Đạo lý tốt đẹp của người Việt
Với đạo nghĩa "uống nước nhớ nguồn", “ăn quả nhớ người trồng cây”, người Việt, đặc biệt sau khi công thành danh toại, đều một lòng tri ân công lao giáo dưỡng của thầy. “Tôn sư, trọng đạo” là một thành ngữ quen thuộc của người Việt Nam có hàm nghĩa về sự tôn kính người thầy và coi trọng đạo học cũng như đạo lý trong mối quan hệ giữa thầy và trò.
Trong truyền thống của dân tộc ta, thầy, cô giáo được coi là biểu tượng thiêng liêng của đạo học. Người thầy, dù là bậc thái sư trên triều đình hay thầy đồ Nho nơi làng xã, cũng đều được xã hội tôn kính, tín nhiệm trao gửi con em học hành thành tài, được coi là hình mẫu nhân cách để học trò cũng như xã hội noi theo.
Người thầy và đạo học gắn liền với tính mô phạm, khuôn phép, mẫu mực, vì thế người Việt quan niệm “thầy phải ra thầy”, “trò phải ra trò”. Về phía thầy, muốn được học trò tôn kính, phải chuẩn mực trong tri thức, đạo đức, ứng xử, thậm chí phải là “khuôn vàng thước ngọc” để học trò và xã hội noi theo. Về phía trò, phải chăm chỉ học tập, biết ứng xử tôn kính với thầy, từ lời nói đến hành vi đều thực hành theo những tri thức và đạo lý mà thầy đã truyền thụ, nếu bị thầy trách phạt, đánh mắng, thậm chí đuổi khỏi sư môn cũng không dám trách cứ thầy, ngược lại còn coi đó là sự giáo dục nghiêm khắc để nên người, thành đạt. Trong các tội danh, tội “lừa thầy, phản bạn” sẽ bị cộng đồng khinh rẻ, lên án.
Ông cha ta có câu: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Quý trọng người thầy, coi trọng đạo học, từ rất sớm, ông cha ta đã có ý thức về việc mời thầy dạy người, dạy chữ. Chính sử và huyền tích dân gian còn lưu lại nhiều câu chuyện về tinh thần hiếu học của người xưa. Nơi kinh đô, các đấng quân vương, quan lại phong kiến cho mời thầy giỏi về dạy học cho hoàng tử, công chúa, vương tôn, quý tộc. Ở làng xã dân gian, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em đi học, hệ thống trường lớp cũng thiếu thốn, thầy giáo cũng không nhiều, vì thế, chỉ có một số gia đình khá giả mời thầy đến nhà dạy học, còn phần lớn thì học trò tự đến nhà thầy, có khi phải khăn gói lặn lội đường xa cũng không quản ngại.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn gắn liền với lịch sử văn hiến, trong đó phải kể đến sự đóng góp thầm lặng của những bậc “sư biểu” đạo cao đức trọng: Thời Hùng Vương có thầy Lang, cô Thục; thời Trần có thầy Chu Văn An; thời Lê có thầy Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn; thời Nguyễn có thầy Cao Bá Quát, Nguyễn Thị Hinh, Nguyễn Đình Chiểu. Sau này có các nhà giáo Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành, Đặng Thai Mai... Với tài năng nổi trội, đạo đức chuẩn mực và tâm huyết trong đào tạo nhân tài, họ là những nhà giáo dục vĩ đại, có những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục nước nhà và được sử sách lưu danh.
Tinh thần coi trọng chữ nghĩa của người Việt trở thành giá trị lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội. Có lẽ vì thế, đi khắp mọi miền đất nước, ta bắt gặp rất nhiều công trình kiến trúc, đền thờ, miếu, nghè, văn bia ghi danh công trạng... Đó là những biểu tượng văn hóa, những yếu tố ngoại hiện cho tinh thần trọng hiếu học của người Việt. Chẳng hạn như: Vùng Đất Tổ Phú Thọ có Thiên Cổ Miếu (được coi là đền thờ sự học đầu tiên của người Việt), mảnh đất Thăng Long-Hà Nội có Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thờ thầy Chu Văn An-"Vạn thế sư biểu" và 82 bia tiến sĩ lưu danh các bậc hiền tài của đất nước; ở Chí Linh (Hải Dương) cũng có Đền thờ nhà giáo Chu Văn An; ở nhiều tỉnh, thành phố khác như: Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Vĩnh Long... đều có Văn Thánh Miếu-công trình được xây dựng nhằm đề cao việc học, coi trọng hiền tài trong lịch sử nước ta...
Gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc
Ngày nay, truyền thống “tôn sư, trọng đạo” vẫn tiếp tục được kế thừa với những giá trị cốt lõi, người thầy vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong xã hội. Mặc dù với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhưng vị trí, vai trò của người thầy vẫn không thể thay thế. Bởi lẽ, dù máy móc và công nghệ có thể giúp cho việc dạy học trở nên thuận tiện và hiện đại hơn, nhưng vai trò tổ chức, quản lý, định hướng, dẫn dắt, đồng hành, sẻ chia tri thức, hình thành nhân cách thì người thầy vẫn phải là chủ đạo, cũng như con người luôn là chủ thể của đời sống xã hội và văn hóa.
Thời kỳ mở cửa đổi mới, hoàn cảnh kinh tế, xã hội thay đổi kéo theo sự biến đổi về văn hóa. Trong xã hội ngày nay, mối quan hệ, ứng xử thầy-trò không còn bị ràng buộc bởi giáo lý nghiêm ngặt như xưa, quan hệ giữa thầy và trò không còn xa cách mà trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Tuy nhiên, sự gần gũi, bình đẳng có lúc thái quá sẽ gây ra nhiều bất cập.
Những năm gần đây, có không ít hiện tượng tiêu cực trong môi trường học đường, trong quan hệ thầy-trò đã xảy ra nhiều câu chuyện buồn khiến dư luận hoang mang. Có những người thầy thiếu chuẩn mực, vi phạm phẩm chất đạo đức, văn hóa ứng xử của nhà giáo, như: Chửi mắng, xúc phạm thân thể và tinh thần của người học, gây phiền hà tới phụ huynh, cá biệt có những thầy cô tắc trách trong quản lý tới mức nguy hại đến cả tính mạng học sinh...
Về phía người học, cũng có những học trò bất kính, thiếu tôn trọng thầy cô, thậm chí hành hung thầy cô, như: Học sinh bóp cổ cô giáo, chặn đường đánh thầy, ném dép vào cô ngay trên lớp học...
Một số phụ huynh lạm quyền dân chủ, can thiệp sâu vào hoạt động giáo dục của nhà trường, làm ảnh hưởng đến uy tín và xúc phạm danh dự của nhà giáo. Hiện trạng đó đi ngược lại với truyền thống “tôn sư, trọng đạo”, là hồi chuông cảnh báo về sự non kém trong nhận thức, sự xuống cấp về đạo đức, sự vô cảm trong tâm hồn của một bộ phận người dân thời kinh tế thị trường, gây ô nhiễm môi trường văn hóa học đường và xã hội.
“Tôn sư, trọng đạo” là đạo lý, là văn hóa cần được giữ gìn, phát huy trong đời sống dân tộc Việt Nam, bởi lẽ, nói như bậc “vạn thế sư biểu” Chu Văn An: “Ta chưa từng thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”.
Trong bối cảnh hiện nay, để giữ gìn, phát huy và phát triển văn hóa “tôn sư, trọng đạo”, cần phải có sự nhận thức đúng và hành động đúng; cần có sự chung tay góp sức của nhiều chủ thể, từ gia đình đến nhà trường và xã hội, từ thầy, trò đến phụ huynh và các bên liên quan.
Người thầy, trong xã hội tri thức và sự phát triển của khoa học-công nghệ, bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục và đào tạo, cần có sự thích nghi, thay đổi cho phù hợp. Đòi hỏi của người học ngày càng cao, bản thân người học cũng có nhiều cách thức và cơ hội để tiếp nhận và phát triển về tri thức, kỹ năng, do đó người thầy càng luôn phải trau dồi đạo đức, nhân cách, đồng thời không ngừng học tập để hoàn thiện và đổi mới về tri thức, kỹ năng, phương pháp dạy học... nếu không, sẽ khó nắm bắt tâm lý, tư duy nhạy bén của giới trẻ trong thời đại công nghệ mới, tự mình phá vỡ hình ảnh cao quý của nhà giáo.
Người học hôm nay có nhiều cơ hội để phát triển và khẳng định bản thân, nhưng không vì thế mà kiêu căng, bất kính với thầy. Bởi lẽ, thầy không chỉ là người tiên phong, là biểu tượng cho trí tuệ, đạo đức mà còn là người gieo mầm tri thức, trao truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa vào trong tâm thức, tư duy và nhân cách của mỗi học trò, khơi dậy trong mỗi trò lòng hiếu học, cũng như thắp sáng những ước mơ, hoài bão để trò có thể tỏa sáng trong tương lai. Vì thế, ngày nay, đặc biệt trước yêu cầu của thời đại tri thức, công cuộc hội nhập, trò càng cần coi trọng sự học, càng cần phải kính trọng thầy. Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giáo dục, đào tạo, trọng dụng nhân tài. Giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu để ổn định xã hội, phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền và vững tin trên con đường hội nhập, bước ra đại dương tri thức của nhân loại.
TS NGHIÊM THỊ THU NGA