Ăn mừng chiến thắng là một hành vi, trạng thái tâm lý tồn tại song hành với sự phát triển của loài người. Các nhà khảo cổ học ở nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm ra trên vách hang động còn lưu lại những hình vẽ phản ánh sinh hoạt cộng đồng của người tiền sử, trong đó có hình ảnh tộc người nhảy múa sau khi săn được thú hoang làm thức ăn.

leftcenterrightdel

Một hành vi kỳ quặc và quá khích của thanh niên khi "đi bão". Ảnh: HÙNG THIỆN 

Trong lịch sử văn hóa người Việt, các nghi thức, lễ hội mừng công, mừng mùa màng tươi tốt, bội thu hoặc mừng chiến thắng giặc ngoại xâm đã trở thành truyền thống được lưu giữ trong cộng đồng và đến nay trở thành lễ hội mang giá trị văn hóa, giáo dục rất ý nghĩa.

leftcenterrightdel
 Một hành vi kỳ quặc và quá khích của thanh niên khi "đi bão". Ảnh: HÙNG THIỆN
 

Ở thời hiện đại, các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước đều có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, yêu độc lập, tự do và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời ghi nhớ công lao to lớn của những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

leftcenterrightdel
Một người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm tranh thủ quảng cáo lúc "đi bão". Ảnh: HÙNG THIỆN 

Bên cạnh những hoạt động văn hóa tích cực, thời gian qua xuất hiện hoạt động ăn mừng chiến thắng tự phát mà xã hội thường gọi là “đi bão”. Đặc biệt, hiện tượng này chỉ xuất hiện khi đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành chiến thắng trong các giải đấu. Ví như, tối 5-1, sau khi đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 3-2 trước đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết lượt về Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á-ASEAN Cup 2024, nhiều người ở các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Nam Định... đổ ra đường ăn mừng. Lúc ấy đường phố tràn ngập cờ đỏ sao vàng, trở thành những “dòng sông đỏ”. Tuy nhiên, hòa lẫn với tiếng reo hò, tiếng hát, tiếng nhạc cụ đủ loại là tiếng xe máy gầm rú tạo ra những âm thanh hỗn loạn, tắc nghẽn nhiều đoạn đường dài. Trong đoàn người hô vang khẩu hiệu, múa cờ, đánh trống ấy có cả những người không phải vì hiểu biết hay yêu thích đội bóng mà chỉ đơn giản là đang hòa nhập vào không khí chung. Trong tâm lý học, hiện tượng này gọi là “niềm vui tập thể” (collective joy).

Theo dõi quá trình phát triển của bóng đá ở Việt Nam thì thấy người yêu bóng đá Việt đã "đi bão" từ cuối thập niên 1990. Nhưng phải đến năm 2017, khi ông Park Hang-seo bắt đầu đồng hành với đội tuyển và giành một số thắng lợi quan trọng trong các giải đấu, người hâm mộ Việt Nam có nhiều cơ hội "đi bão" thường xuyên hơn. Hình ảnh loạt người mặc áo đỏ, cầm cờ Tổ quốc chạy xe, đánh trống và hô vang khắp phố thực sự mang lại cảm xúc khó tả, lây lan trên diện rộng. Vậy sức hấp dẫn của “đi bão” đến từ đâu mà khiến bao người hào hứng tham gia, cho dù họ không hề biết nhiều về bóng đá?

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, con người vốn là một sinh vật xã hội, có xu hướng “điều chỉnh” suy nghĩ và hành động theo những người xung quanh. Trong nhiều trường hợp, cảm xúc của cá nhân có thể được định hình bởi trải nghiệm cộng đồng mà người ta vẫn gọi là hùa theo hoặc a dua. Các nhà khoa học tâm lý đã chỉ ra, âm thanh lớn (đặc biệt là âm nhạc với nhịp điệu nhanh, sôi động) kích hoạt hạch nền não (basal ganglia)-cơ quan phụ trách một phần cảm xúc và chức năng vận động của con người. Sự kích hoạt ấy khiến con người sản sinh hormone endorphin nhiều hơn, làm tăng hưng phấn, lấn át các giác quan và khả năng tư duy logic.

Khi người hâm mộ bóng đá đặt mình vào vị trí của các cầu thủ thì họ sẽ “sống” những khoảnh khắc như cầu thủ trên sân cỏ. Vì vậy, khi đội tuyển quốc gia giành chiến thắng, những người hâm mộ cũng sẽ cảm thấy vui mừng tột độ. Cảm xúc mãnh liệt của người hâm mộ sẽ kéo dài ngay cả khi trận đấu đã kết thúc. Điều này đã thôi thúc người hâm mộ “đi bão” để ăn mừng chiến thắng. Bởi lúc này người hâm mộ và cầu thủ giành chiến thắng đã “hòa làm một”.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì đáng nói nếu “đi bão” một cách có trật tự, thống nhất, văn minh và văn hóa. Sau chiến thắng của đội tuyển, trên đường phố, tiếng còi xe, tiếng kèn vuvuzela, tiếng trống, thậm chí tiếng gõ soong nồi, thau chảo, mâm; hòa cùng tiếng la hét, gọi nhau, tiếng cười nói... cùng sự xuất hiện của pháo sáng, cờ hoa.

Trên thực tế đã có những lần người hâm mộ “đi bão” sau khi đội bóng đá nam nước nhà giành chiến thắng vào khung giờ tan tầm, gây ra tình trạng ách tắc giao thông, khiến xe bus bị kẹt cứng, phải dừng lại do lượng người tham gia giao thông quá tải. Khói bụi, hơi người, hơi nóng từ phương tiện giao thông không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Không ít nữ cổ động viên sẵn sàng lột đồ, ăn mặc hở hang. Một số bạn nữ lại chọn cách ăn mặc phản cảm, lố lăng, đứng trên yên xe, capo ô tô nhảy múa, hò hét điên cuồng. Nhiều thiếu nữ ăn mặc sexy lợi dụng khoảng trống thời gian dừng đèn đỏ “biểu diễn” các điệu múa hiện đại ngay trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ để quay clip. Nhiều tiktoker, facebooker, youtuber... lợi dụng hiện tượng này để bắt trend tranh thủ làm quảng cáo rồi tung lên mạng xã hội. Nhiều người còn tung hô các câu từ tục tĩu để kích động, nói lời không hay về nước bạn và đội bóng của nước bạn. Đặc biệt, nhiều kẻ lợi dụng “đi bão” để thực hiện các mưu đồ xấu. Phổ biến nhất là tổ chức đua xe hoặc dùng chất kích thích. Số khác lại lợi dụng đám đông để truyền bá tư tưởng bạo loạn, kêu gọi thực hiện hành vi quá khích vi phạm pháp luật.

Qua nghiên cứu tâm lý đám đông cho thấy, khi sự cuồng nhiệt không được kiểm soát sẽ dễ biến thành sự kích động. Thực tế cho thấy, nhiều thanh niên "đi bão" đã bất chấp các quy định, luật pháp và sự an toàn. Họ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chở 3, 4 người phi như tên bắn, rồi nẹt pô, đánh võng gây nguy hiểm cho người khác. Kết thúc “đi bão” để lại biển rác giữa lòng các đô thị... Những hình ảnh và hành vi thái quá ấy phần nào làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa của người Việt trong mắt du khách quốc tế.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý những cá nhân lợi dụng ăn mừng chiến thắng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra những hệ lụy xấu đối với cộng đồng, xã hội. Các cơ quan báo chí cũng cần phê phán mạnh mẽ hiện tượng không đẹp này, tạo ra dư luận để nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

Cổ vũ và ăn mừng chiến thắng là nhu cầu chính đáng, là việc rất tự nhiên trong tâm lý con người, xã hội. Yêu bóng đá, yêu đội tuyển nước nhà thì người hâm mộ hãy có hành động cổ vũ, ăn mừng chiến thắng có văn hóa, văn minh, chấp hành nghiêm pháp luật và các quy định khi tham gia giao thông. Đó chính là hành động có văn hóa cần được cổ vũ, nhân rộng.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