Trọng dụng nhân tài trong xã hội xưa

Trong tiếng Anh, “talent” là một trong những từ khá phổ biến dùng để chỉ người có tài năng với hàm nghĩa chỉ những người có khả năng, năng lực, năng khiếu tự nhiên nào đó. Theo đó, nhân tài mang tính chất thiên bẩm (không cần được dạy), vì thế cũng hiếm hoi (không dễ có) và đáng quý.

Trong xã hội truyền thống, khái niệm nhân tài thường được dùng để suy tôn những cá nhân mẫu mực, có công đức đối với xã hội, gọi là “hiền tài”. Thời hiện đại, việc đánh giá về nhân tài cũng rộng mở hơn, được đánh giá, tôn vinh nếu có những đóng góp nổi bật về một lĩnh vực nào đó (thường gắn liền với sự sáng tạo ưu việt). Nhưng, nếu chỉ dựa vào năng lực để đánh giá một cá nhân là nhân tài thì chưa đủ. Bởi có người có năng lực chưa phải xuất sắc nhất, nhưng bằng sự nỗ lực cao và tinh thần trách nhiệm, người đó đã có đóng góp rất lớn cho cộng đồng. Ngược lại, cũng có những người tài năng, nhưng không ích nước lợi dân thì cũng không thể trở thành “nguyên khí” của quốc gia được.

Vì vậy, nhân tài, trên ý nghĩa chung nhất, vẫn là khái niệm chỉ chủ thể có những đóng góp nổi trội đối với sự tiến bộ, phát triển của một quốc gia, cộng đồng xã hội bằng tài năng và tinh thần tận hiến.

Người Việt Nam từ rất sớm đã có thái độ trân trọng người tài. Nhất là khi nước ta giành lại quyền độc lập, tự chủ, yêu cầu xây dựng, phát triển bộ máy nhà nước được đặt ra cấp bách, nên vấn đề trọng dụng nhân tài rất được đề cao.

Thứ nhất, về chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Ý thức được tầm quan trọng của người tài, các bậc minh quân thánh chúa đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo, bồi dưỡng tài năng. Việc học hành được quan tâm chu đáo, từ việc chủ trương mở trường học (cả trường công lẫn trường tư, từ trung ương đến tỉnh lộ), đầu tư cơ sở vật chất (có đủ sách vở, có thầy giỏi, có nơi ăn ở cho các giám sinh), mở mang đối tượng giáo dục (từ hoàng tử, con cái nhà quan đến các nho sĩ, cả con em thường dân vào học). Triều đình cũng đặt chức Giáo thụ ở các phủ, châu để trông coi việc học, ban Chiếu cầu hiền, Chiếu lập học để khuyến khích việc học hành trong nhân dân. Đặc biệt, các bậc quân vương luôn quan tâm đến việc giáo dục con em mình nhằm tạo người kế vị tin cậy, xứng đáng.

Thứ hai, về tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước. Nhìn chung, nhà nước phong kiến đề cao chủ trương “nhậm hiền”, tức là chọn lựa và sử dụng những người có tài đức, có học được giữ chức vụ cao. Việc tuyển dụng nhân tài được tiến hành bằng nhiều cách thức để cho người tài có thể bước chân vào bộ máy quan trường, phò vua, giúp nước như: Nhiệm tử (tập ấm), bảo cử (giới thiệu và bảo lãnh), khoa cử (qua thi cử). Ba con đường đó được kết hợp và bổ sung cho nhau, và đều được thực hiện hết sức nghiêm túc, đã tập hợp được vô số người tài trong suốt gần 10 thế kỷ.

Thứ ba, về chính sách sử dụng người tài. Ở giai đoạn thịnh trị của các vương triều, người tài được ưu tiên sử dụng vào các vị trí trọng yếu của triều đình, được tin tưởng giao phó các nhiệm vụ hệ trọng. Với tinh thần trọng tài, nhiều đấng minh quân đã đối xử với họ rất khách quan và ưu ái thực tài hơn cả tình thân. Đặc biệt, họ được cất nhắc đúng người đúng việc nên mọi sở trường, năng lực thiên phú được phát huy tối đa.

Mặt khác, để bảo đảm sự ổn định triều cương và tạo niềm tin, động lực cho người tài tận hiến, triều đình cũng rất coi trọng vấn đề phòng, chống tham nhũng và giám sát quan lại với nhiều chính sách rất cụ thể: Chế độ thử việc (thời Lê sơ); khảo khóa (kiểm tra, đánh giá) hệ thống quan lại (thời Trần, Lê), ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thôi việc, giáng chức, bãi chức; chế độ giám sát lẫn nhau giữa các quan (thời Lê sơ). Các triều đại cũng đã thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của các cơ quan giám sát thực quyền: “Ngự sử đài” (thời Trần), “Lục khoa” (thời Lê sơ), Đô sát viện (thời Nguyễn); đặt ra các chức quan đảm nhiệm công việc này như: “Giám sát ngự sử” (thời Lê sơ), Đô ngự sử và Phó đô ngự sử, Cấp sự trung và Giám sát ngự sử (thời Nguyễn)...

Ngoài ra, để tránh những tiêu cực xảy ra do sự chi phối của tình thân đối với hoạt động công vụ, các triều đại (Lê sơ và Nguyễn) đã thực thi chế độ “Hồi tỵ”. Mặt khác, các triều đại đã xây dựng một chế độ lương bổng công bằng, hợp lý cho đội ngũ quan lại, lại còn cấp thêm một khoản tiền khác gọi là tiền “dưỡng liêm” (triều Nguyễn).

leftcenterrightdel

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) - một hình thức tôn vinh người đỗ đạt trong lịch sử nước ta. Ảnh tư liệu

Gợi mở chính sách thu hút nhân tài thời nay

Ngay từ thời trung đại, cha ông ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài và có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực để trọng dụng nhân tài. Tất nhiên, có một số điểm trong công tác đào tạo, tuyển dụng nhân tài của chế độ phong kiến, đến hôm nay không còn phù hợp nữa. Nhưng, bài học về thái độ và ứng xử trân quý người tài, tư duy khai phóng và những chính sách thiết thực, tiến bộ để phát triển nhân tài của các vương triều quân chủ thì không hề xưa cũ, cần được kế thừa và vận dụng hiệu quả trong xã hội hiện tại.

Một là, khoan dung. Để có thể quy tụ nhân tài, cần phải có tinh thần khoan dung, mà điểm cốt lõi nằm ở chỗ: Nhận thức đúng đắn về vai trò, giá trị của nhân tài; phát hiện đúng người tài; đề cao thực tài. Cần phải hạn chế tối đa cách quản lý hành chính quan liêu với thói quen áp đặt gia trưởng-tác nhân làm hao hụt trí tuệ, nhiệt tình và khả năng sáng tạo của người tài. Người đứng đầu cần có tinh thần cầu thị, tôn trọng những kế sách mà người hiền tài đóng góp cho cơ quan, đơn vị. Mặt khác, trong xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực hiện nay, nguy cơ “chảy máu chất xám” đang hiện hữu, cần có chính sách thu hút nhân tài, nhất là tài năng trẻ. Cần tin tưởng, giao trọng trách cho cán bộ trẻ đủ “tâm” và “tầm” để khuyến khích tài năng, tạo cơ hội cho họ sớm vào cuộc, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Hai là, tạo cơ hội. Cần phải có cơ chế, chính sách kịp thời, đúng đắn để tạo cơ hội cho người tài phát triển và tận hiến cho nước, cho dân. Muốn vậy, cần phải đầu tư trọng điểm cho giáo dục nhân tài (đào tạo để tìm kiếm tài năng và bồi dưỡng để tài năng phát triển). Có chiến lược lâu dài tránh dàn trải và ngắn hạn, bị động. Lựa chọn một số trí thức có năng lực nổi trội và có kế hoạch bài bản để bồi dưỡng họ trở thành những nhân tài trên một số lĩnh vực mũi nhọn, mang tầm chiến lược...

Tiếp theo là tuyển dụng đúng thực tài, thể hiện ở nhiều khâu từ thi cử tuyển chọn nhân sự đến giao việc, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ... Tránh tình trạng dựa vào “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ” mà bỏ qua thực tài, khiến cho người tài bất đắc chí, mất niềm tin và tài năng bị lãng phí. Công tác quy hoạch cán bộ cần thực hiện đúng quy trình, tránh tình trạng đốt cháy giai đoạn, thăng tiến nhảy vọt và vượt cấp tạo cơ hội cho một số kẻ lợi dụng mua quan bán chức. Cần thực hiện việc bổ nhiệm, đề bạt kịp thời, chính xác và xứng đáng với năng lực, đóng góp của người tài. Công tác tuyển chọn cán bộ cần phải công tâm, minh bạch, chặt chẽ, kỹ lưỡng, dùng đúng người, đúng việc. Thực hiện tốt chính sách luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách tài trí và rèn luyện nhân cách cho người tài.

Ba là, đãi ngộ và vinh danh. Để người tài yên tâm, tận lực cống hiến, cần chăm lo chế độ lương bổng và đãi ngộ vật chất bảo đảm cuộc sống cho họ, tránh tình trạng họ phải lao đao lo miếng cơm manh áo làm hao hụt tài năng. Trước những đóng góp xuất sắc của người tài cho sự nghiệp chung, cần kịp thời ghi nhận, vinh danh, tránh tình trạng hình thức hoặc thiếu công bằng hay cào bằng...

Bốn là, có cơ chế bảo vệ. Nhân tài như hạt giống quý, cần được bảo vệ trong địa hạt tốt lành để có thể ươm mầm và sinh trưởng khỏe khoắn. Người tài cần một môi trường lành mạnh. Muốn vậy, cần phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Cần có cơ chế, quy định xử phạt nghiêm khắc đối với những tệ nạn như chạy chức, chạy quyền của những kẻ bất tài, gian dối và cơ hội.

Thực hiện tốt nhiệm vụ này, một mặt thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp, đủ sức răn đe đối với kẻ sai phạm, đồng thời tạo niềm tin vững chắc cho người hiền tài để họ đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc thanh lọc cán bộ để tẩy trừ những hạn chế, yếu kém, chọn lọc được tinh hoa, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”...

Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài đã được đưa lên thành quốc sách, thành một nội dung quan trọng trong các chủ trương, đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta.

Qua thực tế, nhiều nhân tài đã phát huy được năng lực, sở trường, đóng góp rất tích cực vào sự phát triển đất nước. Tuy vậy, trong quá trình thực thi vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc tổ chức giáo dục, đào tạo, tuyển dụng nhân sự... Trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, việc chọn lựa đội ngũ cán bộ thực sự đủ tâm và tầm, ngang tầm nhiệm vụ có vai trò tối quan trọng, quyết định đến sự phát triển tương lai đất nước.

TS NGHIÊM THU NGA