Những người lính không chỉ đẹp trong hành động mà còn đẹp trong những suy nghĩ, đẹp trong ánh mắt, tâm hồn.
Một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ đã đi vào thơ ca của Đoàn Tuấn là bài thơ "Một nét làng". Bài thơ này cũng đẹp như kỷ niệm về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Đó là vào năm 1978, khi đó, Đoàn Tuấn mới nhập ngũ và đang huấn luyện ở Tân Lạc, Hòa Bình. Những ngày huấn luyện chiến sĩ mới tại đây, Đoàn Tuấn cùng đồng đội thường đi gùi hàng về cho hậu cần đơn vị. Những lần đi như vậy, Đoàn Tuấn bắt gặp một hình ảnh quen thuộc: Những cô gái người dân tộc Mường ra suối gánh nước. Những bắp chân trần của họ sáng lên trong màu trang phục dân tộc làm bừng lên trong tâm hồn người chiến sĩ trẻ một niềm cảm xúc. Và bài thơ "Một nét làng" của anh ra đời trong thời gian này, khi đó Đoàn Tuấn chỉ mới 18 tuổi. Bài thơ "Một nét làng" sau này được in trong tập "Đất bên ngoài Tổ quốc" (in chung với Lê Minh Quốc, Nhà xuất bản Văn học năm 1997). Tuy chỉ là khoảnh khắc thời trai trẻ nhưng “Một nét làng” lại in đậm trong tâm trí nhà thơ suốt cuộc đời. Làng quê ấy, như bao làng quê bình dị khác trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu này:
Ở nơi ấy có một làng quê cổ
Cứ chiều chiều lững thững khói bay lên
Ở nơi ấy có một dòng sông nhỏ
Giữa đôi bờ thoai thoải êm êm.
|
|
Ngày mùa. Tranh của Hải Nam |
Khi người lính hành quân qua bản làng, sẽ chẳng có gì đáng nói nhiều nếu như anh không bắt gặp hình bóng đẹp nao lòng của người con gái thôn quê ra sông gánh nước. Chỉ gặp trong khoảnh khắc và thêm một đêm mà chàng trai thầm yêu trộm nhớ cô gái trong suốt những năm tháng hành quân gót mòn tuổi trẻ. Cô gái ấy hẳn nhiên là đẹp nhưng cô nghiêng thùng chao nước ở một bến sông lung linh huyền ảo chập chờn thì lại càng đẹp mãi trong tâm trí chàng trai:
Tôi đã thấy em ra sông gánh nước
Bắp chân trần hắt lửa sáng dòng sông
Từng bậc cao dáng em nghiêng nghiêng bước
Vai ngang cùng đòn gánh cong cong
Đã có bao chàng trai bắt gặp hình ảnh những cô gái đẹp ra sông gánh nước như vậy nhưng đã có ai gọi tên hình ảnh ấy bằng những mỹ từ đến thế chưa? Và chỉ với câu thơ: “Bắp chân trần hắt lửa sáng dòng sông” cũng đã đủ ghi tên anh thành thi sĩ.
Cô gái gánh nước có biết đâu mình đang gánh nặng bởi “Vai ngang cùng đòn gánh cong cong”, nhưng lại đẹp và nhẹ nhàng bay cao cùng dòng sông tỏa sáng. Cô không hay mình đã giúp chàng trai xua tan bao mệt mỏi của chặng đường hành quân xa tít tắp.
Đơn vị tôi qua đây dừng chân lại
Chỉ một đêm mắc võng trước sân nhà
Tôi đã yêu được người con gái
Uống hương đồng gió nội đẫm trong da
Thành kỷ niệm suốt những năm phiêu bạt
Nghĩ thương làng! Thương lắm gái thơ ơi!
Cỏ vẫn ướt đầm đìa trăng sáng
Lửa thời trai còn xấu hổ đến giờ...".
PHAN XUÂN HẬU