Có vốn văn hóa lớn

Sáng tạo văn học, nghệ thuật gắn liền với cái tôi chủ thể, bằng cái tôi cá nhân của chủ thể. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng-những tiền đề cơ bản để tạo ra cái bản sắc, cái độc đáo. Chỉ có nghệ sĩ lớn với cá tính sáng tạo riêng mới tạo ra được tác phẩm lớn, theo thời gian, các tác phẩm ấy sẽ trở thành “mẫu gốc” nuôi dưỡng và làm giàu có cho văn hóa dân tộc. Vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội... nhưng thiên chức của nghệ sĩ là tạo ra “cuộc sống thứ hai”, tức là tác phẩm. Phải “đi, về” giữa hai thế giới-thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với những nhân vật, hình tượng, chi tiết... nên với nghệ sĩ, người ta hay dùng các từ “phân thân”, “hóa thân”, “nhập thân”... để nói về quá trình sáng tạo là vì vậy.

leftcenterrightdel

Tâm sáng, tầm rộng mới có tác phẩm hay. Minh họa: PHẠM HÀ 

 

Gần đây, Đại tá Phạm Xuân Trường, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn sách “Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”. Trong cuốn sách, tác giả đã trò chuyện với 23 gương mặt nghệ sĩ gồm các nhà văn, nhà thơ, diễn viên, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng trong nước như: Chu Lai, Văn Lê, Nguyễn Quốc Trung, Phạm Tiến Duật, Thế Anh, Phạm Thị Thành... đã làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có điều kiện để trở thành văn nghệ sĩ lớn thì phải có vốn văn hóa lớn.

Trong bài “Muốn trở thành nghệ sĩ lớn phải có tầm văn hóa cao”, Đại tá Phạm Xuân Trường dẫn lời của Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh, người đóng gần 100 bộ phim và được khán giả yêu mến rằng: “Người nghệ sĩ muốn bay cao, bay xa thì một phần nhờ năng khiếu, nhưng vẫn phải có vốn tri thức, tầm văn hóa cộng với lao động nghệ thuật rất nghiêm túc thì mới thành công”. Cũng trong bài viết, Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh tâm sự, trước khi đóng phim “Điện Biên Phủ”, ông đã nghiên cứu cả Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ đó hiểu Điện Biên Phủ thế nào để vào vai được thành công: “Tôi cho rằng người diễn viên cần phải có tri thức, tầm văn hóa thì mới đủ tầm để vươn xa”.

Ở bài phỏng vấn nhà văn Chu Lai có tên “Càng cô đơn càng có sức tưởng tượng mạnh”, tác giả Phạm Xuân Trường đã dẫn lời cha đẻ của nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: “Người im lặng”, “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố nhà binh”... rằng: “Tài năng văn chương không phụ thuộc vào vùng miền, vào rừng sâu núi đỏ, vào tri thức cao hay thấp mà phụ thuộc vào chính nội lực của mình”.

Cái tâm - tư tưởng, tâm huyết

Thuộc lĩnh vực tinh thần đặc thù nên tiền đề của quá trình sáng tạo ở nghệ sĩ là tình yêu mãnh liệt, để từ đó đẻ ra ý tưởng và kích hoạt cảm hứng. Với họ thì tài sản lớn nhất là sâu nặng một tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước. Tình yêu là cội nguồn của tư tưởng, xét về bản chất thì hình tượng nghệ thuật luôn là sự cụ thể hóa, vật chất hóa của tư tưởng. Cụ Nguyễn Du nói “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” chính là khái quát một tiền đề của quá trình sáng tạo phải bắt đầu từ tình yêu thương, nuôi dưỡng bằng tình yêu thương.

