Underground là gì?
Hiểu theo cách chính xác nhất, underground là phong cách trình diễn, phong cách sáng tác khác rất xa phong cách chính thống (mainstream): Không phát hành CD, không chạy quảng cáo, không tổ chức liveshow hoành tráng… Tất cả hoạt động diễn ra âm thầm, đúng như yếu tố “ngầm” trong cái tên gốc. Các ca sĩ, nhạc sĩ dòng nhạc này thường hoạt động tự do, với nền tảng phổ biến hiện tại là internet.
Những người theo đuổi underground là những người mê âm nhạc, không chịu sự ràng buộc về thương mại, cũng không cần chạy theo những xu hướng của thị trường, không cần phải chạy theo những thị hiếu của khán giả. Vì thế, các nghệ sĩ underground có thể thoải mái sáng tạo nên những sản phẩm của chính mình mà không quan tâm nhiều đến các khuôn phép.
    |
 |
SpaceSpeakers - nhóm nhạc underground hàng đầu làng âm nhạc Việt. Ảnh: KIM ĐIỀN |
Trên thị trường âm nhạc Việt, underground manh nha xuất hiện cách đây khoảng hơn một thập kỷ. Giai đoạn 2000-2009, một vài tên tuổi trong giới underground như: LK, Andree, Kyo, Lil’ Shady, Đinh Tiến Đạt, Phong Đạt… đã bước đầu gây được ảnh hưởng trong giới trẻ. Sang đến năm 2011, dòng nhạc underground có những thay đổi, ngày càng bùng nổ và có sức ảnh hưởng đến gu âm nhạc của giới trẻ. Sự ra đời LadyKillad do rapper LK thành lập cuối năm 2009 đã trình diễn rap, hiphop, tạo được sự chú ý cho truyền thông và người hâm mộ. Những cái tên như BigDaddy, Yanbi, JustaTee, Mr.T, Mr.A… đã giúp cho underground có một chỗ đứng với những bản “hit” gây sốt cộng đồng mạng như: “Imma Heartbreaker”, “Xin anh đừng”, “Người lạ nơi cuối con đường”, “Thu cuối”… Những nghệ sĩ trong giới underground ngày càng được giới truyền thông để mắt tới. Đến thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, underground bắt đầu chiếm lĩnh thị trường âm nhạc với hàng loạt ca khúc như: “Thu cuối” (Yanbi, Mr. T, Hằng Bingboong), “Tình yêu màu nắng” (Big Daddy, Đoàn Thúy Trang), “Nóng” (Big Daddy, Hạnh Sino), “Một nhà” (Da LAB)… Sau đó là những ca khúc như: “Buồn của anh” (K-ICM, Đạt G, Masew), “Mặt trời của em” (Phương Ly, JustaTee), “Cùng anh” (Ngọc Dolil)… bắt đầu áp đảo các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước.
Song song với sự thịnh hành của underground, nhiều gương mặt trẻ bắt đầu tỏa sáng, trở thành những nghệ sĩ được quan tâm trong làng giải trí. Ngoài Hoàng Touliver, JustaTee, đáng nói nhất chính là sự nổi lên của Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn. Đây chính là những cái tên trưởng thành từ giới underground và có hoạt động nghệ thuật nổi bật trong suốt nhiều năm qua. Sau hai ca khúc “Cơn mưa ngang qua” và “Em của ngày hôm qua”, Sơn Tùng M-TP trở thành một hiện tượng khi phá vỡ mọi kỷ lục của làng nhạc Việt với loạt “hit” khủng.
Cùng sự nổi lên của những ca sĩ solo, underground Việt xuất hiện những nhóm nhạc. Trong đó, SpaceSpeakers được xem là nhóm nhạc underground hàng đầu Việt Nam.
Với nền tảng là internet, lại trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ nên không có gì lạ khi underground ngày càng có khán giả. Những trang web: YouTube, Sportify, Itunes, Soundcloud, Zing Mp3… vừa tạo ra không gian riêng ở tầm cá nhân, vừa mở ra khả năng kết nối vô tận, lại hoàn toàn miễn phí đã đặc biệt phù hợp với tính chất vận động của dòng underground.
“Ngọc” chưa nhiều
Theo xu thế hội nhập, thị trường nhạc Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều sắc màu, thể loại khác nhau. Trong dòng chảy đó, không thể phủ nhận sự thịnh hành của dòng nhạc underground trong những năm gần đây. Hơn thế, một số nghệ sĩ underground đã trở thành nhân tố mới, giúp những nghệ sĩ chuyên nghiệp của showbiz Việt thay đổi mình trong các sản phẩm âm nhạc mới mẻ và có chất lượng nghệ thuật hơn. Đó là trường hợp Suboi từng giúp Hồ Ngọc Hà tạo nên bản “My Apology” thú vị, hay Cường Seven góp phần không nhỏ khi xuất hiện bên cạnh Lưu Hương Giang trong ca khúc “Đừng ngoảnh lại”, Big Daddy với sự kết hợp tuyệt vời giúp bản “hit” “Tình yêu màu nắng” của Đoàn Thúy Trang làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc… Không những thế, sự xuất hiện của Anh Khang, Thùy Chi, Hoàng Tôn, Karik, Lynk Lee, Hằng Bingboong, Mr. T, Yanbi, Sơn Tùng M-TP, Thái Trinh... còn đóng vai trò ca sĩ đàng hoàng tại những chương trình ca nhạc lớn hay những gameshow truyền hình thực tế chứ không còn là những nghệ sĩ underground ẩn mình nữa.
