Cây gạo làng tôi. Không biết cây có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ khi lớn lên, tôi đã thấy cây sừng sững đứng ở đầu làng giữa màu xanh mênh mông của đồng lúa. Cây đã trở thành một phần không thể thiếu trong không gian văn hóa làng tôi, trở thành cột hoa tiêu để những người con xa quê tìm về.

Có lẽ cây cũng đã nhiều tuổi lắm. Thân cây to, cao, thẳng, màu nâu đậm xù xì và nhiều gai góc. Mùa hè, cây như chiếc ô xanh khổng lồ, tỏa bóng mát một vùng rộng lớn. Những người nông dân đi làm đồng hay ai đó đi xa về, đến đầu làng đều dừng chân nghỉ lại nơi đây. Nghe tiếng chim chuyền cành ríu rít trong vòm lá, lòng người như lắng lại. Những làn gió mát từ ngoài cánh đồng thổi lại mang theo hương lúa mới như lau khô giọt mồ hôi, xoa dịu nỗi nhọc nhằn. Mùa đông, cây trút lá chỉ còn trơ những cành gầy guộc, khẳng khiu, run rẩy giữa từng luồng giá buốt.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Cứ khoảng đầu tháng 3, trên những cành gạo là các nụ hoa chi chít như muôn nghìn ngọn nến trong xanh. Mới hôm trước còn e ấp trong lớp áo màu xanh, hôm sau đã bung nở thành những đóa hoa đỏ thắm. Từ xa nhìn lại, cây như một tháp lửa đỏ rực. Hoa gạo đỏ thắm như môi son thiếu nữ, thắp bừng lên niềm ấm sáng trên khuôn mặt làng quê. Đời một bông hoa gạo không dài, chỉ nở vài ba hôm thì rụng. Hoa như hiểu sự khắt khe của tạo hóa nên kiêu hãnh căng mình khoe sắc, cả đến lúc lìa cành, hoa vẫn vẹn nguyên màu. Những cánh hoa không úa tàn, không rơi rụng mà vẫn khép chặt, ôm ấp lấy đài hoa như ôm chặt nỗi niềm son sắt. Những bông hoa căng đầy sự sống, khi rụng về đất vẫn một màu đỏ ngập lối nao lòng. Sắc đỏ trên cao, sắc đỏ dưới đất như hòa quyện vào nhau, cứ rực lên giữa màu xanh bát ngát của đất trời.

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng bạn bè bên gốc gạo. Mỗi buổi chiều tan học, tôi lại cùng mấy đứa bạn tha thẩn dưới gốc cây, gom đầy những bông hoa mới rụng rồi đem thả xuống dòng mương. Những bông hoa dập dềnh trôi trên dòng nước, đem theo tiếng nói cười lảnh lót buổi chiều quê. Có lần tôi thắc mắc hỏi mẹ, tại sao lại gọi là hoa gạo trong khi cây chẳng cho người dân quê tôi được hạt gạo nào. Khi ấy mẹ ôm tôi vào lòng: “Cái tên hoa gạo chất chứa bao nỗi niềm bình dị của những người nông dân con ạ. Hoa gạo nở vào tháng 3, đúng mùa giáp hạt là khoảng thời gian thường đói kém. Bởi vậy, cái tên cây gạo biểu trưng cho ước mong một mùa vàng bội thu, lúa gạo đầy bồ, đời sống ấm no”. Lời mẹ du dương bên tai tôi khi giấc chập chờn.

Tôi lớn lên, cây lại trở thành người bạn chia sẻ những nỗi vui buồn. Cây lắng nghe những tiếng thì thầm của người thiếu nữ, đã thầm lặng cất giấu giùm tôi những giọt nước mắt tình đầu. Tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ mãi gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây, sẽ già đi với cây gạo cổ thụ, cho đến ngày tôi gặp anh, người lính biên phòng. Ngày tôi nói với mẹ về anh cùng dự định của mình. Mẹ tôi đôi mắt đỏ hoe. Mẹ không đồng ý, bởi mẹ đã thấm thía những vất vả khi lấy chồng bộ đội. Tối hôm đó, một mình tôi đi ra gốc gạo, lặng lẽ ngồi khóc. Tán lá rì rào như an ủi lòng tôi.

Tôi hiểu lý do của mẹ, nhưng tôi cũng hiểu rõ tình yêu của mình. Anh cũng vì tình yêu với tôi mà nhiều lần từ vùng biên giới xa xôi về thăm nhà và thuyết phục mẹ. Cuối cùng mẹ cũng đồng ý. Đó là ngày hạnh phúc nhất với tôi. Tôi tiễn anh ra tới đầu làng, đúng vào tháng 3 mùa hoa gạo nở. Chúng tôi nắm tay nhau, cùng ngước nhìn lên những chùm hoa đỏ rực như tình yêu nồng cháy trong tim mình. Một năm sau, chúng tôi nên duyên vợ chồng. Đó cũng là một ngày tháng 3 nhuộm thắm màu hoa gạo.

Từ mùa hoa năm ấy, sau này, những lần về thăm quê, tôi đều không gặp mùa hoa nở, chỉ có tán lá xanh rì rào vẫy gọi. Trên những miền quê đã đi qua, đâu đó, tôi vẫn bắt gặp màu đỏ ấy, nhưng vẫn nôn nao nhớ sắc hoa đỏ quê nhà. Ngoài kia, tháng 3, đất trời trong như ngọc, những vạt nắng vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật. Tôi rưng rưng nhớ con đê đầu làng phủ đầy hoa gạo, lại thấy dáng mẹ giữa màu hoa lửa cháy, màu hoa bừng lên, soi chiếu gương mặt mẹ rạng ngời, tràn ngập nắng tháng 3.

Tản văn của VŨ THỊ NGÁT