QĐND - Trong một cuộc khảo sát mới đây của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, có tới 58,5% số người được hỏi cho rằng, phẩm chất đặc trưng nhất của người Hà Nội vẫn là thanh lịch.
Sự thanh lịch của người Hà Nội biểu hiện ở nhiều lĩnh vực. Trong ẩm thực, là trung tâm chính trị, kinh tế và giao lưu văn hóa, Hà Nội có điều kiện thuận lợi tiếp thu kinh nghiệm chế biến món ăn từ trong và ngoài nước. Vì thế, ẩm thực Hà Nội là sự tổng hợp nét tinh túy từ mọi miền cả nước. Nét thanh lịch của người Hà Nội không chỉ biểu hiện trong món ăn mà còn thể hiện trong cách thức ăn. Người Hà Nội ăn để thưởng thức, để hưởng thụ hơn là ăn để đáp ứng nhu cầu. Do đó, việc ăn uống đã được nâng thành một thứ văn hóa - văn hóa ẩm thực. Nét thanh lịch trong ẩm thực của người Hà Nội còn được thể hiện ở sự thanh cảnh, ăn thì chỉ xới bát vơi, cái bát cũng nhỡ nhỡ, đĩa đậu cũng nho nhỏ. Một biểu hiện rõ nét của chất thanh lịch trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội đó là văn hóa ứng xử ở mâm cơm. Đặc tính trọng nền nếp của người Hà Nội đã đi vào lĩnh vực ăn uống, đặt ra những chuẩn mực cho hành vi này.
Giao tiếp, ứng xử là lĩnh vực thể hiện rõ nét nhất đặc trưng thanh lịch của người Hà Nội. Giao tiếp, ứng xử trước hết thể hiện qua lời ăn tiếng nói. Đó là chất giọng của người Hà Nội “người thanh tiếng nói cũng thanh”. Tiếng nói của người Hà Nội đã được nhận xét: “Tiếng nói phát ra từ người Hà Nội là tiếng nói tự trọng, tôn trọng người nghe. Mềm mỏng mà không yếu ớt, tự tin mà không kiêu ngạo, trí tuệ mà không khoe khoang, chắt lọc mà không kiêu kỳ, nhanh nhạy mà không nôn nóng, giản dị mà không đơn giản, kính trọng mà không nịnh bợ” (Nguyễn Chí Mỳ, Kỷ yếu các giải pháp xây dựng, gìn giữ và phát huy các phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô, 2006). Lời ăn tiếng nói không chỉ là chất giọng mà còn là cách ăn nói “có thưa, có gửi”, “dạ, vâng” lễ phép hay tác phong khi nói. Nét thanh lịch trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội còn thể hiện ở hành vi tiếp khách - một hoạt động giao tiếp đặc trưng. Khách đến nhà, chủ nhà thường thay quần áo cho ngay ngắn, mời khách những món ngon nhất và thậm chí còn nhường cho khách ăn.
|
|
Người Hà Nội xưa và nay thanh lịch trong tà áo dài. Ảnh tư liệu |
Trang phục cũng là một lĩnh vực được người Hà Nội chăm chút. Cách ăn mặc của người Hà Nội truyền thống luôn nền nã, kín đáo, chỉnh tề, không cầu kỳ về kiểu dáng và không lòe loẹt về màu sắc nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng. Màu sắc được sử dụng phổ biến là những màu nhẹ nhàng như kem, be trắng... Ngày thờ cúng tổ tiên, người thắp hương phải mặc trang trọng, áo dài, quần dài. Khi ra đường, quần áo phải là phẳng phiu.
Ăn tinh tế, mặc lịch sự, người Hà Nội cũng sành sỏi trong cách “chơi”. Với vị trí là trung tâm của cả nước, người Hà Nội có nhiều điều kiện thưởng thức văn hóa nghệ thuật hơn các địa phương khác. Bao nhiêu thú ăn chơi của nhiều vùng miền có mặt tại Hà Nội nhưng đều được người Hà Nội làm cho nó trở nên thanh lịch. Cái chơi Hà thành không ào ạt, không xả láng. Hà Nội vẫn giữ nét thanh lịch trong một số loại hình vui chơi, giải trí đặc trưng. Ví như thú chơi cờ tướng là một hình thức giải trí tao nhã, trí tuệ, rồi thú chơi chim cảnh, đam mê cá cảnh…
Đặc trưng thanh lịch của người Hà Nội còn thể hiện ở lòng tự trọng, tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí, coi trọng trí tuệ và đạo đức hơn tiền bạc và danh lợi…
Ngày nay, trong một xã hội hiện đại, Hà Nội cũng có nhiều biến chuyển. Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn luôn tự hào về đặc trưng thanh lịch của mình. Thanh lịch cũng là đặc điểm để phân biệt người Hà Nội với người địa phương khác. Ngoài đặc trưng thanh lịch, người Hà Nội còn hội tụ nhiều phẩm chất tốt đẹp khác, là kết tinh và hội tụ của nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam qua bao thời kỳ như tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình…
NGUYỄN XUÂN