Quan niệm chung của nhân loại, hoa hậu là những người hội tụ các giá trị tốt đẹp về hình thể, trí tuệ, đạo đức, thông minh và chuẩn mực trong văn hóa ứng xử... Hoa hậu là đại diện cho cái đẹp, là sứ giả của cái thiện, của tình nhân ái bao la được cộng đồng, xã hội kỳ vọng. Thế nên, dư luận luôn tôn trọng, đánh giá rất cao nhưng cũng đòi hỏi rất khắt khe với mỗi người đẹp đăng quang, đội trên đầu chiếc vương miện quyền uy, danh giá. Vì thế nhân dân, dư luận cũng rất công bằng đối với những hoa hậu có lời nói, hành vi, việc làm thiếu tinh tế, thiếu chuẩn mực, không xứng đáng đại diện cho cái đẹp và trí tuệ phụ nữ Việt Nam.

Kể từ sau khi đất nước thống nhất, vào năm 1988, việc tổ chức thi hoa hậu được chính thức tiến hành. Những năm tiếp theo, trong quá trình hội nhập và phát triển, Việt Nam cũng tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu trên thế giới. Ngoài tham dự Miss World, Việt Nam còn thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth)... Theo quy định của các đơn vị tổ chức thi hoa hậu quốc tế, ứng viên tham dự phải là hoa hậu chiến thắng ở cuộc thi sắc đẹp uy tín tại quê nhà với kịch bản do chính đơn vị tổ chức quốc tế đặt ra. Trong các cuộc thi ấy, để giành chiến thắng, những người đẹp phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ, vất vả và chi phí tốn kém. Thực tế ở nước ta, nhiều cô gái đăng quang hoa hậu-được đội vương miện danh giá đã chứng tỏ được vẻ đẹp hình thể và nét đẹp tâm hồn, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam.

leftcenterrightdel

 Minh họa tổ chức thi hoa hậu: HẢI LÂM      

Tuy nhiên, sau khi trở thành hoa hậu, một số người đẹp quá ảo tưởng về bản thân, gục ngã trước những cám dỗ vật chất, tiền tài, danh tiếng. Thiết nghĩ, để giữ được mình trước những cám dỗ ấy, các nàng hậu phải tỉnh táo, khéo léo, định vị đúng bản thân. Bài học sa ngã vào tiệc tùng, thác loạn của Hoa hậu Mỹ Tara Conner (đăng quang năm 2006) rồi bị rơi xuống vực sâu trong chớp mắt đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ở nước ta, những ồn ào xoay quanh một số người đẹp cho thấy rõ điều này.

Thời gian gần đây, các cuộc thi người đẹp ở nước nước ta có xu hướng gia tăng và ngày càng nở rộ. Đỉnh điểm là vào năm 2022, mặc dù đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng số lượng các cuộc thi người đẹp, hoa hậu tăng đột biến. Theo thống kê, bình quân trong năm có từ 25 đến 30 người đẹp, hoa hậu được công nhận, trong đó có cả “Hoa hậu quý bà”, “Hoa hậu doanh nhân”... Tình trạng dễ dàng đoạt ngôi hoa hậu, lạm phát hoa hậu, đầy rẫy “hoa hậu làng”, “hoa hậu xóm” và “ra ngõ gặp hoa hậu” trở thành đề tài bất tận cho giới truyền thông, báo chí, cộng đồng mạng đồn đoán, khen chê. Đặc biệt, phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng đề nghị tước danh hiệu hoa hậu của Huỳnh Trần Ý Nhi cho thấy những lỗ hổng trong tổ chức thi hoa hậu cần phải được khắc phục kịp thời.

Những năm qua, thi hoa hậu, thi người đẹp có vẻ như trở thành trào lưu trong giới trẻ vì rất nhiều lý do, trong đó có lý do thích nhanh nổi tiếng, nhanh giàu sang. Nhiều bạn trẻ, thậm chí có cả các bậc phụ huynh suy nghĩ thi người đẹp, đoạt danh hiệu hoa hậu là con đường ngắn nhất để hướng tới tương lai tươi sáng, giàu sang. Đó như là "suất đầu tư" mà nhiều gia đình và thiếu nữ Việt Nam ưu tiên. Tham gia các cuộc thi hoa hậu, thi người đẹp là hết sức tốn kém, mệt mỏi, mất thời gian và nó đã để lại hậu quả khó nhìn thấy. Thực tế cho thấy, thay vì tập trung vào học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhiều thiếu nữ, sinh viên bỏ thời gian, tiền bạc vào luyện thi hoa hậu. Từ đây hình thành các lò đào tạo hoa hậu, người mẫu, người đẹp...

Đầu năm 2023, tôi gặp một người bạn là giáo viên trung học phổ thông. Nhìn bạn gầy gò, mắt trũng sâu, tôi khuyên bạn đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, cô bạn kể lại nguyên nhân khiến tôi không khỏi giật mình. Thì ra, từ dịp hè năm 2022 đến gần hết học kỳ I của năm học 2022-2023, cô xin nghỉ việc ở nhà trường để đi phục vụ con gái thi hoa hậu. Dù con gái chỉ lọt tốp 50 và phải bỏ ra khá nhiều chi phí cùng không ít thời gian, sức khỏe, nhưng cô bạn vẫn tỏ ra rất vui, hãnh diện với bạn bè, xã hội. Không biết ở Việt Nam có bao nhiêu trường hợp “hãnh diện ảo” như vậy?

Có lần, tôi gặp một giảng viên đại học và được nghe anh kể lại câu chuyện khá hài hước về nguyên nhân thôi không làm giảng viên. Chuyện là, quá trình giảng bài, anh phát hiện có nữ sinh viên vắng mặt nhiều lần trong giờ học. Truy ra thì được biết là sinh viên ấy nghỉ học để đi thi hoa hậu. Vậy là anh kiên quyết bắt sinh viên ấy học lại theo quy chế của trường. Biết chuyện, vị hiệu trưởng nhà trường trực tiếp can thiệp, nói anh “tạo điều kiện” cho sinh viên ấy đi thi hoa hậu. Anh bạn tôi đã không đồng ý. Thế là xảy ra xung đột. Sau đó, do nhận thấy mối quan hệ cấp trên-cấp dưới “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, anh bạn tôi đã xin chuyển ngành và về lập công ty riêng.

Có cầu ắt có cung. Vì thế rất nhiều cuộc thi hoa hậu diễn ra. Khi có quá nhiều cuộc thi, lại tổ chức không chặt chẽ, chạy theo lợi nhuận tất yếu sẽ cho ra những người đẹp, hoa hậu không xứng đáng, chẳng khác gì nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, cho ra những món hàng kém chất lượng. Tổ chức thi hoa hậu, người đẹp có vẻ như đã trở thành nghề béo bở. Các nhà tổ chức thường là những công ty tư nhân không chỉ kiếm kinh phí từ các thí sinh mà còn kêu gọi tài trợ từ mọi doanh nghiệp, tổ chức. Ví dụ, trong một cuộc thi hoa hậu gần đây, đơn vị tổ chức đã công bố nhận được số tiền tài trợ khoảng 11 tỷ đồng từ các nhà tài trợ chính, chưa kể đến số tiền của các nhà tài trợ vừa và nhỏ. Thực tế hiện nay, yếu tố lợi nhuận và kinh doanh đã chi phối mạnh mẽ các cuộc thi hoa hậu, người đẹp. Một nhà nghiên cứu văn hóa từng phát biểu rằng, các cuộc thi hoa hậu cũng chỉ là sản phẩm thương mại. Người ta cần tạo ra những giá trị thương mại. Nếu dư luận quá kỳ vọng và chạy theo "cơn lốc" do họ tạo ra thì chỉ làm giàu cho họ mà thôi.

Thông thường chỉ cần có đủ hồ sơ đáp ứng mọi điều kiện là các cuộc thi hoa hậu, người đẹp được phép tổ chức. Có vẻ như các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương chỉ quan tâm đến việc tổ chức có đúng quy định hay không, còn chất lượng đầu ra là các hoa hậu thì không ai chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, trong sự việc của hoa hậu Ý Nhi, chưa có bất cứ cơ quan quản lý văn hóa nào lên tiếng. Hiện nay, một trong những "thủ thuật" mà các nhà tổ chức thường lạm dụng là đặt những cái tên cuộc thi hoa hậu sao cho nó gợi, tạo sự hoành tráng và mời những nghệ sĩ, nhà khoa học có uy tín làm giám khảo nhằm thu hút dư luận. Tuy nhiên, quá trình tổ chức xuất hiện tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Điển hình là sau một số lần thi, nhiều hoa hậu không đáp ứng kỳ vọng của dư luận về hình thể và trí tuệ, ứng xử thiếu văn hóa và có những việc làm "ngang tai trái mắt", bị đồn đoán là mua giải khiến dư luận phẫn nộ.

Trên thế giới, việc thi hoa hậu, tuyển chọn người đẹp đã có từ lâu và ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đích thực đạt được, hiện nay có thực tế là một số cuộc thi hoa hậu, người đẹp không còn thực sự hấp dẫn, cho dù các nhà tổ chức luôn có những thay đổi cho phù hợp xu thế. Năm 2002, đã nổ ra các cuộc bạo loạn ở Bắc Kaduna và lan tới thủ đô Abuja của Nigeria để phản đối thi hoa hậu làm 200 người chết và khoảng 3.000 người phải sơ tán để tránh thương vong. Năm 2011, hàng trăm phụ nữ đã giơ biểu ngữ, biểu tình phản đối Miss World nhân dịp cuộc thi này tròn 60 tuổi bên ngoài tòa nhà Earls Court ở thủ đô London, Vương quốc Anh. Năm 2013, khi cuộc thi này được tổ chức tại Indonesia, nhiều phụ nữ, đàn ông đổ xuống đường biểu tình phản đối...

Để hoa hậu không còn là sản phẩm ôi thiu thì vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý cần tham mưu với Chính phủ điều chỉnh lại văn bản pháp lý, hạn chế và tổ chức các cuộc thi chặt chẽ để có được những hoa hậu thực sự đẹp, hội tụ đầy đủ phẩm cách cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Yêu cái đẹp, phải nhận thức sâu sắc về cái đẹp, tôn trọng cái đẹp và ngăn ngừa kịp thời những lời nói, việc làm chưa đẹp!

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển