QĐND - Được bắt đầu thử nghiệm từ năm 2004, chương trình giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đã gặt hái được không ít thành công. Từ nền tảng ấy, đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020” hứa hẹn sẽ đem lại một diện mạo mới trong giáo dục, góp phần gìn giữ vốn âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Năm 2004, với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, cố GS, TS Trần Văn Khê và các cộng sự lần đầu thử 12 mô hình giảng dạy âm nhạc truyền thống tại Thành phố. Tiếp đến, từ năm học 2013-2014, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đưa âm nhạc dân tộc vào trường tiểu học trên địa bàn với mục đích giúp học sinh tiểu học tìm hiểu, thưởng thức âm nhạc dân tộc. Kết quả, nhiều trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chú trọng đưa nội dung này vào phổ biến trong nhà trường. Đơn cử như Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3) từ nhiều năm nay đã thành lập các câu lạc bộ “Tiếng hát quê hương” để dạy đàn tranh cho học sinh khối 3, 4 và 5. Trường còn phát trên loa các bài hát dân ca trong giờ ra chơi, thể dục, sinh hoạt ngoại khóa. Giáo viên, phụ huynh ủng hộ rất nhiệt tình cả về tinh thần lẫn vật chất để mua sắm nhạc cụ và tham gia sinh hoạt cùng các học sinh. Ngoài ra, một số trường học khác như Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1) có hẳn một phòng chức năng chuyên về các nhạc cụ dân tộc; Trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5) dạy dân ca quan họ Bắc Ninh; Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Phú Nhuận), Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Nhà Bè)… đã đưa âm nhạc dân tộc làm nhạc nền cho học sinh tập thể dục giữa giờ hoặc dạy trong môn âm nhạc... Đặc biệt, một dự án mang tên “Giai điệu quê hương” do Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đoàn khối Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện đã ra đời. Gọn nhẹ, đơn giản và dễ hiểu với phương thức lan truyền cảm hứng âm nhạc đến các em là phương châm mà “Giai điệu quê hương” hướng đến. Chính vì lẽ đó, các em nhỏ đã đón nhận chương trình một cách vui vẻ, hào hứng, mỗi em mỗi cách khác nhau.
|
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh, biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
|
Dù chưa chính thức có một mô hình cụ thể cho hoạt động phổ biến âm nhạc dân tộc vào trường học, nhưng những năm qua, các trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đưa âm nhạc dân tộc gần với học sinh hơn như: Tổ chức giao lưu giới thiệu về âm nhạc dân tộc, xây dựng các câu lạc bộ âm nhạc dân tộc, giáo viên tổ chức tập luyện cho các em biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các dịp liên hoan, lễ hội của nhà trường... Với những hoạt động ấy, nhiều học sinh đã nắm vững các loại nhạc cụ dân tộc và yêu thích các loại nhạc cụ này.
Trên nền tảng những kết quả của hơn 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng dự thảo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”. Lộ trình thực hiện của đề án gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn tìm hiểu thị hiếu âm nhạc và thành lập câu lạc bộ (năm 2016-2018); giai đoạn nghe, nhận biết, thưởng thức và có cảm xúc về âm nhạc dân tộc (năm 2018-2019); giai đoạn thực hành biểu diễn âm nhạc dân tộc (2019-2020). Ngay trong năm học 2016-2017, 48 trường tiểu học và THCS tại Thành phố Hồ Chí Minh đã dạy âm nhạc dân tộc cho học sinh và năm học kế tiếp sẽ áp dụng cho tất cả các trường.
Theo dự thảo đề án, âm nhạc dân tộc là một hoạt động ngoại khóa và không thay thế môn Âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Riêng ở bậc THPT, âm nhạc dân tộc sẽ được lồng vào môn Âm nhạc theo chương trình sách giáo khoa mới năm 2018 để học sinh tự chọn.
Âm nhạc dân tộc là vốn quý tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam với nhiều ngàn năm lịch sử tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và quốc tế hóa kinh tế của đất nước, nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc dân tộc đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn. Vì thế, những đề án như Đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020" có thể đem lại hy vọng góp phần vào nỗ lực chung của toàn xã hội để duy trì và phát huy những tinh hoa giá trị của nền âm nhạc, nghệ thuật truyền thống.
Bài và ảnh: NGUYÊN ANH