QĐND - Mới đây, Công ty Văn hóa Đông A phối hợp với NXB Văn học đã tái bản bộ trường thiên tiểu thuyết kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa”, 6 tập, với nhiều bổ sung về tư liệu, giúp người đọc Việt Nam có thêm một ấn bản đẹp và đầy đủ nhất về kiệt tác này của văn học thế giới.
Việc tái bản liên tục bộ tiểu thuyết này cho thấy sức hấp dẫn của nó, dù đã trải qua nhiều thế hệ người đọc Việt Nam, vẫn không hề phai nhạt. Câu hỏi đặt ra là vì sao “Tam quốc diễn nghĩa” lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đến như vậy?
Sẽ có vô số trả lời cho câu hỏi này. Ở đây, chỉ xin nêu một khía cạnh, đó là qua “Tam quốc diễn nghĩa”, một câu chuyện diễn ra cách đây nhiều thế kỷ, người đọc vẫn có thể rút ra được những điều bổ ích của ngày hôm nay.
Đấy là bài học về truyền thông.
Câu chuyện truyền thông thứ nhất:
Lưu Biểu khôn ngoan, Lưu Bị thoát hiểm
Lưu Bị bị Tào Tháo đuổi cùng giết tận, phải chạy sang nương nhờ người cùng họ với mình là Lưu Biểu ở Kinh Châu. Ông Lưu Biểu này gia cảnh rắc rối, ngoài vợ cả đã có con trai Lưu Kỳ ra còn có một bà vợ hai là Sái thị, đẻ được con thứ là Lưu Tôn. Sái thị lắm tham vọng, muốn đưa con lên làm chủ Kinh Châu nhưng gặp phải người ngáng đường chính là ông khách chạy nạn đang ở nhờ Lưu Bị, người luôn khuyên Lưu Biểu là không nên bỏ trưởng lập thứ, sẽ gây nội loạn.
 |
Bìa cuốn “Tam quốc diễn nghĩa” bộ mới 6 tập do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
|
Để loại bỏ Lưu Bị, Sái thị bàn với em trai là Sái Mạo, người đang nắm giữ binh quyền ở Kinh Châu là cứ kéo quân ra quán dịch giết phắt Lưu Bị trước rồi tâu với Lưu Biểu sau, coi như sự đã rồi. May Lưu Bị được báo trước nên kịp thời trốn đi. Khi Sái Mạo kéo đến nơi thì Lưu Bị đã đi xa rồi. Sái Mạo bèn nghĩ ra một kế hiểm, viết một bài thơ lên tường như sau:
Khốn đốn lâu nay giữ phận hèn
Ngồi buồn coi ngắm nước non quen
Rồng đâu phải giống trong ao nhỏ
Cưỡi sấm lên trời cũng có phen!
Rồi về báo với Lưu Biểu rằng Lưu Bị trốn đi nhưng còn để lại một bài thơ trên tường, ngạo mạn, có ý làm phản. Lưu Biểu đến nơi, đọc thơ, giận lắm, thề giết chết Lưu Bị. Nhưng đi được vài bước thì chợt nhớ ra là ở với Lưu Bị đã lâu, có thấy ông em làm thơ bao giờ đâu, chắc đây là âm mưu chia rẽ của một kẻ nào đấy, bèn lấy mũi gươm cạo sạch bài thơ trên tường rồi về!
Câu chuyện truyền thông thứ hai:
Khổng Minh đa mưu, Tào Tuấn hồ đồ
Thừa tướng nhà Thục Khổng Minh muốn cất quân đánh Ngụy, nhưng ngại nhất một đối thủ ngang cơ không kém gì mình là Đại tướng quân Tư Mã Ý, khi ấy đang nắm binh quyền hai xứ Ung, Lương bên Ngụy, nằm trên đường tiến binh của quân Thục. Khổng Minh nghe theo kế ly gián của Mã Tốc, một mặt cho người đi khắp nơi phao tin Ý làm phản, đồng thời dán một đạo văn yết thị trên cửa thành Nghiệp Quận. Yết thị viết:
Phiêu kỵ đại tướng quân tổng lĩnh quân mã các xứ Ung, Lương là Tư Mã Ý kính đem lời tín nghĩa báo cho thiên hạ biết rằng: Khi xưa, Thái tổ Võ hoàng đế gây dựng cơ nghiệp, nguyên muốn lập Trần Lưu vương là Tử Kiến làm chủ xã tắc; chẳng may bị bọn gian thần gièm pha nên lâu ngày rồi mà rồng vẫn phải cuộn khúc. Hoàng tôn là Tào Tuấn, vốn không có đức hạnh gì, dám liều trèo lên ngôi báu, phụ lòng Thái tổ khi xưa. Nay ta ứng vận trời, thuận lòng người, nay mai cất quân để thỏa lòng muôn dân mong đợi. Tờ cáo thị này đến đâu thì ở đấy phải quy thuận với tân quân; nếu không sẽ giết cả chín họ! Vì thế báo trước cho ai nấy được hay!
Ngụy chủ Tào Tuấn hoảng hốt, sau khi nghe thêm lời tham mưu của mấy ông quân sư, cách tuột cả chức Tư Mã Ý, đuổi về quê quán. Vậy là Khổng Minh cất được mối lo, thoải mái điều quân đánh Ngụy...
Bài học thứ nhất: Cả hai câu chuyện trên đều mang tính truyền thông, khi những thông tin giả mạo được tung ra có chủ ý. Hai văn bản truyền thông tương tự nhau, vậy nhưng kết quả lại ngược nhau hoàn toàn. Lưu Biểu biết suy xét, cân nhắc thận trọng nên nhận ra được chỗ trá ngụy; Tào Tuấn xét việc hồ đồ, đưa ra quyết định quan trọng dựa trên cảm tính, kết quả là bạc đãi một trọng thần, khiến quốc gia gặp nguy hiểm. Mấu chốt ở đây chính là việc tiếp nhận và xử lý thông tin truyền thông như thế nào thì sẽ dẫn tới những kết quả hoàn toàn khác biệt, một chuyện khá phổ biến trong thời đại ngày nay.
Câu chuyện truyền thông thứ ba:
Tào Phi khinh ghét, Vu Cấm tự tận
Vu Cấm là một tướng tài của Tào Tháo, theo Tháo từ thuở mới khởi nghiệp, đánh cả trăm trận, rất được Tào Tháo tin dùng. Nhưng vận xui đến với Vu Cấm khi được Tào Tháo cử đi giải vây cho Phàn Thành, khi ấy đang bị tướng Thục là Quan Công vây kín. Cùng với tướng tiên phong Bàng Đức, Vu Cấm không những không giải vây được Phàn Thành mà cả hai còn bị Quan Công bắt sống. Vu Cấm xin hàng trong khi Bàng Đức giữ khí tiết, chịu chém. Xảy đến khi Lã Mông của Ngô đánh úp Kinh Châu, giết chết Quan Công mới mở ngục thả Vu Cấm về Ngụy.
Đúng lúc ấy thì Tào Tháo chết, con là Tào Phi lên thay làm Ngụy vương. Phi sai Vu Cấm đi trông coi việc sửa lăng nơi an táng Tào Tháo. Vu Cấm ra đến nơi, thấy trên tường trong nhà mồ có vẽ bức tranh Quan Công đang ngồi ngất ngưởng ở trên, ở dưới Bàng Đức hung hăng không chịu phục, còn Vu Cấm thì lom khom lạy lục kêu van.
Nguyên Tào Phi thấy Vu Cấm thua trận không tử tiết thì chớ, lại còn xin hàng rồi vác mặt về, nên sai vẽ tranh để sỉ nhục.
Vu Cấm xem tranh, uất lên, được vài bữa thì chết.
Bài học thứ hai: Đây là kiểu khủng hoảng truyền thông khá phổ biến hiện nay, khi qua các mạng xã hội, người ta có thể dùng những hình thức khác nhau để lăng mạ, sỉ nhục cá nhân, trong một số trường hợp đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Nên điều quan trọng là khi sử dụng các hình thức truyền thông, cần phải biết rằng chúng có thể có ích, nhưng cũng cực kỳ nguy hại nếu không biết sử dụng đúng cách.
“Tam quốc diễn nghĩa” hấp dẫn bởi có thể mang lại những liên tưởng mang tính đương đại như thế.
YÊN BA