Trên mọi tuyến xe buýt đều có quy định “nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai, người tàn tật, trẻ em”... Nội quy này thường được in trên tấm bảng, cỡ chữ to, gắn ở vị trí mà mọi người khi bước lên xe buýt đều đọc được. Đại đa số hành khách đều thực hiện đúng quy định này. Nhiều người đã tự giác đứng dậy rất nhanh nhường ghế với thái độ thoải mái, vui vẻ khi gặp các đối tượng ưu tiên đó.

leftcenterrightdel
Xe buýt Hà Nội. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

Thế nhưng, trên thực tế vẫn có rất nhiều nam nữ thanh niên chưa có ý thức tự giác, chủ động nhường ghế cho người già, trẻ em... Có trường hợp phải đợi đến khi nhân viên bán vé, hoặc người khác nhắc nhở mới chịu đứng lên. Một lần, tôi đi trên tuyến xe khá đông, nhân viên bán vé đang mải làm nhiệm vụ nên không để ý tới hai cụ già phải đứng ở giữa xe. Trong khi đó, rất nhiều người trẻ vẫn thản nhiên ngồi ghế mà không hề bận tâm tới hai đối tượng cần ưu tiên đặc biệt đó. Tôi đành nhắc nhở hai người phụ nữ (chừng ngoài 30 tuổi) đứng dậy để nhường ghế cho các cụ. Lúc ấy họ buộc phải đứng dậy nhưng thái độ không hề thoải mái. Suốt cả hành trình của chuyến xe hôm đó, một trong hai người phụ nữ mà tôi nhắc cứ nhìn tôi với ánh mắt tức giận.

Cũng có những hành khách cố tình “lờ” đi chuyện phải nhường ghế cho đối tượng ưu tiên, giả vờ gục đầu xuống thành ghế ngủ hoặc tỏ ra là đang say xe... để không phải nhường ghế. Đó là lý do khiến không ít người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai... nhiều khi phải rất vất vả mới tìm được ghế ngồi trên những tuyến xe buýt đông khách.

Ngược lại, về phía đối tượng khách được ưu tiên cũng có cách ứng xử chưa đúng mực trên xe buýt. Đó là khi được người khác nhường ghế, câu tối thiểu nhất mà người ta có thể nói là: “Cảm ơn!”. Nếu ai cũng biết nói lời cảm ơn khi được nhường ghế thì sẽ chẳng có chuyện gì để bàn. Vậy nhưng, quá nhiều người, chẳng biết do vô tình hay không có “thói quen” nói câu cảm ơn như vậy, nên khi được nhường ghế lại không bày tỏ ý kiến gì, khiến người nhường ghế đôi khi cảm thấy hơi hụt hẫng. Vẫn biết đối tượng ưu tiên cần được nhường ghế, nhưng giá mà họ có những lời nói dễ chịu, cảm ơn kèm theo nụ cười thân thiện khi được người khác nhường ghế thì hay biết mấy!

Bên cạnh đó, cũng có đối tượng “trẻ chưa qua, già chưa tới” nổi khùng trên xe buýt khi không được nhường ghế. Họ buông những câu bâng quơ với giọng điệu bực tức: “Chẳng còn ai lịch sự nữa sao?”, “Ý thức của người trẻ bây giờ quá kém”, hay “Đứng hết bến thế này, chắc chết”...

Chuyện nhường ghế chỉ là một phần văn hóa ứng xử trên xe buýt nói riêng và văn hóa ứng xử nơi công cộng nói chung của người Hà Nội. Thiết nghĩ, mọi hành khách đi xe buýt, kể cả các đối tượng khách phải nhường ghế, cũng như được nhường ghế, hãy làm sao xử sự với nhau thật hợp tình, hợp lý, lịch sự và có văn hóa.   

NGUYỄN THỊ LOAN