leftcenterrightdel
Bần là loài cây có sức sống mãnh liệt, chống xói lở và giữ phù sa, mọc nhiều ở ven bờ sông và bãi biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ít có loài cây nào có sức sống mãnh liệt, kỳ diệu như cây bần. Rễ bần lan tỏa chằng chịt, bám chặt, sâu vào tầng tầng lớp lớp phù sa nên cây tỏa bóng xanh suốt mùa suốt tháng.

Nước lớn, nước ngập cỡ nào, bần vẫn tươi xanh, vẫn tràn đầy sức sống. Nước chảy xiết cỡ nào, bần đứng sát bên nhau, dang tay rộng giữ bờ, chống xói lở khi những dòng lũ hung hãn từ thượng nguồn đổ về.

Khi con nước ròng, ngạc nhiên vô cùng khi hàng trăm rễ bần ngoi lên mặt phù sa tươi rói để thở. Gió rì rào cùng những tổ chim dòng dọc đung đưa dưới cành bần. Hoa bần màu tím nhạt, khẽ khàng e ấp dưới tán lá xanh. Hoa bần cũng như cô thôn nữ, chỉ biết làm dáng bằng sự e ấp, bằng mùi hương nhẹ nhàng mà lan tỏa.

leftcenterrightdel

Hoa bần.

Bần-cái tên mới nghe đã biết dân dã, chịu thương chịu khó. Không biết tự bao giờ, cây bần đi vào câu đồng dao ngộ nghĩnh của trẻ thơ: “Khoanh tay lo nghèo/ Là trái bần ổi/ Sông sâu chẳng lội/ Là trái mãng cầu…”. Nhưng bần xanh giàu lòng chung thủy, gắn bó với con người và dâng hiến cho con người biết bao thứ mà mình có được.

Cá tra bần sống dưới những rặng bần xanh; chúng chuyên ăn trái bần chín rụng xuống nên thịt khá thơm ngon. Vị chua mềm với mùi thơm đặc trưng của trái bần thật hấp dẫn lòng người. Ai từng thưởng thức món canh chua trái bần, dù chỉ một lần thôi, khó mà quên được. Trái bần xanh xẻ ra, chấm muối ớt (hoặc mắm tôm dầm ớt) là “món ruột” của trẻ con miền quê. Vị chua chua chát chát, mùi hăng hắc càng thấm hơn khi ngồi dưới gốc bần nhìn lên khoảng trời xanh bát ngát.

Mùa bần chín, trái rụng xuống theo con nước lớn ròng. Khi chu du dọc bờ sông theo con nước, nó nằm lại trên nền phù sa non, hạt nảy mầm và mọc thành cây, vươn lên cùng bãi bồi rộng mở. Cứ thế, bần mọc thành rừng, nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác, kiên gan giữ đất, giữ hạt phù sa, giữ vườn cây ngọt ngào mùa trái chín. Nếu không có những bức trường thành màu xanh; không có những tấm lưng trần của rặng bần che chắn sóng thì làm sao có phù sa miệt vườn, miệt ruộng biếc xanh màu bình yên muôn thuở.

leftcenterrightdel
Quả bần. Ảnh: HỒNG ĐĂNG

Bần tỏa sắc xanh, dầm mình đêm ngày trong mùa nước nổi, từng cành bần sà xuống nước như đùa giỡn cùng con nước mang nặng phù sa. Dưới chân mình, phù sa lắng lại, nuôi lớn bao loài cá, tôm cho con người. Cây bần nhà quê còn được gọi là thủy liễu-cây liễu vùng sông nước. Những cành bần rủ xuống, thướt tha làm duyên làm dáng bên sông. Những chùm trái đu đưa trong gió lồng lộng, mang hương vị miền quê dân dã như mời chào khách xa ghé đến.

Cây bần quê tôi cũng như con người nơi đây, bao đời bám làng bám đất. Những rặng bần lặng thầm sinh sôi, lặng thầm tỏa bóng xanh nơi bến đò, nơi vàm sông cùng tiếng bìm bịp gọi con nước ròng, nước lớn. Cây bần không ngại gió mưa, không ngại triều cường lũ lớn. Bần xanh thân thương, giản dị mang đến cho con người những bài học đáng quý: Thầm lặng quên mình, nhận bao gian nan về mình để dâng hạt vàng phù sa hóa thành cây lành trái ngọt cho đời, cho cuộc sống. Có thể nói rặng bần xanh là bài thơ xanh của miền quê châu thổ, ngân dài theo năm tháng trong tiếng gió rì rào từ sông, từ biển…

LÊ ĐỨC ĐỒNG