Với đặc điểm địa lý và điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong lịch sử và cả cho đến thời nay, người Việt luôn phải đối chọi với thiên nhiên và thiên tai khắc nghiệt cùng giặc ngoại xâm. Để đối chọi với khó khăn đó, một trong những biện pháp khả thi mà người Việt áp dụng là tiết kiệm. Tiết kiệm ăn mặc, tiết kiệm chi tiêu... không chỉ phòng khi thiên tai địch họa mà còn phòng lúc già yếu, ốm đau, bệnh tật. Thế nên ý thức tiết kiệm của người Việt hình thành từ sớm. Suy nghĩ ăn bữa nay, dành bữa mai trở thành thói quen thường trực trong nhiều thế hệ người Việt. Chẳng thế mà người Việt đã đúc kết việc tiết kiệm thành ca dao, tục ngữ dễ nhớ, dễ hiểu và truyền miệng từ đời này sang đời khác, như: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", “Ăn phải dành, có phải kiệm”, “Làm khi lành để dành khi đau”, “Còn gạo không biết ăn dè/ Đến khi hết gạo ăn dè chẳng ra”...
Trong lịch sử từ khi lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cho đến nay, có lúc văn hóa tiết kiệm phát triển đến đỉnh cao, lan tỏa, trở thành ý thức thường trực trong mỗi người. Tinh thần tiết kiệm của nhân dân ta thể hiện rõ nhất là ở thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ chống đế quốc Mỹ và trong những năm tháng bị bao vây cấm vận thời bao cấp. Ở những giai đoạn đó, người dân tiết kiệm đến mức thắt lưng buộc bụng để chi viện cho mặt trận, cho tiền tuyến và kháng chiến thắng lợi. Các phong trào tiết kiệm: Hũ gạo nuôi quân, một người làm việc bằng hai... lấn sáng, lấn chiều trong sản xuất hiện diện ở khắp các nhà máy, xí nghiệp, công sở và trong mọi tầng lớp nhân dân.
|
|
Văn hóa tiết kiệm đang bị mai một. Minh họa: MẠNH TIẾN
|
Khi nhắc đến ý thức và văn hóa tiết kiệm, hầu như người Việt nào cũng nhớ đến tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở cương vị công tác cao, được nể trọng và có điều kiện ăn sung mặc sướng, nhưng Bác Hồ kính yêu của chúng ta vẫn giản dị với đôi dép cao su và bộ quần áo kaki bạc màu thời gian. Người đã dành những đồng tiền nhuận bút ít ỏi để bồi dưỡng bộ đội phòng không trực chiến trên nóc nhà cao tầng. Cứ 3 ngày Người lại nhịn một bữa để dành gạo tặng đồng bào, chiến sĩ. Không chỉ chi tiêu tiết kiệm mà Bác còn nổi tiếng bởi tiết kiệm thời gian. Người định nghĩa tiết kiệm hết sức ngắn gọn “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”(1). Theo định nghĩa này, tiết kiệm là sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực để gia tăng sức mạnh toàn diện của đất nước. Người tiết kiệm phải biết cân đối, tính toán các nguồn lực để chi phí bỏ ra nhỏ nhất mà lại đạt được mục tiêu cao nhất theo phương châm “1 giờ làm xong việc của 2, 3 giờ. 1 người làm bằng 2, 3 người. 1 đồng dùng bằng 2, 3 đồng” (2).
Đến hôm nay, những bài học tiết kiệm mà Người chỉ dạy, đặc biệt là tấm gương tiết kiệm của Người vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự rất cao. Đặc biệt, với tầm nhìn xa, tính khái quát cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi tiết kiệm là một trong những phẩm chất làm nên đạo đức của mỗi người, trong đó nổi bật là đạo đức của người cộng sản. Người dạy: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”.
