Hành vi phản cảm và sự “quan tâm” thái quá của một bộ phận truyền thông

Ai cũng thấy, thời đại ngày nay, thông tin-truyền thông có vai trò quan trọng, chi phối đến mọi hoạt động của con người. Trong các lĩnh vực đời sống xã hội, sự tương tác của truyền thông đối với văn hóa-nghệ thuật là sự tương tác nhạy cảm nhất. Chính vì vậy, khi bàn đến vấn đề nâng cao tính thẩm mỹ trong môi trường showbiz, không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông.

Truyền thông can thiệp và tác động toàn diện các hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Thông qua các phương tiện, hình thức truyền thông, sản phẩm nghệ thuật đến với công chúng một cách nhanh nhất. Bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận truyền thông đã và đang trở thành một trong những tác nhân làm bùng phát tình trạng phi thẩm mỹ trong môi trường showbiz.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

Khi văn hóa đọc, văn hóa nghe nhìn của công chúng chuyển hướng tập trung vào internet, sự bùng nổ của các hình thức truyền thông mạng ngày càng dữ dội. Bất cứ một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào, nếu muốn đều có thể tự lập trang web và tham gia mạng xã hội. Mảng đề tài về giải trí luôn được ưu tiên chiếm tỷ lệ cao trong dung lượng thông tin. Một sự kiện xảy ra thu hút sự chú ý của công luận sẽ lập tức lan truyền trên cộng đồng mạng với tốc độ chóng mặt. Thực trạng này đã chi phối phần nào đến hình thức, tính chất hoạt động của cộng đồng mạng. Thay vì đi tìm cái hay, cái đẹp để tôn vinh, một bộ phận truyền thông thường đổ xô đi săn những cái lạ, cái “độc”. Những biểu hiện phản cảm trong hoạt động giải trí chính là miếng mồi béo bở để họ khai thác. Khi người làm truyền thông và phương tiện truyền thông hoạt động theo hướng này, những giá trị nghệ thuật đích thực đôi khi bị coi nhẹ, lãng quên, thay vào đó là sự tung hô những cái lạ mắt tức thời. Gương mặt và sản phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ nhân dân có khi chỉ xuất hiện khiêm tốn ở một góc nhỏ trên trang tin, nhưng hình ảnh một ca sĩ vô danh tiểu tốt “khoe hàng” trên sân khấu thì có thể được đặt to tướng trên phần chính của giao diện. Sự câu khách quá đà này vô hình trung đã làm “biến dạng” chuẩn giá trị thẩm mỹ trong một bộ phận công chúng truyền thông. Cái hay, cái đẹp đích thực phải nhường chỗ cho cái lố lăng, phản cảm. Thế nên chưa bao giờ thị trường giải trí lại loạn “sao” như hiện nay. Chỉ cần mặc y phục hở hang, khoe thân trên mặt báo, lộ vài clip sex trên mạng... là lập tức một “ca sĩ” phòng trà, một người mẫu, một cầu thủ bóng đá, một lực sĩ... đều có thể trở thành “ngôi sao” trong làng giải trí.

Khi bàn đến vấn đề này, có ý kiến cho rằng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đã có sự chuyển đổi căn bản về thẩm mỹ, nên truyền thông phải đáp ứng? Thực ra, đó là cách nói ngụy biện. Tình trạng “hội chứng đám đông” trong truyền thông trong chừng mực nào đó cũng giống như ở đường phố hoặc nơi công cộng. Một người tốt nhặt được một túi tiền, tìm người đánh mất để trả lại có khi ít người biết tới. Nhưng chỉ cần một người phụ nữ dở hơi trút bỏ y phục đứng giữa đường chửi bới cũng đủ để gây tắc đường. Vấn đề đặt ra ở đây là, công chúng đứng xem người phụ nữ “dở người” kia có thực xuất phát từ nhu cầu “thưởng thức” của họ, hay chỉ là sự tò mò, hiếu kỳ? Rõ ràng, phần lớn công chúng ai cũng ngưỡng mộ người tốt nhặt được túi tiền kia, nhưng vấn đề là ở chỗ, giá trị tự thân của cái hay, cái tốt nhiều khi lại không phải là mục tiêu, sản phẩm của hội chứng đám đông nên chưa chắc nó đã trở thành sự kiện của truyền thông, nếu chúng ta không có cái nhìn và thái độ đúng mực.

Hội chứng này khiến một bộ phận truyền thông luôn chú ý đến chuyện “lộ hàng”, mang mặc phản cảm, phát ngôn gây sốc... trong showbiz để kích thích thị hiếu tò mò. Với không ít người biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, khi được sự tương tác tích cực từ một bộ phận truyền thông, họ sẵn sàng tạo scandal để đánh bóng tên tuổi. Hai bên, kẻ tung, người hứng tạo nên sự hỗn tạp về thẩm mỹ trong môi trường showbiz.

Chấn chỉnh chức năng định hướng thẩm mỹ của truyền thông

Trong môi trường nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật, truyền thông không chỉ giữ vai trò thông tin mà còn có chức năng vô cùng quan trọng, đó là giáo dục, định hướng giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít phương tiện, ấn phẩm truyền thông đã có biểu hiện đi chệch khỏi tiêu chí hoạt động, làm sai chức năng đối với xã hội, chạy theo thị hiếu thẩm mỹ rẻ tiền vì mục đích câu khách. Sự thương mại hóa, dễ dãi hóa nội dung và phương thức hoạt động của một bộ phận truyền thông khiến dư luận có cái nhìn méo mó, phiến diện về văn hóa nghệ thuật.