Tuy nhiên, cái biển âm nhạc underground, những “viên ngọc lấp lánh” xuất hiện không nhiều, ngược lại, những thứ bị cho là “nhạc bẩn”, “nhạc rác” lại nhan nhản. Không ít những ca khúc đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng mạng chứa đựng vô vàn những ca từ khó có thể chấp nhận. Ngay cả một số ca khúc của nam ca sĩ Karik cũng mang nội dung thô thiển như: “Áo mưa”, “Tao biết”, “Trả giá”… Sự “tự do quá đà” đang khiến underground ngày càng biến chất và bớt dần lượng khán giả, nhất là những người trẻ có lòng tự trọng...
Ranh giới mong manh
Giữa nghệ thuật và phản nghệ thuật vốn tồn tại một ranh giới vô cùng mong manh, nhất là đối với dòng underground. Khi sáng tạo của nghệ sĩ đi ngược lại những chuẩn mực của văn hóa, nền nếp, lối sống sẽ rất dễ gây phản cảm. Trong khi đó, không giống như dòng nhạc chính thống, ở “thế giới ngầm” của mình, không phải tuân theo những quy định gò ép, khuôn mẫu mực thước của nghệ thuật chính thống nên đa số các sáng tác của underground đều chưa bứt thoát được việc “tả thực” cuộc sống đời thường... và khán giả của nó chủ yếu là giới trẻ, va vấp, hiểu biết cuộc sống chưa nhiều...
Tuy nhiên, dù tự do đến đâu, để sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị thực thụ, người sáng tác, người biểu diễn phải đứng trên nền tảng của văn hóa. Tức là họ phải là những người có văn hóa thì mới có thể tạo nên những sản phẩm văn hóa. Bởi khi có văn hóa, chủ thể sáng tạo mới có khả năng nhìn nhận, đánh giá những giá trị để đưa vào tác phẩm. Cụ thể đối với một sản phẩm âm nhạc là: Ca từ và nhạc.
Không phải tất cả nghệ sĩ underground đều thiếu văn hóa. Thậm chí, nhiều người có khả năng tạo nên những tác phẩm âm nhạc tốt, họ là những người có bề dày kiến thức, am hiểu khá sâu về văn hóa-nghệ thuật. Từ đó, họ kết hợp nhuần nhuyễn giữa một phong cách âm nhạc ngoại nhập với văn hóa Việt, đem đến những ca khúc “sạch”. Nhưng đáng tiếc, trong cộng đồng underground Việt hiện tại, tỷ lệ số lượng tác phẩm âm nhạc “có văn hóa” còn khá thấp. Điều đó tất yếu khiến nhiều người yêu nhạc có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với underground.
Vậy nên ứng xử với underground như thế nào?
Trước hết, có lẽ nên coi dòng nhạc này cũng như các dòng nhạc từng du nhập vào Việt Nam một vị trí công bằng. Bởi underground chỉ là một phong cách, một phương tiện là âm nhạc để người ta biểu đạt tâm tính, tri thức, văn hóa của bản thân. Và vì thế, nó hay hay dở tùy thuộc vào người sáng tạo chứ không phải do underground.
Thứ hai, underground là một sân chơi có khả năng phát huy tối đa sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Đây là lợi thế rất lớn so với các kênh âm nhạc chính thống, nơi những nhạc sĩ, ca sĩ dù có tài cũng rất khó tỏa sáng nếu thiếu đi những điều kiện cần thiết. Vì thế, nên ứng xử với underground theo cách khuyến khích và định hướng để nó phát triển, tạo ra thêm nhiều ca khúc tốt, nghệ sĩ tài năng.
Cuối cùng, có lẽ cũng không nên quá lo lắng trước những thứ “nhạc bẩn”, “nhạc rác” đang tồn tại trong cộng đồng underground. Bởi hai lẽ. Thứ nhất, những sản phẩm văn hóa vi phạm các quy định pháp luật sẽ bị pháp luật điều chỉnh. Thứ hai, nghệ thuật mang tính đào thải rất khủng khiếp. Chỉ những sản phẩm nghệ thuật có giá trị thực thụ mới có cơ hội tồn tại lâu dài. Những gì là phản cảm, là dung tục chỉ có khả năng gây xáo động cộng đồng trong ngắn hạn, rồi sẽ nhanh chóng bị lãng quên...
VŨ HOÀI