Thời kỳ đổi mới, văn hóa tiết kiệm vẫn được nhiều người trong xã hội xem trọng và duy trì đều đặn, thành nền nếp tốt đẹp. Ví dụ gần đây, xã hội chúng ta có phong trào thắt chặt chi tiêu, tái sử dụng những thứ đồ chuẩn bị bỏ đi. Cuối tháng 3-2023, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2023, cả nước đã tiết kiệm được hơn 298.000kWh, tương đương số tiền khoảng 556,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, trái ngược với văn hóa tiết kiệm đã được xây dựng từ nghìn đời là tình trạng lãng phí, xa hoa đang diễn ra khá phổ biến. Nó hiện diện ở trong mỗi người, mỗi gia đình và thậm chí có lúc thành căn bệnh khó chữa trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và đôi khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ở gia đình, nổi bật nhất là hiện tượng chi tiêu lãng phí vào các vật dụng không cần thiết. Tình trạng chạy đua theo mốt, theo tiện ích, theo hàng hiệu, hàng độc quyền diễn ra khá phổ biến trong các tầng lớp xã hội, đặc biệt là giới trẻ, những người được mệnh danh là “người của công chúng”. Tình trạng đốt vàng mã tràn lan trong ngày rằm, ngày lễ, ngày tết trở thành vấn nạn chưa có lời giải. Hiện tượng sử dụng điện, năng lượng lãng phí gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một ví dụ điển hình gần đây khiến xã hội không khỏi bàng hoàng, xót đau. Cách đây ít ngày, ở TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), cửa hàng tạp hóa của gia đình cậu ruột bạn tôi bị cháy trong đêm. Hậu quả là hai người thiệt mạng và tài sản trị giá khoảng 2 tỷ đồng mất trắng. Bạn tôi cho biết, sau sự việc đó, cơ quan chức năng đã có kết luận, nguyên nhân là do dùng điện quá tải, không tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết trước khi đi ngủ gây chập điện và cháy.
Ở phía tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực công, tình trạng lãng phí xảy ra dưới nhiều góc độ. Có thể lấy rất nhiều ví dụ về hiện tượng không tiết kiệm, lãng phí trong đời sống xã hội. Nổi bật là chi tiếp khách tràn lan đến độ nhiều cơ quan, địa phương phải khất nợ chủ nhà hàng, gây dư luận xấu. Tình trạng phá trụ sở cũ vẫn còn sử dụng tốt để xây trụ sở mới diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng dự án treo, chết yểu và quy hoạch treo gây bức xúc trong dư luận. Chi nhiều tỷ đồng để thực hiện đề tài khoa học, đề tài nghiên cứu nhưng không có tính thực tiễn, hiệu quả không cao. Đặc biệt, tình trạng sử dụng nguồn lực nhà nước (vật tư, phương tiện, nhân lực, tiền, tài nguyên, khoáng sản...) lãng phí giống như những dòng suối nhỏ bị ô nhiễm len lỏi và làm vẩn đục quá trình lãnh đạo, quản lý nhưng chưa có lời giải thấu đáo.
Cách đây hơn một năm, vào ngày 25-4-2022, tại Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chỉ rõ, có 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó là tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản.
Trong nhiều nghị quyết của Đảng, vấn đề tiết kiệm và thực hành tiết kiệm được nêu ra và có những chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí trong lĩnh vực công như căn bệnh trầm kha không có thuốc chữa hữu hiệu, ngày càng có nguy cơ biến thành tiêu cực, tham nhũng. Để ngăn chặn hiện tượng lãng phí, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định chấn chỉnh. Nổi bật là Đảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2007/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Năm 2013, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời và đến nay đã được sửa đổi vào các năm 2017, 2018. Từ đây, tiết kiệm trở thành quy định bắt buộc mọi người dân, tổ chức phải thực thi. Động thái này thể hiện tầm nhìn xa của Đảng, Nhà nước ta. Thêm nữa, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2014/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đã thể hiện sự coi trọng tiết kiệm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta.
Về vấn đề tiết kiệm, tôi cho rằng, đến nay chúng ta đã hội tụ đủ các điều kiện, cả về cơ chế và phong trào cũng như các yếu tố lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, tại sao hiện tượng lãng phí vẫn diễn ra và chưa có tập thể, cá nhân bị xử lý theo luật? Phải chăng, tình trạng có luật nhưng không chấp hành luật là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng vẩn đục văn hóa tiết kiệm.
Một dân tộc đi lên từ gian khó và coi tiết kiệm như là một biện pháp để chống lại thiên tai, giặc giã, biến tiết kiệm trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng sẽ hiểu hơn giá trị của văn hóa tiết kiệm. Trong xã hội hiện đại, ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho dù của cải có làm ra nhiều hơn song tiết kiệm và rộng ra nữa là văn hóa tiết kiệm vẫn sẽ là một biện pháp, một giá trị quan trọng với đời sống của người Việt.
Để phong trào tiết kiệm lan rộng, thấm sâu, là thói quen thường trực trong mỗi người, trước tiên, mỗi cán bộ, đảng viên và công chức trong bộ máy công quyền cần nêu gương thực hành tiết kiệm và chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị mình. Sử dụng có hiệu quả nguồn lực, nguồn tài chính để có lợi cho dân chính là một cách tiết kiệm hiệu quả nhất. Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Nghiên cứu thấu đáo các vấn đề để đưa ra những quyết sách phù hợp, tránh làm đi, làm lại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có như vậy, văn hóa tiết kiệm mới lan tỏa và thấm sâu trong xã hội chúng ta.
Đại tá, TS TRẦN VĂN LỢI
(1), (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.122.