QĐND - Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, trong cái nắng tháng Giêng còn se sắt lạnh đã óng vàng như tơ vừa bung khỏi kén, làng Vạn Phúc rộn rã tiếng thoi đưa và tấp nập khách thập phương đổ về tham quan, mua lụa…
Kể từ khi còn là ấp Vạn Bảo hoang sơ nằm bên bờ sông Nhuệ, được bà A Lã Đê Nương là vợ của quan Thái thú Cao Biền về khai khẩn, mộ dân và truyền dạy nghề dệt đến nay, ngôi làng cổ thuộc quận Hà Đông (cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km) này đã có hơn một nghìn năm tuổi (cái tên Vạn Phúc ra đời từ thời Nguyễn, do kỵ chữ “Bảo” trong tên húy “Bảo/Bửu Lân” của vua Thành Thái). Đây là quê hương của thứ lụa mượt mà, óng ả mà người ta, dẫu có chưa được nhìn tận mắt, sờ tận tay thì vẫn có thể tưởng tượng được nhờ câu hát phổ thơ Nguyên Sa nổi tiếng: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông. Ấy chính là lụa Vân, đặc sắc nhất trong các sản phẩm lụa cổ truyền của Vạn Phúc bởi sự mỏng mịn, mềm mại như làn mây, hoa văn tinh xảo; là thứ lụa tuyệt phẩm khi may thành trang phục sẽ mang lại vẻ trang nhã mà quý phái, thanh thoát mà bền đẹp, mặc hè thì mát, mặc đông thì ấm...
|
Nghệ nhân dệt lụa làng Vạn Phúc
|
Từ xa xưa, lụa đã là niềm tự hào của người dân Vạn Phúc nói riêng, Hà Đông nói chung. Trong thời kỳ Bắc thuộc và trải suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam, lụa Vạn Phúc luôn có mặt trong những chuyến hàng cống phẩm của nước Việt cho vua chúa các triều đại Trung Quốc. Dưới triều Nguyễn, lụa cùng các phụ phẩm khác như sa, gấm, đũi của Vạn Phúc được lựa chọn để may quốc phục cho hoàng triều. Đến thời Pháp thuộc, lụa Vạn Phúc đã gây được tiếng vang lớn khi được trao giải cao tại hội chợ kinh tế Mác-xây (Pháp) vào các năm 1931, 1932, 1937, được người Pháp đánh giá là sản phẩm “Đệ Nhất tinh xảo Đông Dương”. Bấy giờ, chỉ bằng những khung cửi thô sơ, những súc lụa tơ tằm dưới bàn tay tài khéo của các nghệ nhân Vạn Phúc đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng của cả giới thượng lưu khi đó. Trải bao thăng trầm, vượt qua cả thời kỳ khủng hoảng nhất tưởng đến độ bị mai một nghề vào những năm trước thập kỷ 90, đến nay, lụa Vạn Phúc đã và đang từng bước lấy lại thương hiệu xưa của mình để trở thành “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay” (theo quyết định xác nhận của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam vào tháng 3 năm 2014). Máy móc, kỹ thuật không ngừng được cải tiến, nhưng chất lượng và hồn cốt trong từng thớ lụa vẫn được giữ gìn. Chỉ băn khoăn là, hiện tại số người làm ra được lụa Vân chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Liệu mai này, khi các nghệ nhân cao tuổi và tâm huyết với nghề cổ không còn nữa, kỹ nghệ làm nên thứ lụa đặc sắc này liệu có bị thất truyền…
|
Cổng làng Vạn Phúc
|
Không chỉ có lụa, Vạn Phúc còn là làng cổ, làng cách mạng với rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử được Nhà nước xếp hạng. Đình làng Vạn Phúc và ngay cạnh đó là ngôi miếu cổ thờ đức Thành hoàng A Lã Đê Nương đều đã có hơn 1.100 năm tuổi, hiện còn lưu giữ được một khung cửi cổ, rất nhiều sắc phong của các triều đại cùng những đồ thờ tự quý hiếm. Cụm di tích này nằm trong một vườn cây xanh rậm rì, có cả những gốc đại thụ hơn 1000 năm tuổi, năm 2012 đã được Hội Cây di sản Việt Nam gắn biển công nhận quần thể cây di sản. Chùa và giếng cổ Vạn Phúc còn lâu đời hơn cả đình, miếu, bởi có mặt trước cả khi đức Thành hoàng về làng, như trong thần phả còn ghi rõ.
Đặc biệt, nói đến Vạn Phúc không thể không nhắc tới bề dày truyền thống cách mạng, khi ngay từ thời kỳ đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền, đây đã là một trong những cơ sở vững mạnh nhất trong An toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ. Nhà các cụ Nguyễn Quang, Ba Niệm, Bính Thu… đã là nơi nuôi giấu và bảo vệ an toàn các cán bộ lãnh đạo của Đảng như các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh… Và nổi tiếng nhất là ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương, nơi đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở và làm việc từ ngày 3-12 đến ngày 19-12-1946.
|
Biển di tích miếu Vạn Phúc
|
Thời gian này, tại đây đã diễn ra các cuộc họp bàn giữa Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ, giải quyết những nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Đặc biệt, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Bác đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hội nghị đã vạch ra những đường lối, phương châm cơ bản của kháng chiến, thể hiện trong Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Đảng; đồng thời thông qua văn kiện “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” do Bác trực tiếp soạn thảo tại chính ngôi nhà này… Hiện tại, ngôi nhà ba gian, hai tầng tròn 80 năm tuổi này đã được gia đình, con cháu cụ Dương hiến tặng cho Nhà nước, trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ, với các đồ vật gắn bó với Bác còn được lưu giữ gần như nguyên trạng.
Với những giá trị văn hóa lịch sử và cách mạng tiêu biểu của một làng nghề cổ, Vạn Phúc là một trong những địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Thủ đô. Tin rằng, đây là điểm đến thú vị dành cho những tâm hồn yêu nét đẹp xưa cũ ghé thăm và trải nghiệm, không chỉ một lần…
Bài và ảnh: LAM BÌNH