Sinh ra, lớn lên ở miền Trung, tôi vốn không xa lạ gì với thiên tai, bão, lũ. Nhớ những ngày thơ ấu, vì còn bé, chưa phải tham gia chống bão với cả nhà, tôi là thành viên vô lo nhất trong mỗi lần bão “ghé thăm”. Nhưng trong hồi ức thẳm sâu của mình, tôi vẫn còn vương lại cảnh tượng hãi hùng của gió gào, mưa xối, nhà đổ, mái bay, người chết, gia súc lạc đàn... Vào năm tôi lên 8, gia đình tôi ở trong căn nhà gỗ tại ngã ba trống trải, khi bão ập tới, bố mẹ và anh chị mỗi người ôm một cột nhà chống đỡ suốt đêm. Riêng cô con gái út được bố dắt ra sân, buộc cùng cái xe đạp vào gốc cây bạch đàn để phòng gió thổi bay. Hồi đó, hình như chỉ có những ngôi nhà là hay tạm bị dễ bị tàn phá, còn cây cối lại bám trụ rất kiên cường trước bão dông.

Gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm, chứng kiến mưa lớn, ngập úng và lụt đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cảnh gió bão kinh hoàng đến thế. Theo dõi báo, đài, các trang mạng, hội nhóm, cập nhật tin tức mà ai cũng nín thở. Mảnh đất Thăng Long trù phú, nơi “địa thế rộng mà bằng phẳng”, là nơi lý tưởng để định đô và an cư, đã được tiền nhân chọn làm đất đế đô... nhưng gặp trận bão lớn lần này đúng là ngoài sức tưởng tượng và khiến không ít người phải suy tư.

Bão đến từ thiên nhiên, nhưng bên cạnh thế giới thiên nhiên tự nhiên, còn có thế giới thiên nhiên thứ hai do con người tạo ra, mà người ta vẫn gọi là “văn hóa”. Nhưng những biến đổi, bất thường của khí hậu, suy cho cùng là lỗi của loài người, là vì sự tác động thô bạo, cũng là phi văn hóa của con người.

Trước hoàn cảnh thiên tai tàn phá gây hậu quả ghê gớm đến cuộc sống con người, từ các cơ quan chức năng Trung ương đến chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực cùng toàn dân khắc phục hậu quả bão, lũ. Người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về những vùng chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai bằng tấm lòng thơm thảo để chia sẻ khó khăn với nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân văn cao đẹp. 

Những người thông đời, thấu đạo còn vận động giáo dân, tăng ni, phật tử hành động cứu giúp thiên nhiên. Trong hoạn nạn, chúng ta cũng chứng kiến những cảnh tượng, hành vi rất ấm lòng: Những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản hiểm nguy, giữ bình yên cho mọi nhà, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả nặng nề sau bão, lũ. Những đoàn xe ô tô, xe tải chậm rãi nối dài che chắn cho các xe máy khi lưu thông trên cầu; những đoàn xe chở lương thực, thực phẩm và trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt vẫn đang tiếp tục hành trình nối nhau lên đường đến với bà con vùng lũ, vùng miền núi bị sạt lở...

leftcenterrightdel

 Bộ đội và dân quân huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) giúp đỡ người dân xã Trung Châu di chuyển tài sản, vật nuôi tránh lũ. Ảnh: PHÚC ANH

Cuộc sống vẫn vô thường, nhưng có những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt thì hàng ngàn vạn năm vẫn luôn được giữ gìn và lan tỏa.

Giữa rất nhiều thiệt hại từ trận bão lịch sử, một thiệt hại rất lớn của Hà Nội lần này là cây xanh. Hàng chục nghìn cây lớn, cây bé, cây thấp, cây cao, cây chục năm, thậm chí cây trăm năm tuổi cũng gãy cành, bật gốc. Có những cây xanh đã đứng đó, lặng lẽ tỏa bóng mát, nhìn ngắm những đổi thay và lưu dấu ký ức của nhiều góc phố, nhiều gia đình, nhiều mảnh đời... nên sự mất mát đối với họ là không dễ mà bù đắp. Người Thăng Long-Hà Nội thanh lịch, văn minh và đa cảm nên mỗi nhành cây, ngọn cỏ cũng đều hữu tình. Sau bão, người dân vừa dọn cây vừa khóc, khóc thương cây và thương hồn phố. Nỗi niềm xót thương cây cỏ cũng là biểu hiện của trình độ văn minh, của văn hóa ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nội.

Thành phố sẽ mất bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc để trồng lại được những cây xanh bóng tỏa? Dự án cây xanh không chỉ để kiến tạo không gian xanh cho đô thị mà còn là cách giữ lấy sắc xanh tuyệt diệu của thành phố hòa bình, là cách gìn giữ sự bình yên cho phố thị và làm an lòng người dân. Vấn đề cây xanh ở Hà Nội đã nóng lên hàng thập kỷ qua. Mấy năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tư vấn của nhiều chuyên gia và sự chung tay của xã hội, nhiều giống cây mới đã được gây giống, nhập về, phủ xanh làm cho nhiều tuyến phố thêm thơ mộng.

Nhưng việc hàng chục ngàn cây ở khu vực nội đô cũng như phố mới dễ dàng bị gãy, đổ, bật gốc trong cơn bão số 3 vừa qua khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Vấn đề kỹ thuật trồng cây, cách chọn giống cây phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng; vấn đề hạ tầng đô thị khu vực cây xanh; vấn đề chăm bón, bảo vệ cây sau trồng và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến toàn bộ quy trình của dự án phát triển cây xanh cần được nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời có hướng giải quyết triệt để.

Trồng cây không dễ. Chăm sóc, nuôi dưỡng cây và đặc biệt là bảo vệ cây trước các tình huống khẩn cấp là việc khó hơn nhiều. Sau sự cố tưởng chỉ là của tự nhiên này, rất cần một sự thay đổi lớn và quyết tâm cao của con người. Chiến lược phát triển cây xanh gắn với quy hoạch tổng thể đô thị, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu trong thời gian tới. Nhưng để thực hiện hiệu quả, cần có sự thay đổi trong nhận thức, tư duy cũng như trách nhiệm, quyết tâm cao của cả cộng đồng. TP Hà Nội cũng cần những chính sách đúng và kịp thời, quy hoạch bài bản và phù hợp đi liền với cơ chế đầu tư thỏa đáng và cơ chế kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm với chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe...

Đôi khi, sự nổi giận của một ai đó khiến ta nhìn lại chính mình. Còn sự nổi giận của "mẹ thiên nhiên" luôn buộc con người phải thức tỉnh và ứng xử khác. Đằng sau chuyện bão, lũ, cây, là văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên, với cộng đồng và cũng là với chính mình.

 TS NGHIÊM THỊ THU NGA