Bác Hồ đang nói chuyện với mẹ Suốt tại Phủ Chủ tịch, năm 1967. Ảnh tư liệu

Thị xã (nay là thành phố) Đồng Hới-Quảng Bình-có con sông Nhật Lệ chảy qua, bỗng trở thành cái tên mà hàng triệu triệu người trong và ngoài nước biết đến sau chiến công đầu ngày 7-2-1965 bắn rơi máy bay Mỹ và tiếp đó là những năm tháng kiên cường đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Và mẹ Nguyễn Thị Suốt ở xã Bảo Ninh, bên kia sông Nhật Lệ, 60 tuổi phơ phơ tóc bạc, chèo đò chở bộ đội qua sông trong những trận đánh phá ác liệt của lũ giặc trời Hoa Kỳ, được báo chí trong và ngoài nước ngợi ca... Nhà thơ Tố Hữu lúc đó với cương vị Phó trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đảng đã đến với Đồng Hới, Quảng Bình trong tâm trạng khát khao, thôi thúc:

Đường vào khu bốn, vào Thanh

Không đi thì nhớ, không đành, phải đi!

Vào làm việc ở Quảng Bình lần đó, nhà thơ Tố Hữu rất bận rộn với nhiều công việc. Hết nghe báo cáo của tỉnh ủy, ủy ban, các đoàn thể… lại về nhiều cơ sở địa phương để tìm hiểu thực tế. Tuy vậy nhà thơ vẫn gặp được mẹ Suốt tại khu giao tế Đức Ninh giữa trưa ngày 4-11-1965.

Trong lần gặp này, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những câu chuyện của mẹ Suốt. Sau buổi chiều làm việc, nghỉ ngơi, nhà thơ Tố Hữu lên phòng khách giở sổ tay sáng tác bài thơ “Mẹ Suốt”. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình lúc đó là ông Nguyễn Tư Thoan là người đầu tiên được Tố Hữu đọc cho nghe tác phẩm mới sáng tác của mình. Bài thơ là một thiên phóng sự, kể chuyện cuộc gặp gỡ của tác giả và mẹ Suốt.

Lặng nghe mẹ kể ngày xưa

Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình

Mẹ rằng: Quê mẹ Bảo Ninh

Mênh mông sông biển, lênh đênh mạn thuyền...

Và cả những câu phỏng vấn:

Ghé tai mẹ, hỏi tò mò:

Cớ răng ông cũng ưng cho mẹ chèo?

Mẹ rằng: nói cứng phải xiêu

Ra khơi ông còn dám, tui chẳng liều bằng ông...

Chồng mẹ Suốt là cụ Trần Bạo, đã có 3 con trai nhưng vợ chết. Mẹ Suốt “rổ rá cạp lại” cùng cụ để sinh hạ thêm 4 con: 3 gái, 1 trai. Những ngày Mỹ đánh phá Đồng Hới, cũng là lúc những HTX ngư nghiệp ở vùng sông nước Nhật Lệ có phong trào “xuất quân”. Đó là phong trào “Đi tìm bãi cá” để tăng sản lượng đánh bắt hải sản ở những vùng biển, từ cửa Nhật Lệ vào đến gần Cửa Tùng. Còn mẹ, được Ủy ban hành chính xã Bảo Ninh giao cho việc thường trực, sẵn sàng chèo đò chở cán bộ, bộ đội qua sông. Ông nhà theo bạn “Xuất quân”/ Tui nay cũng được vô chân “Sẵn sàng”...

Nếu chỉ là ghi lời kể của nhân vật ngoài đời, bài thơ sẽ khô khan. Cái tài của tác giả là vừa kể lại vừa bình nên bài thơ giàu tính tự sự lại sâu đậm tính trữ tình, nhờ thế đã nâng cao tầm vóc của nhân vật anh hùng, nâng cao tầm vóc bài thơ.

Sợ chi sóng gió tàu bay

Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua

Kể chi tuổi tác già nua

Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng

Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung

Gió lay như sóng biển tung trắng bờ...

Nhà thơ Xuân Diệu có lần bình hai câu thơ cuối của khổ thơ trên, cho đó là hình ảnh đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong thơ ca xưa cũng như nay.

Đầu năm 1979, nhà thơ Tố Hữu lại có dịp vào thăm và làm việc với Quảng Bình. Đây là chuyến đi với cương vị của một Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, nhằm nắm bắt và chỉ đạo các địa phương trong tình hình mới, đặc biệt là về công tác tư tưởng. Nhà thơ Tố Hữu được Tỉnh ủy Quảng Bình báo cáo lại, chuyện mẹ Suốt sau khi được phong Anh hùng LLVT nhân dân, được đi thăm nhiều nơi, được vào gặp Bác Hồ, vẫn chân chất một ý nghĩ: Hãy cho mẹ tiếp tục chèo đò, thay cho các o dân quân cầm súng để diệt Mỹ. Chiều ngày 22-8-1968, mẹ đã bị bom bi Mỹ giết hại tại bến đò Bảo Ninh, bến sơ tán ở phía nam, cách bến đò cũ 3km. Nhà thơ Tố Hữu lại viết về mẹ Suốt ở bài thơ “Một khúc ca” trong chuyến đi ấy của mình:

Mẹ Suốt ơi

Giữa bom rơi đạn nổ

Giữa sóng lớn gió to

Ngực huân chương, mẹ vẫn chèo đò.

Không chịu nghỉ, ai ngăn cứ nói

“Tui già rồi có chết khỏi lo

Bọn trẻ sống còn tay bắn giỏi”

Và mẹ ngã

Bên bờ sông khói lửa

Người nữ anh hùng trên dòng sông Nhật Lệ, mẹ Nguyễn Thị Suốt, một lần nữa được nhà thơ Tố Hữu tôn vinh bằng những câu thơ tài hoa của mình.

HỒ NGỌC DIỆP