Tư tưởng quan niệm là vấn đề gốc rễ, vì gốc không vững nên có trường hợp ngả theo xu hướng ngoại lai đã lạc hậu với thiên hạ, xa lạ với văn hóa nước nhà lại đem về “lai ghép” thành ra hỗn độn, tối tăm. Đây không chỉ là quan niệm mà còn là nhận thức và tri thức về văn hóa và thời đại. Ví dụ do không hiểu lịch sử, trường phái, ý thức của xu hướng hậu hiện đại mà có người không lọc ra tiếp thu hạt nhân tích cực mà “bứng” cả cái cũ, cái lạ (không phải mới) tiêu cực rồi “sáng tác”... Đây là sự thiếu tỉnh táo, có thể do quá say mê, do cảm tính yêu thích, ưa khám phá thử nghiệm, không chịu đọc rộng, nhất là tham khảo sự phân tích của dư luận tiến bộ nước ngoài.

Cái tầm - vốn sống, tri thức và tài năng

Nghệ sĩ luôn sống trong cái tôi cô đơn để suy ngẫm, để tưởng tượng, không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Viết về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có nghệ sĩ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay nhân vật (xấu) nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng thì một hạn chế của số người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là nhất rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp. Thế là dẫn tới quan hệ “cánh hẩu” khen vống những ai hợp mình, vùi xuống bùn kẻ khác mình, có khi “không được ăn thì đạp đổ”. Nguy hiểm hơn, nếu có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt thì sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng, gây ra dư luận không tốt... Với họ, sự khen, chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn cá nhân mình, để làm nổi cá nhân mình.

Nguyên nhân của trường hợp này, ngoài sự quá lớn của cái tôi thì còn là do ít hiểu biết về sự mênh mông, vô tận của tri thức nhân loại. “Ếch ngồi đáy giếng” là thế, chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng mà thôi! Đúng ra, hơn mọi tầng lớp khác, văn nghệ sĩ phải là những người chịu khó học tập, lao động nhiều nhất, am hiểu nhiều nhất, có vậy mới sáng tạo ra được một “cuộc sống thứ hai” sống động, giàu có ý nghĩa.

Soi vào hôm nay

Thế giới coi thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, cũng là một cách đề cao “tài sản văn hóa” là các trí thức văn nghệ sĩ. Họ không chỉ truyền đạt tri thức khoa học xã hội-nhân văn mà còn bồi dưỡng cái thiện, cái đẹp, tình yêu thương, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho con người. Ở ngày hôm nay, ở một vài lĩnh vực, công nghệ có thể làm thay, làm giỏi hơn con người, giáo dục thế giới đang kêu gọi phải chú ý sâu sắc việc giáo dục tinh thần, tâm hồn để “làm cân bằng” đời sống đang có nguy cơ bị “máy móc hóa”, “số hóa”. Chỉ văn học, nghệ thuật mang dấu ấn sâu đậm tính người mới có thể làm được điều đó.

Ngày nay, thế giới cũng vượt qua quan niệm nhà văn là “người thư ký trung thành của thời đại” vì cho rằng, “thư ký” chỉ là “người ghi chép”, thế nên, nhà văn phải là người kiến tạo những mô hình đời sống mới. Những mô hình này chỉ thống nhất chứ không đồng nhất với đời sống và phải là sự kết tinh những tinh hoa của nhiều nền văn hóa mới có thể đáp ứng được thị hiếu của “công dân toàn cầu”. Tài năng của nhà văn là đặc biệt quan trọng, phải giàu có vốn sống, vốn văn hóa, phải giỏi về tâm lý, phải mới về cách kể, phải phong phú về liên tưởng, tưởng tượng... Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) viết được “văn”, làm được “thơ”, vẽ được “tranh”... nhưng vẫn là của “giả”, khô cứng, lạnh lùng. Dù giỏi đến đâu, máy móc vẫn không thay thế được tâm hồn, tinh thần con người. Trong sáng tạo nghệ thuật càng đòi hỏi sâu sắc một “cái tâm”, không chỉ đóng vai trò định hướng mà còn tạo ra cái khác biệt, vượt trội so với máy móc.

Lịch sử nghệ thuật chứng minh các nghệ sĩ lớn luôn tự do say mê sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước, vì dân, vì chủ nghĩa xã hội.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