Bàn về nguyên nhân của thực trạng trên, nhiều ý kiến trong giới chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất nhận định: Xu hướng thương mại hóa hoạt động báo chí-truyền thông là căn nguyên. Khi báo chí-truyền thông trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt trong cơ chế thị trường, các nhà quản lý, các cơ quan báo chí-truyền thông phải tìm mọi cách để duy trì sự tồn tại, tăng sức sống. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt, một bộ phận truyền thông đã chọn việc tiếp cận công chúng bằng cách ăn theo scandal của showbiz. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong số hàng nghìn ấn phẩm báo chí-truyền thông hiện nay, số lượng ấn phẩm về mảng giải trí chiếm tỷ lệ khá cao. Các tờ báo đều dành thời lượng đáng kể cho mảng giải trí.

Thứ hai là đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận những người làm truyền thông đang có nhiều điều đáng bàn. Tình trạng “săm soi” tìm chuyện giật gân, câu khách không hiếm. Hình ảnh một số phóng viên cầm máy ảnh, quỳ, ngồi, thậm chí nằm lăn dưới sàn trước sân khấu, chĩa ống kính lên sân khấu để quay, chụp cận cảnh những hình ảnh hớ hênh, “lộ hàng” của nghệ sĩ rồi tung lên truyền thông thật sự gây phản cảm. Bản thân ca sĩ, diễn viên có hành vi phản cảm là đáng phê phán, nhưng việc truyền thông lấy đó làm đề tài chính cho công tác tuyên truyền của mình, bỏ qua hoặc coi nhẹ việc tôn vinh cái hay, cái đẹp của nghệ thuật còn đáng phê phán hơn.

Mỗi tờ báo, đài truyền hình hay trang tin điện tử của các tổ chức chính trị xã hội đều thuộc quyền quản lý của một cơ quan chủ quản nhất định. Tuy nhiên, trong công tác quản lý, mảng đề tài về văn hóa nghệ thuật, nhất là trong giới giải trí, rất khó để áp dụng các chế tài xử lý sai phạm, vì đó không phải là những yếu tố định lượng. Đây chính là những “vùng trắng”, những lỗ hổng về quản lý văn hóa-nghệ thuật trong hoạt động truyền thông. Thế nên, một nghệ sĩ mang mặc phản cảm khi biểu diễn có thể bị ngành chức năng xử phạt, nhưng các ấn phẩm truyền thông đăng nội dung, hình ảnh phản cảm với tần suất dày đặc thì chỉ có thể… rút kinh nghiệm. Một hành vi, hình ảnh phản cảm trên sân khấu chỉ có một số lượng nhất định khán giả biết đến, nhưng khi nó được các ống kính camera, máy ảnh đặc tả ở các góc quay, góc chụp rồi thì được “ưu tiên” xuất hiện to đùng trên mặt báo thì công chúng truyền thông được “chiêm ngưỡng” hết. Và tất nhiên, ảnh hưởng của nó đến tính thẩm mỹ trong môi trường nghệ thuật là rất lớn.

Dòng chảy chính phải là cái hay, cái đẹp

Phát biểu tại khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí ngày 13-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Nếu nói cái xấu nhiều trên báo để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì là làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình trung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, làm mình yếu đi, do đó giúp cho kẻ thù mạnh lên. Tìm ra cái ngưỡng phê phán để vừa đủ thúc đẩy, vượt qua cái ngưỡng đó là xói mòn sức mạnh. Đây là việc khó”.

Đúng là việc khó, nhất là trong lĩnh vực truyền thông về văn hóa-nghệ thuật. Khi những biểu hiện, hình ảnh phản cảm của showbiz được “săm soi”, thổi phồng quá mức, dễ khiến công chúng có cái nhìn sai lệch, giá trị đích thực của chân-thiện-mỹ bị coi nhẹ. Tìm ra cái ngưỡng, cái biên độ vừa đủ để vừa có tác dụng phê phán cái xấu, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm của những người làm truyền thông, nhất là công tác quản lý, định hướng tuyên truyền trong từng cơ quan, ấn phẩm báo chí-truyền thông. Cần có nhiều hơn nữa các diễn đàn dân chủ về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo cũng như sự tương tác của truyền thông đối với văn hóa-nghệ thuật. Chúng ta đã có nhiều mô hình hoạt động liên kết, phối hợp giữa ngành này với ngành khác, nhưng giữa hoạt động báo chí-truyền thông với hoạt động nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật, lĩnh vực lẽ ra cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ, thì vẫn còn thiếu sự gắn kết. Showbiz là mảnh đất màu mỡ của truyền thông, ngược lại truyền thông là phương tiện quảng bá, truyền thụ, định hướng thẩm mỹ của showbiz. Sự phối hợp phải trên cơ sở khai thác mặt tích cực, cùng nhau tìm ra giải pháp hạn chế, đẩy lùi mặt tiêu cực. Một trong những vấn đề quan trọng cần có trong quan hệ phối hợp này là: Tăng cường, đẩy mạnh công tác lý luận phê bình nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông.

Nâng cao tính thẩm mỹ trong môi trường showbiz sẽ không thể mang lại hiệu quả thiết thực nếu bỏ qua vai trò tương tác theo hướng tích cực của báo chí-truyền thông với phương châm “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Đề nghị các đồng chí là quản lý, lãnh đạo báo phải thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, xây dựng chuẩn mực phóng viên, xây dựng văn hóa người làm báo. Ai xứng đáng làm phóng viên thì hãy làm, mới cho làm. Một đứa trẻ 3 tuổi thì không thể đưa con dao sắc vào tay nó. Cái này phải làm thường xuyên, hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải xử lý nghiêm những vi phạm này, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

THANH KIM TÙNG