Những ngày này, bao nhiêu câu chuyện xúc động của những người thầy, của bạn học, đồng nghiệp và của cả các vị lãnh đạo nổi tiếng thế giới về một con người bình dị, khiêm nhường nhưng có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam được kể. Những ấn tượng, những tình cảm của mọi người đều có một nét chung đó là một nhân cách mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Bản thân là người công tác trong ngành văn hóa, tôi hiểu rằng suy cho cùng, cái còn lại trên đời này là văn hóa. Cái còn lại ở mỗi con người cũng vậy, như dân gian từng nói "người để lại tiếng". Để lại tiếng thơm trong lòng dân thì không có vinh quang nào lớn hơn! Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn mãi trong lòng người dân nước Việt là một nhân cách văn hóa, với bạn bè quốc tế là tình cảm nồng ấm và thân thiện.

Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm giá trị, trong đó có cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành. Cuốn sách thể hiện sự quan tâm sâu sắc, những tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. Những bài viết này không thiên về lý luận hệ thống hàn lâm mà vô cùng sinh động, thiết thực bởi hơi thở cuộc sống. Có lẽ vì lý do này mà nhiều cán bộ văn hóa đã nhận định cuốn sách như cuốn cẩm nang văn hóa.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 11-2021. Ảnh: TTXVN  

Thực ra, không phải chỉ có trong cuốn sách viết riêng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam mà nhiều cuốn sách khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta đều nhận thấy những bài viết, những lời phát biểu mang đậm hơi thở về cuộc sống, nhịp đập thực tiễn của xã hội, đất nước. Và một điều đặc biệt là trong rất nhiều tác phẩm của Tổng Bí thư, chúng ta vẫn nhận thấy được sự quan tâm, coi trọng văn hóa của ông. Trong cuốn sách "Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước" (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia) có đoạn viết: Văn hóa Việt Nam là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và thiên nhiên, được đúc kết từ cuộc sống và từ thực tiễn đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta qua hàng nghìn năm lịch sử, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao"... (trích tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tháng 3-2023. Ảnh: MINH VŨ 

 

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, coi trọng chính sách đầu tư cho văn hóa, đầu tư cho con người. Khuyến khích và tạo điều kiện để nhân dân tham gia phát triển và sáng tạo văn hóa, đồng thời được hưởng thụ văn hóa ngày càng nhiều hơn"...

Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm đến văn hóa, nhất là văn hóa làm người. Cái chúng ta cảm nhận được hơi thở từ cuộc sống trong những bài viết của Tổng Bí thư về văn hóa còn thông qua nhân cách văn hóa, đạo lý làm người của chính tác giả. Ai từng tiếp xúc, làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có cảm nhận về một tấm gương văn hóa. Có người đã viết mộc mạc rằng: Chưa bao giờ thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng to tiếng với ai.

Người bạn học ở Khánh Hòa xúc động, tự hào và trân trọng treo bức ảnh Tổng Bí thư đến thăm nhà mình với tình cảm là bạn học. Nhiều người cùng học khi gặp gỡ đã nhắc việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị không gọi là Tổng Bí thư mà gọi là bạn học... Ngay khi góp ý cho cấp dưới, ông cũng có cách nói nhẹ nhàng mà thấm thía. Còn nhớ, hồi ông đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội, tôi làm ở Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội (nay là Sở Văn hóa-Thể thao TP Hà Nội). Có lần, tôi báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy về tình hình hoạt động văn hóa trên địa bàn, nghe xong báo cáo, ông vui vẻ cười: Báo cáo của nhà văn hóa hay rồi, đầy đủ và khá chi tiết. Tuy nhiên, ông giám đốc văn hóa Hà Nội "cho" nhân dân Thủ đô nhiều quá! Trong báo cáo có viết: "Phát triển văn hóa Hà Nội phải nhằm mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân". Có thể thay chữ "cho" bằng chữ "của" được không? Đời sống là của người ta mà! Mình làm giúp người ta nhiều hay ít mà nói là cho như ban phát thì có nên chăng?"... Lời nhận xét của đồng chí Bí thư Thành ủy thật gần gũi, chân tình nhưng cũng vô cùng sâu sắc đối với những người làm công tác văn hóa như chúng tôi.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân huyện Mường Lát - huyện biên giới xa xôi và khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa, tháng 9-2011.

Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là tấm gương mẫu mực về văn hóa. Điều ông để lại mãi mãi cho cuộc đời này, cho nhân dân Việt Nam là hình mẫu về một nhân cách văn hóa, một CON NGƯỜI Việt Nam với tất cả sự trân trọng và ý nghĩa sâu xa của ngôn từ và cuộc sống con người.   

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC