Dấu tích 7.000 năm

Cho đến nay, Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng) vẫn giữ được hồn cốt của tính nguyên sơ với địa hình núi đá vôi, nhiều hang động. Khung cảnh đầy vẻ bí ẩn thấp thoáng bóng dáng người xưa. Trước mặt là biển lớn, sau lưng có núi được phủ bởi những vạt rừng thưa có suối nước ngọt. Người Việt cổ cư trú tại đây cũng chính bởi những điều kiện lý tưởng đó.

leftcenterrightdel
 Tấm bia - hiện vật duy nhất cho du khách biết vị trí di chỉ Cái Bèo.

Trong các bản đồ cũ, tên đảo Cát Bà đều ghi là đảo Các Bà, phía bên ngoài có đảo nhỏ mang tên Các Ông. Tương truyền, vào thuở bình minh của lịch sử nước ta, các bà bám giữ đảo, làm hậu tuyến cho các ông chống giặc trên các đảo tiền phương.

Năm 1938, nhà khảo cổ người Pháp-bà M.Cô-la-ni (M.Colani) phát hiện di chỉ vịnh Làng Chài ở phía nam đảo Cát Bà. Bà khẳng định, nơi đây là một di chỉ khảo cổ học sau khi tìm thấy những hiện vật như hòn ghè, hòn mài. Mãi tới năm 1973, Nhà nước mới có điều kiện tổ chức khai quật. Ngày nay, di chỉ này mang tên mới-di chỉ Cái Bèo.

Ông Vũ Tiến Bảy, nguyên Trưởng phòng Văn hóa huyện Cát Hải, một người có hơn 30 năm làm công tác văn hóa trên đảo Cát Bà vẫn nhớ như in những lần các nhà khoa học về khảo sát, khai quật những di chỉ khảo cổ trên đảo Cát Bà, trong đó có Cái Bèo.

Ông kể: Cái Bèo đã trải qua nhiều lần khai quật, mỗi lần lại có những phát hiện mới mà ngay các nhà khảo cổ cũng bất ngờ. Ông Bảy nói, ông thật may mắn vì lần nào tiến hành khai quật cũng được tham gia cùng các nhà khoa học. Lần đầu tiên khai quật là năm 1973, có những hiện vật lộ thiên ở trên như hòn ghè, hòn kê, bàn mài, điều đó giúp khẳng định chắc chắn đã có người Việt cổ sống ở đây. Những lần khai quật tiếp theo, các nhà khoa học xác định niên đại của những di vật này khoảng 4.500 năm, thuộc nền văn hóa Hạ Long.

Sau này, đến đợt khai quật vào năm 2009, ông Bảy tiếp tục được tham gia cùng đoàn khảo cổ của Giáo sư Nguyễn Khắc Sử và Bảo tàng Hải Phòng. Lần này, các nhà khoa học phát hiện ở độ sâu 2,6m, ngoài các công cụ ghè đẽo không qua chế tác, xương thú,... còn có bếp của người Việt cổ và những nồi gốm. “Điều đặc biệt là cốt bên trong những chiếc nồi bằng gốm là than. Các nhà khoa học cho rằng, người Việt cổ đã đan khung bằng tre, sau đó phết đất xung quanh. Khi đốt, phần tre bên trong bị cháy, chỉ còn lớp gốm bên ngoài”-ông Bảy nói.

Đặc biệt hơn nữa, khi dùng phương pháp mới để kiểm tra, các nhà khoa học phát hiện văn hóa Cái Bèo không có muộn như văn hóa Hạ Long mà sớm hơn, khoảng 7.000 năm trước...

Bảo tàng Hải Phòng là nơi lưu giữ các hiện vật của di chỉ Cái Bèo sau khi được khai quật, các tư liệu ở đây cho thấy: Đảo Cát Bà có hơn 100 điểm có dấu vết của người Việt cổ. Trong đó, Cái Bèo là di chỉ được khai quật nhiều nhất. Các tầng văn hóa của Cái Bèo thể hiện rất rõ ở mỗi độ sâu, mỗi lớp sạn tương ứng với một thời gian, từng lớp từng lớp, từng tầng văn hóa.

Cái Bèo bị lãng quên?

Hiện tại, Hải Phòng có hai dự án lớn sắp hoàn thành, đó là dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng Lạch Huyện) và Cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện. Dự án Cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nối quận Hải An và huyện Cát Hải, kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Không lâu nữa, sau khi dự án này hoàn thành, cuối tuyến sẽ là cảng nước sâu Lạch Huyện, khu cảng hiện đại với khả năng đón tàu cỡ lớn đến 100 nghìn tấn, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế, góp phần thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Hai dự án trên khi đi vào hoạt động sẽ giúp du khách tới thăm đảo rất thuận lợi, thời gian di chuyển được rút ngắn. Cát Bà sẽ trở thành điểm đón hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Để có thể là một điểm đến ấn tượng, Cát Bà phải tạo cho được dấu ấn riêng của mình. “Toàn đảo Cát Bà là một bảo tàng văn hóa biển Việt Nam, mang đậm dấu ấn lịch sử thuở sơ khai, chúng ta phải tận dụng được lợi thế này”-ông Bảy khẳng định.

Vẫn câu chuyện về Cái Bèo, ông Bảy không khỏi ngậm ngùi. Hơn 30 năm công tác trong ngành văn hóa, bây giờ dù đã nghỉ hưu nhưng tình yêu với huyện đảo, với con người Cát Bà vẫn cháy trong ông. Nỗi day dứt về việc bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa của huyện đảo cứ đeo bám ông mãi.

leftcenterrightdel
 Cái Bèo nhìn từ trên cao.

Ông Bảy nhớ lại, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có lần ra thăm đảo, nói với ông: Cát Bà đúng là Hồng Công thu nhỏ! Ông gạt đi: Không! Cát Bà phải là Cát Bà. Cát Bà phát triển du lịch sinh thái và du lịch khảo cổ học thì sẽ có giá trị rất lớn.

Giọng trầm xuống, ông Bảy nói tiếp, Cát Bà giờ đây xây nhiều nhà cao tầng quá. Nhà ống dần dần lấn sâu vào trong, san biển, phá núi. Vịnh Tùng Dinh xưa là những nếp nhà rất đẹp, nhà sàn cắm cột xuống mặt biển, thuyền đưa mũi vào trong, giờ bê tông hóa tất cả, thành ra na ná những nơi khác. Làng chài cổ Việt Hải xưa là những nếp nhà cổ với kiến trúc đặc thù, nay cũng dần hiện đại hóa. Đó là kiểu làm du lịch ăn xổi.

Ông kể thêm: Có lần mấy chuyên gia người nước ngoài đến thăm đảo. Một người trong số đó đưa ra bức ảnh chụp một ngôi nhà cao “ngất ngưởng” trong một làng cổ và nói: “Các bạn đang đánh mất mình!”.

Cho đến nay, ông Bảy vẫn luôn hy vọng, Cát Bà sẽ dựng lại hiện trường, cảnh sinh hoạt của người Việt cổ tại di chỉ Cái Bèo. Ở đó sẽ giữ nguyên những tầng văn hóa. Khách du lịch có thể xuống tham quan những tầng văn hóa ấy kèm theo các hiện vật minh chứng cho sự tồn tại của người Việt cổ ở Cát Bà. Từ di chỉ Cái Bèo này có thể vươn ra toàn bộ các điểm khác trên đảo. Đây sẽ là nhịp cầu nối thế hệ sau với thế hệ trước, là nơi giao lưu, tìm hiểu của các nhà khoa học, người dân, bạn bè quốc tế.

Tìm đến vị trí di chỉ, chúng tôi không khỏi bất ngờ. “Bác cho hỏi di chỉ Cái Bèo ở chỗ nào?”. “Cái Bèo đây, còn di chỉ thì không biết”-bốn người được hỏi (nhà cách vị trí di chỉ chưa đầy 100m) đều cùng có một câu trả lời. Phải đến người thứ năm, chúng tôi mới nhận được câu trả lời: “Ở cái dốc trên kia kìa”.

“Đấy, có cái bia thôi chứ có gì đâu. Ngày trước họ tới đào bới gì đó rồi họ đi”-gia đình ở đối diện nơi đặt tấm bia “Di tích khảo cổ học Cái Bèo” nói. Chiếc bia nhỏ nằm nép bên vệ đường, bụi mờ phủ kín. Nếu không được chỉ tận mắt, chúng tôi không thể biết đó là vị trí của di chỉ, càng không nghĩ đó lại là di chỉ có ý nghĩa lịch sử giá trị nếu chưa tìm hiểu từ trước. Men theo lối nhỏ vào bên trong là mấy chuồng gà bỏ hoang, cây cối mọc um tùm.

Ông Bảy quan niệm, đã làm du lịch bền vững thì phải đặc biệt quan tâm đến di chỉ văn hóa, đầu tư phải bài bản, sâu sắc. Hiện sản phẩm du lịch Cái Bèo đều là những tua, những món hàng rất mờ nhạt, có thể tìm thấy ở bất kỳ đâu, ở bất kỳ nơi nào. Thử hỏi, ai có thể dửng dưng trước một làng chài cổ, nơi mà các nhà khoa học trong nước, quốc tế đều tìm thấy ở đây dấu ấn của người Việt từ 7.000 năm trước?

Nỗi niềm của ông Bảy chưa thể có câu trả lời thỏa đáng ngay lúc này. Điều đọng lại mãi trong tôi khi đã rời Cái Bèo là vẻ cuốn hút bí ẩn của làng chài đang mang trong mình tầng tầng, lớp lớp trầm tích văn hóa, một sự lôi cuốn đến kỳ lạ!

Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT