 233.000 cán bộ, công chức cả ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Trong số này có khoảng 60.000 người đã có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ. Nhìn chung, những học vị này của họ đã không mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc hành chính cao hơn trước. Công việc sự vụ của công chức đòi hỏi người lao động phải rất mẫn cán, tỉ mỉ, ngăn nắp... không yêu cầu năng lực nghiên cứu khoa học của thạc sĩ hay tiến sĩ. Từ đó mới có tình trạng, trong khi các trường cao đẳng và đại học thiếu thạc sĩ và tiến sĩ thì các cơ quan hành chính lại có cả hàng chục nghìn người có học vị này. Vì vậy, nếu không điều chỉnh về nhân lực, chúng ta sẽ lãng phí công sức và tiền bạc đào tạo số lượng cán bộ khoa học khá đông đảo như vậy.

Mặt khác, chất lượng đào tạo các trình độ nói trên cũng là điều đáng bàn. Bởi bệnh thành tích, chạy theo số lượng với những cách tổ chức bảo vệ luận văn, luận án ồ ạt như “lò ấp trứng” sẽ làm giảm chất lượng đào tạo. Rất nhiều luận án tiến sĩ chọn đề tài gây tranh cãi, na ná nhau, tính ứng dụng thực tiễn thấp... Bên cạnh đó, bệnh gian lận trong thi cử hiện cũng như bệnh nan y. Trên mạng xã hội, người ta còn công khai quảng cáo các dịch vụ học hộ, thi hộ, viết luận văn, luận án thuê, mua bài báo quốc tế... Qua đó ta thấy tính bất liêm trong học tập và thi cử hiện đang là vấn đề nan giải.

Những nhà giáo, những nhà khoa học có chức danh khoa học thực sự nghiêm túc sẽ cảm thấy xấu hổ vì những ông "tiến sĩ rởm" lọt lưới và đang ung dung giảng dạy, đào tạo các học viên cao học, các nghiên cứu sinh hoặc đang làm công tác quản lý xã hội. Những tiêu cực đáng lo ngại trong đào tạo nhân tài của chúng ta tồn tại quá lâu như vậy cần sớm chấn chỉnh và giải quyết.

GS, TS PHẠM TẤT DONG