Theo nghiên cứu của tôi, dù tổ chức ở giai đoạn sơ khai hay hiện đại thì bên cạnh nhân tố chính trị, tinh thần, bao giờ kỷ luật cũng được chú trọng, đóng vai trò xuyên suốt các hoạt động của Quân đội. Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, kỷ luật trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam được hình thành trên sự giáo dục thường xuyên, liên tục, kỹ lưỡng, nghiêm minh, tự giác và đã trở thành truyền thống quý báu, nét đẹp văn hóa tiêu biểu. Đó là những quy định mà mọi cá nhân, tập thể trong Quân đội phải thực hiện.

Nói kỷ luật Quân đội nghiêm minh là vì mọi quy định được phổ biến tới mọi đối tượng trong các cơ quan, đơn vị để cá nhân, tập thể hiểu rõ, nắm vững và đều phải tuyệt đối chấp hành. Nếu vi phạm bất cứ quy định nào đều bị xử lý tùy theo mức độ, tính chất, hậu quả, không kể là ai.

Nói kỷ luật Quân đội là tự giác vì sau khi được giáo dục, kỷ luật thấm sâu, theo vào cả trong giấc ngủ, trong suy nghĩ, trong từng bữa ăn, trong lời nói của quân nhân. Nó phát triển trở thành thói quen thường trực khi thực hiện nhiệm vụ, trong tiếp xúc với đồng đội, cấp trên, cấp dưới, đồng cấp và với nhân dân...

leftcenterrightdel

Diễu binh trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-2024) thể hiện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: GIANG HUY 

Kỷ luật Quân đội được thể hiện rõ nhất trong hành động. Đó có thể là kỷ luật trong sử dụng vũ khí, như không được hướng súng về đồng đội khi huấn luyện; khi nào được bắn và sẽ bắn vào đối tượng nào. Đó là kỷ luật giữ bí mật thông tin trong tác chiến quân sự, kể cả trong huấn luyện và trong chiến đấu, như: Giờ nổ súng, vị trí hướng chính diện, hướng thứ yếu, các ký hiệu, tín hiệu hiệp đồng. Đó là kỷ luật trong tiếp xúc với nhân dân, mỗi quân nhân phải tuân thủ nguyên tắc “không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân” hoặc “kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ”. Đó là kỷ luật trong đối xử với tù, hàng binh trên tinh thần tôn trọng công ước quốc tế và quyền con người.

Kỷ luật nghiêm khắc của Quân đội chính là một trong những nguồn gốc tạo ra tinh thần đoàn kết trong xây dựng con người, tổ chức và lực lượng. Đó là cách tốt nhất bảo đảm cho cá nhân, tập thể hoạt động, hành động thống nhất, tập trung, nhanh chóng, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn, giảm đến mức thấp nhất tổn thất, thiệt hại trong tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể trong mọi tình huống chiến đấu phức tạp.

Với mỗi quân nhân trong QĐND Việt Nam, nếu vi phạm kỷ luật thì sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc. Thời tôi mới bước vào huấn luyện chiến sĩ mới ở Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 thuộc Quân khu 4 hiện nay, để giáo dục ý thức kỷ luật, một cán bộ cấp tiểu đoàn kể lại cho chiến sĩ mới chúng tôi câu chuyện thế này. Khi huấn luyện bắn cối 60mm, chẳng hiểu thế nào mà đồng chí nạp đạn đã thả đầu quả đạn vào nòng cối thay vì thả đuôi xuống trước như quy định. Đồng chí khẩu đội trưởng lao tới, chụp hai bàn tay cầm quả đạn của đồng chí kia tại miệng nòng, khiến quả đạn không thể rơi xuống, chạm vào đế cối. Bởi nếu không có hành động đó, nếu là đạn thật, khi nạp sai, đầu đạn cối (một loại đạn chạm nổ) rơi vào đế cối thì chắc chắn đạn nổ, cả khẩu đội hy sinh. Sau vụ việc, dù chưa có hậu quả nhưng chiến sĩ kia vẫn bị kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc trước tập thể. Đây là bài học cực kỳ rõ ràng về giáo dục, rèn luyện người lính trong chấp hành kỷ luật.

Trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, tôi thấy tính kỷ luật trong cách hành xử của QĐND Việt Nam rất cao. Suốt những năm tháng ở nước bạn, tôi chỉ thấy sự gắn bó giữa QĐND Việt Nam với chính quyền, nhân dân Campuchia là sự giúp đỡ. Không chỉ giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng mà nhiều đồng chí cán bộ của ta còn giúp đào tạo, bồi dưỡng và củng cố, xây dựng chính quyền cơ sở. Giúp người dân Campuchia từ viên thuốc đến thực phẩm.

Đến nay, tôi vẫn tự hào về thời gian làm Trợ lý hậu cần Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ tại Campuchia giữa thập niên 1980. Khi thấy bộ đội mặt trận thiếu thốn, nhưng sẵn sàng chia sẻ khẩu phần ăn ít ỏi với người dân Campuchia đói khổ, vừa thoát khỏi nạn diệt chủng thì tôi nghĩ đến trách nhiệm của mình trong chấp hành kỷ luật. Đây chính là động lực để tôi bảo quản hàng tốt hơn, đưa đến tận tay bộ đội ngoài trận địa theo đúng lời Bác Hồ đã dạy: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng tới chiến sĩ. Đó là bổn phận của các chú”.

Hiện nay, dù đã về nghỉ nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh của QĐND Việt Nam. Tôi thấy mình hạnh phúc vì đã góp phần công sức nhỏ bé để làm đẹp thêm danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội nhà Phật. Đến nay, qua khảo sát, tôi rất mừng khi nhiều bạn trẻ đều có chung sự thán phục về ý chí, nghị lực, bản lĩnh và phẩm chất kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ. Có bạn trẻ đã nói với tôi rằng, nếu rơi vào hoàn cảnh các cụ, chúng cháu khó mà vượt qua.

Tôi nói với họ, ai cũng có thể vượt qua được những thử thách, cho dù đó là khó khăn khắc nghiệt nhất. Bởi nếu đặt cả ý chí, nghị lực, tinh thần, sức khỏe, niềm tin vào việc đó thì đều làm được. Họ hỏi tôi có bí quyết gì? Tôi trả lời rằng, hồi mới nhập ngũ, trước khi đi ngủ, bao giờ tôi cũng đọc bài thơ “Văn thung mễ thanh” (Nghe tiếng giã gạo), được Bác Hồ sáng tác vào những năm 40 của thế kỷ trước, in trong cuốn “Ngục trung nhật ký”:

“Mễ bị thung thời, hẩn thống khổ,

Ký thung chi hậu, bạch như miên;

Nhân sinh tại thế dã giá dạng,

Khốn nạn thị nhĩ ngọc thành thiên”.

Dịch thơ:

 “Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông.

Sống ở trên đời người cũng vậy:

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Tôi cho rằng, để danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội nhà Phật xứng đáng là tài sản văn hóa tinh thần, một tinh túy trong văn hóa quân sự Việt Nam và văn hóa nước nhà thì ngoài việc xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, tiên quyết là làm tốt hơn nữa vấn đề dân chủ kỷ luật từ cơ sở. Bởi trong giai đoạn hiện nay, dù thời bình nhưng mỗi quân nhân phải chịu không ít áp lực, có thể ảnh hưởng đến động cơ, mục đích phấn đấu. Những áp lực ấy đến từ nhiều phía, đó không chỉ là áp lực về công việc, về cuộc sống gia đình mà đó còn là những nhu cầu về thời gian, nhu cầu về sự hiểu biết, hưởng thụ văn hóa... Nếu những nhu cầu ấy không được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, chăm lo, giải quyết thấu đáo thì dễ trở thành nguyên nhân khiến động lực phấn đấu, chấp hành kỷ luật của quân nhân bị mai một. Đây cũng là nguy cơ mà nếu chúng ta không thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết kịp thời thì có thể khiến những giá trị tinh túy và đẹp đẽ nhất trong danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội nhà Phật mờ nhạt theo thời gian.

Trung tướng TRẦN QUANG TRUNG, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị