Hơn 300 hiện vật, hình ảnh được trưng bày là những dấu tích lịch sử, khơi gợi bao ký ức, niềm tự hào của các thế hệ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, trong đó có nhiều hiện vật, kỷ vật quý, thể hiện những câu chuyện cảm động.

Cây đàn Violon của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Danh (1923-2003) khi tập kết ra Bắc 1954 sử dụng hằng ngày để vơi nỗi nhớ vợ con ở miền Nam. Tấm Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Măng non của Đội Thiếu niên Tiền phong thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cấp cho đội viên Huỳnh Thị Ngọc Khuyến, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tổ chức đưa ra miền Bắc học tập, năm 1972. Đơn xin vào Đảng đề ngày 11-1-1974 của học sinh Lê Thị Thu, Lớp 7C, Trường Học sinh miền Nam số 8 thể hiện khát vọng tuổi trẻ nỗ lực học tập, phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, cống hiến cho quê hương, đất nước...

Anh hùng Lao động Huỳnh Văn Thòn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Học sinh miền Nam, bộc bạch: “Những hiện vật, kỷ vật đánh thức ký ức tự hào của cán bộ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Mỗi chúng ta không được quên hòa bình, thịnh vượng hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao mất mát, hy sinh. Ngày ấy, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được nuôi dưỡng, đào tạo với sự tận tình, chu đáo, trách nhiệm của các thầy, cô giáo, cô chú phục vụ; sự đùm bọc, che chở của chính quyền và nhân dân địa phương”.

leftcenterrightdel

Cựu học sinh miền Nam tham quan hiện vật, kỷ vật lịch sử. 

Năm 1954, thực hiện Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cùng con em từ miền Nam ra miền Bắc tập kết, trong đó nhiều con em cán bộ, gia đình chính sách... là những "hạt giống đỏ" của miền Nam để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Những ngày được học tập trên đất Bắc, thế hệ học sinh miền Nam đã vượt qua bao gian khó, nén chặt nỗi đau thương, mất mát, niềm mong nhớ quê nhà để tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện và trưởng thành.

Sau ngày thống nhất đất nước, những học sinh này tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông Trần Tự Tân, cựu học sinh miền Nam giai đoạn 1954-1975 hồi tưởng: “Khi chúng tôi ra đi đã giơ hai ngón tay lên chào người thân với hy vọng hai năm sau đất nước thống nhất sẽ trở về. Nhưng mãi tới năm 1957, nước nhà vẫn chưa thống nhất, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều anh em nóng lòng muốn bỏ học để về lại miền Nam chiến đấu. Tuy sống ở miền Bắc, nhưng tâm trí của mỗi người đều ở miền Nam. Đồng bào miền Bắc đã nhường cơm, sẻ áo cho chúng tôi. Ân tình đó chúng tôi mãi mãi không quên”.

Mỗi cuộc chia ly, hạnh ngộ nào trong những năm tháng đất nước bị chia cắt, cả dân tộc kháng chiến trường kỳ đều đong đầy những cảm xúc. Những cảm xúc ấy đã biến thành ý chí, nỗ lực của các học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc trong 21 năm (1954-1975). Trong thời kỳ đổi mới đất nước, nhiều "hạt giống đỏ" đã khẳng định tên tuổi của mình trên mặt trận phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Những kỷ vật, hiện vật và những ký ức, sự thành công của học sinh miền Nam từng học tập trên đất Bắc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ khẳng định giá trị, ý nghĩa từ loại hình giáo dục đặc biệt, để lại nhiều bài học quý trong chiến lược "trồng người" của Đảng, Nhà nước ta. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng đánh giá: “Đây là vườn ươm đặc biệt, ươm những hạt giống quý báu vào bậc nhất mà Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và nhân dân miền Bắc đã dành cho miền Nam từ những ngày gian khó”.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG