QĐND - Năm ngoái, tôi có dịp tham dự một cuộc phỏng vấn cuối năm giữa các nhà báo và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Có một câu được nhiều người hỏi là chuyện “Việt Nam không sản xuất được ốc vít”. Để phản bác cái nhìn thiên kiến này, sau khi dẫn chứng những chuyện Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới sản xuất được vắc-xin, làm giàn khoan tự nâng, ông Nguyễn Quân bảo: “Muốn biết rõ hơn, mời các nhà báo đến tìm hiểu các nhà máy của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, sẽ rõ hơn được nhiều cái “made in Việt Nam” tầm cỡ”.

Một ngày sản xuất hàng vạn smartphone

Mới đây, tôi đã có dịp đến thăm Công ty Thông tin M1-một trong những nhà máy hiện đại của Viettel...  Một nhà máy thầm lặng nằm nép mình dưới những tán cây xanh mướt nhưng đang ngày đêm sản xuất hàng triệu sản phẩm điện thoại made in Viettel, made in Việt Nam bán đi khắp năm châu.

Trung tá Lưu Quang Trường, Giám đốc Công ty kể: Mới mấy năm trước, chuyện Việt Nam sản xuất được điện thoại còn là một cái gì đó rất xa vời thì M1 ngay sau khi sáp nhập vào Viettel đã âm thầm đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Từ tháng 10-2012, Viettel đã bán ra thị trường chiếc smartphone đầu tiên mang thương hiệu của mình là chiếc Viettel V8403. Đây là sản phẩm tự chế tạo hoàn toàn với quy trình sản xuất, lắp ráp được thực hiện trên dây chuyền sản xuất thiết bị tại Công ty Thông tin M1.

Dây chuyền sản xuất điện thoại hiện đại của Nhà máy M1.

Hiện nay, Nhà máy M1  đang  sở hữu dây chuyền công nghệ hiện đại có công suất thiết kế 5 triệu USB loại 3G/năm, hoặc 3 triệu máy điện thoại di động/năm,  hoặc 900.000 máy tính/năm. Toàn bộ các khâu từ thiết kế cấu hình đến vận hành dây chuyền sản xuất đều do cán bộ, nhân viên Viettel  đảm nhiệm, giúp tiết kiệm và tăng hiệu quả đầu tư. Với dây chuyền máy móc hiện đại, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel hiện đang làm chủ công nghệ, chế tạo ra những chiếc smartphone “made in Việt Nam” cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế.

Theo đồng chí quản đốc xí nghiệp thiết bị đầu cuối cho biết, xí nghiệp được thiết kế và vận hành theo mô hình của Nhật Bản. Dây chuyền sản xuất mỗi ngày có thể cho ra đời 9.000 điện thoại sumo (điện thoại 2G-PV) hoặc 10.000 điện thoại smartphone. Nhờ đó, M1 xác định sẽ trở thành đối tác lớn, nhà sản xuất lớn, đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất chính các linh kiện tiêu chuẩn (standard) để được cung cấp những đơn hàng dài, trở thành partner (đối tác), nhận những thành phẩm linh kiện loại A, góp phần nâng cao và củng cố chất lượng thành phẩm của các tập đoàn lớn.

Điện thoại dành riêng cho chiến sĩ

Một lĩnh vực quan trọng khác của Nhà máy M1 hiện nay là sản xuất các thiết bị thông tin liên lạc quân sự. Trong đó, phải kể đến 11 loại máy thu phát vô tuyến điện, 11.500 bộ máy thông tin quân sự, được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào trang bị cho các đơn vị toàn quân.

Có mặt tại Xí nghiệp sản xuất thiết bị quân sự, chúng tôi ngạc nhiên thấy hàng nghìn chiếc điện thoại với màu sơn xanh rêu quân sự quen thuộc đang nằm nghiêm ngắn trên khay. Rất nhiều chiếc đang “ngủ” yên trong các lò sấy hiện đại. Nhìn lên bảng quy trình, công đoạn thử nghiệm, mỗi chiếc điện thoại trước khi ra lò phải trải qua 9 công đoạn thử nghiệm với 6 lần đo kiểm chỉ tiêu nên độ chính xác gần như tuyệt đối. Cầm trên tay một chiếc máy thông tin nhỏ gọn hơn chiếc bộ đàm, anh Lê Anh Đức, nhân viên lắp ráp tổng hợp tiết lộ: Chiếc máy này có tính năng đầy đủ và hiện đại hơn gấp nhiều lần những máy thông tin mà các chiến sĩ nữ thông tin vẫn đeo trên lưng khi diễu binh. Về giá trị, một chiếc máy nhỏ nhỏ xinh xinh có giá lên tới hơn 100 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, trong hàng loạt sản phẩm sắp “ra lò” được Trung tá Lưu Quang Trường “bật mí”, còn có loại điện thoại di động được thiết kế dành riêng cho quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có thể phục vụ nhu cầu liên lạc và truy cập một số mạng mà vẫn bảo đảm an toàn, bí mật quân sự. Hy vọng một ngày không xa, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam sớm được trang bị những chiếc máy điện thoại di động ấy...

Bài và ảnh: NGUYÊN MINH - NAM THẮNG