Hơn 4.000 năm kết tinh vào 208 câu lục bát

Giáo dục lịch sử ở nước ta đang gặp một điều khá lạ, đó là chúng ta sở hữu “kho vàng” lịch sử bi tráng, hào hùng trải mấy nghìn năm văn hiến của cha ông nhưng cả người dạy và người học đều “kêu” là “khô, khó, khổ”. Trong khi không ít bạn trẻ rất khó khăn trong việc ghi nhớ những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc thì lớp người cao niên, vốn được học ít hơn, học trong điều kiện khó khăn gấp bội lại “khắc cốt ghi tâm” những sự kiện ấy một cách dễ dàng. Có thể lý giải điều này qua việc lớp người đi trước không cần học nhiều, có người không được đi học nhưng vẫn nhớ bài diễn ca “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 75 năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên “Lịch sử nước ta” được xuất bản, đến nay có những người thuộc thế hệ những năm tháng đó, tuổi sắp bách niên vẫn còn thuộc lòng toàn văn hoặc từng đoạn của tập diễn ca này. Ðây là gợi ý quý giá đối với những người làm công tác biên soạn sách giáo khoa lịch sử cho học sinh hiện nay.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn "Lịch sử nước ta" xuất bản năm 1942. Ảnh tư liệu 

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu về sống và làm việc tại Pác Bó (Cao Bằng), Người đã ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc học tập, nghiên cứu lịch sử để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, từng bước khích lệ quần chúng bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cuối năm 1941, Người đã viết cuốn “Lịch sử nước ta”, một tập diễn ca lịch sử gồm 208 câu lục bát, cuối bài có ghi 30 mốc lịch sử dân tộc quan trọng. Tác phẩm do Việt Minh tuyên truyền Bộ ấn hành, ra mắt lần đầu tiên giữa núi rừng Pác Bó tháng 2-1942.

Chỉ với 208 câu thơ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, giới thiệu những nhân vật lịch sử đủ để phục dựng lại bức tranh hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mở đầu tác phẩm, Người khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu nguồn gốc dân tộc và tự hào về truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, với những câu thơ dung dị:

Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa.

Hồng Bàng là tổ nước ta,

Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang

Sở dĩ, Nguyễn Ái Quốc lấy diễn ca làm phương tiện thể hiện và chuyển tải những kiến thức lịch sử cơ bản cho cán bộ và nhân dân vì hơn 90% dân số Việt Nam lúc đó mù chữ và chìm trong đói nghèo, nô lệ. Hơn nữa, Người hiểu sâu sắc rằng, thơ ca rất gần gũi, quen thuộc với người dân Việt Nam, nhờ đặc tính có vần, có điệu nên dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi sâu vào lòng người. “Lịch sử nước ta” đã khéo léo kết hợp hai yêu cầu khoa học và nghệ thuật vào thơ lục bát vốn rất đỗi quen thuộc với đồng bào ta. Lời thơ ngắn gọn nhưng rất súc tích, giúp người đọc ôn lại và nhận thức đúng về lịch sử của đất nước.

Đánh giá lịch sử phải khách quan, dù tác phẩm được thể hiện bằng thể thơ lục bát nhưng Nguyễn Ái Quốc đã tỏ rõ lập trường khách quan khi đánh giá các triều đại phong kiến trong lịch sử. Đối với các triều đại, các bậc vua chúa có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài, thù trong, có công bảo vệ và xây dựng đất nước như: Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống quân Hán; Bà Triệu khởi nghĩa chống quân Ngô; Lý Bôn đánh Tàu; Mai Thúc Loan chống nhà Đường; Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng; Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân; Lê Đại Hành “đánh tan quân Tống, đuổi lui Xiêm Thành”; triều Trần 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông; Lê Lợi với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “đánh 20 vạn quân Minh tan tành” đều được tác giả nhắc đến qua những vần thơ có âm hưởng tự hào, vinh danh và tri ân.

Đặc biệt, với bài diễn ca chỉ hơn 200 câu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện tâm đắc của mình khi viết về thời đại Quang Trung-Nguyễn Huệ. Người dành 40 câu để viết về triều đại có công thu giang sơn về một mối, kết thúc cuộc chiến tranh Đàng Trong-Đàng Ngoài kéo dài hơn trăm năm khiến dân ta chịu bao thống khổ:

Dân gian có kẻ anh hùng,

Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn,

Đóng đô ở đất Quy Nhơn,

Đánh tan Trịnh-Nguyễn, cứu dân đảo huyền.

Nhà Lê cũng bị mất quyền,

Ba trăm sáu chục năm truyền vị vương.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường,

Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu,

Ông đà chí cả mưu cao,

Dân ta lại biết cùng nhau một lòng.

Cho nên Tàu dẫu làm hung,

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà.

Lịch sử Văn Lang từ khi Vua Hùng mở nước là lịch sử các triều đại nối tiếp nhau, với những cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống quân xâm lược cùng tên tuổi các anh hùng dân tộc. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, chân lý đó của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu khi liên tục giới thiệu những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ của dân tộc ta xuất thân trong mọi giới, mọi thành phần: Thiếu niên ta rất vẻ vangPhụ nữ ta chẳng tầm thườngTuổi già phỉ chí công danh/ Mà lòng yêu nước trung thành không phai. Nhưng trên hết, Nguyễn Ái Quốc nhận rõ vai trò của cá nhân anh hùng với các bước phát triển của lịch sử. “Lịch sử nước ta” khẳng định, thời kỳ lịch sử nào, đất nước ta cũng xuất hiện những bậc hiền tài có công trị nước yên dân, xây dựng xã tắc thanh bình, muôn dân ấm no, hạnh phúc. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì trong quần chúng lại xuất hiện anh hùng kiệt xuất, những người nông dân áo vải bình dị đã trở thành hào kiệt bởi lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc sắt đá, trở thành tấm gương để lại tiếng thơm cho muôn đời.

Dự báo thiên tài nhờ nắm chắc quy luật của lịch sử

Là người am hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc, lại được tiếp thu chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong “Lịch sử nước ta”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, những người anh hùng làm nên sự nghiệp cao cả vì biết dựa vào nhân dân. Người nhấn mạnh khi nào đoàn kết được lực lượng yêu nước chung quanh tướng lĩnh trung quân ái quốc, lấy quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thì sẽ đánh đổ giặc ngoại xâm và tay sai của chúng. Hai Bà Trưng dù đối diện với Mã Viện gian tham, quỷ quyệt, nhưng: Quân Tàu nhiều kẻ tham lam/ Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?/ Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta. Hay Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn “mặc dầu tướng ít, binh đơn” nhưng Vì dân hăng hái kết đoàn/ Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng. Ngược lại, nếu vương triều nào, cá nhân nào không đoàn kết được sức mạnh của quần chúng thì kết cục sẽ thất bại. Ví như sự kiện năm 722, Mai Hắc Đế khởi nghĩa chống nhà Đường nhưng Vì dân đoàn kết chưa sâu/ Cho nên thất bại trước sau mấy lần.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan bàn, ghế đá-nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngồi làm việc trong những ngày đầu về nước tại Pác Bó (Cao Bằng). Ảnh: M.T 

 “Lịch sử nước ta” đã nghiêm khắc phê phán một số triều đại thoán vị cướp ngôi, lên án những tên vua vì quyền lực cá nhân sẵn sàng “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, khiến một thời gian dài Đại Việt-Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới. Đó là những “sự tình càng nghĩ càng cay đắng lòng”, là những bài học cho hậu thế. Qua đó, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa nêu bật tính chính nghĩa của quyền lực, chỉ những vị vua vì dân, vì nước mới hun đúc được tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập tự cường. “Lịch sử nước ta” giúp người đọc, dù ở trình độ nào cũng có thể phân biệt bạn-thù, biết đúng-sai, phải-trái; biết mình, biết người để có thể tận dụng được thời cơ, tránh được những sai lầm.

Để phân tích nguyên nhân vì sao nước ta lại rơi vào cảnh thuộc địa, lầm than dưới gót giày thực dân Pháp, “Lịch sử nước ta” chỉ rõ nguyên nhân do triều Nguyễn ươn hèn, phản động, vì ham muốn quyền lực mà đem đất nước-dân tộc hết dâng cho Xiêm rồi cho Pháp:

Gia Long lại dấy can qua,

Bị Tây Sơn đuổi, chạy ra nước ngoài.

Tự mình đã chẳng có tài,

Nhờ Tây qua cứu, tính bài giải vây.

Nay ta mất nước thế này,

Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà,

Khác gì cõng rắn cắn gà,

Rước voi giày mả, thiệt là ngu si.

Nay ta mất nước nhà tan

Cũng vì những lũ vua quan ngu hèn

Năm Tự Đức thập nhất niên

Nam Kỳ đã lọt dưới quyền giặc Tây

Hăm lăm năm sau trận này

Trung Kỳ cũng mất Bắc Kỳ cũng tan

Ngàn năm gấm vóc giang san

Bị vua họ Nguyễn đem hàng cho Tây

Tội kia càng đắp càng đầy

Cuối năm 1941, đầu năm 1942, sau khi Nhật nhảy vào Đông Dương, dân ta rơi vào cảnh "một cổ hai tròng" của thực dân và phát xít. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941) đã nêu rõ: "Quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Chính vì thế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khéo léo phân tích tình hình địch ta, kêu gọi nhân dân đoàn kết đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc:

Hỡi ai con cháu Rồng Tiên

Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau

Bất kỳ nam, nữ, giàu, nghèo

Bất kỳ già, trẻ cùng nhau kết đoàn

Người giúp sức, kẻ giúp tiền

Cùng nhau giành lấy chủ quyền về ta..

Và Người tin tưởng, Dân ta xin nhớ chữ đồng/ Ðồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh thì nhất định sẽ thắng lợi. Niềm tin vào thắng lợi của Nguyễn Ái Quốc là sắt đá, khi Người ghi rõ vào cuối tác phẩm: “Năm 1945, Việt Nam độc lập”. Đây là một dự báo thiên tài! Lịch sử dân tộc 4 năm sau đã chứng minh điều đó. Dự báo thiên tài này có được từ khả năng nắm chắc quy luật vận động của lịch sử, từ sự phân tích tình hình thế giới, trong nước một cách sắc bén. Có thể nói, Hồ Chí Minh luôn có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về chiều hướng phát triển của thời đại.

 “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng đã đi vào lịch sử. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” cho chúng ta niềm tự hào và tin tưởng vào truyền thống anh hùng, bất khuất, mưu trí, sáng tạo của tổ tiên và hy vọng vào tiền đồ, tương lai tươi sáng của dân tộc. Cá nhân người viết cho rằng, ngày nay, dù việc giáo dục lịch sử dân tộc có đổi mới đến đâu thì việc dạy tác phẩm “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các nhà trường sẽ giúp thế hệ trẻ dễ dàng “khắc cốt ghi tâm” những sự kiện và nội dung quan trọng nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Đổi mới trước hết phải là tiếp thu, kế thừa những tinh hoa đã được đúc kết từ trong lịch sử!

Thạc sĩ PHẠM VĂN DŨNG