QĐND - Vì sao lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài? Dựa vào những nguồn tư liệu lịch sử tin cậy và các nhân chứng sống, chúng ta có đủ điều kiện khẳng định tính chính xác trong quyết định lịch sử này.
75 năm trước, vào ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng một số cán bộ thân cận từ nước ngoài trở về Pác Bó, một bản biên giới thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng).
Trước đó, từ cuối năm 1940, tình hình trong nước bắt đầu những ngày cách mạng sục sôi, tình thế cách mạng phát triển thuận lợi, khởi nghĩa giành chính quyền đã trở thành khả năng thực tế. Trong năm, nước ta bùng nổ ba cuộc khởi nghĩa: Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. Các cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng Đảng ta đã rút ra được nhiều bài học quý về tổ chức và chỉ đạo đấu tranh vũ trang. Thời gian này cũng là lúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã bùng nổ, chính phủ Pháp “chính quốc” tham chiến chưa lâu đã đầu hàng làm tay sai cho phát-xít Đức. Ở Đông Dương, chúng mở cửa rước quân Nhật vào, nhân dân ta lâm vào nạn “một cổ hai tròng”. Trước tình hình cấp bách đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi đến quyết định sẽ về hẳn trong nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi đến quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng lúc đó đã có một quá trình vận động, tạo nên các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành địa điểm được chọn. Từ cuối tháng 2-1940, được tin Bác về đến Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc), Trung ương Đảng cử một số cán bộ như: Phạm Văn Đồng (bí danh là Lâm Bá Kiệt), Võ Nguyên Giáp (bí danh là Dương Hoài Nam), Đặng Văn Cáp (bí danh là Đặng Văn Linh), Hoàng Văn Lộc và một số đồng chí khác sang Trung Quốc để báo cáo tình hình trong nước và xin chỉ thị của Người. Sau gần 3 tháng, đến tháng 5-1940, đồng chí Phùng Chí Kiên dẫn đồng chí Đặng Văn Cáp đến Côn Minh gặp Bác. Sau khi trao đổi, Bác đồng ý phương án về nước bằng đường Côn Minh-Lào Cai, qua huyện Khai Viễn. Bác phái hai cán bộ về Hồ Kiều (một thị trấn của tỉnh Vân Nam sát địa phận tỉnh Lào Cai nước ta) để thăm dò đường sá. Nhưng cuối tháng 6-1940 xảy ra sự kiện quân Nhật ném bom khiến đường giao thông Côn Minh-Lào Cai bị tắc nghẽn. Bác đi kiểm tra tình hình thì thấy phong trào cách mạng của quần chúng ở khu vực giáp biên này chưa cao, nên đề nghị các đồng chí trong đoàn tìm hướng khác. Đầu tháng 1-1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng từ Việt Nam sang Tĩnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Bác, đề nghị Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua lối Cao Bằng, vì trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân dọc biên giới tương đối cao và đội ngũ cán bộ ở đây khá vững vàng.
|
Bác Hồ về nước. Ảnh tư liệu chụp tranh của họa sĩ TRỊNH PHÒNG
|
Lắng nghe ý kiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bác Hồ nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi; nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào giữa Thái Nguyên với toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.
Từ nhận định đó, ngày 6-1-1941, Bác Hồ cùng các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp... được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường về bản Nậm Quang (Tĩnh Tây, Trung Quốc). Tại đây, Bác đã mở lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho hơn 40 cán bộ từ trong nước cử sang. Lớp học kết thúc, Người quyết định đi qua cột mốc biên giới số 108 về Pác Bó (Cao Bằng). Để chắc chắn, đoàn cán bộ về nước chia làm ba nhóm. Hai nhóm về trước nắm tình hình địch và tổ chức khảo sát đường đi. Ngay khi hai nhóm này lên đường thì nhóm thứ ba, trực tiếp bảo vệ Bác cũng đi về bản Nậm Tẩy (Quảng Tây, Trung Quốc) để chờ tin, sẵn sàng xuất phát khi điều kiện thuận lợi.
Sáng sớm 28-1-1941, tức ngày Mồng Hai Tết Tân Tỵ, cả đoàn xuất phát từ bản Nậm Quang. Sau 8 giờ đi đường, khoảng 12 giờ trưa thì đến dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc số 108 trên biên giới Việt-Trung, thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng)…
Ở thôn Pác Bó hiện nay vẫn còn đại gia đình bà Hoàng Thị Hoa, gia đình đã nuôi dưỡng và tham gia bảo vệ Bác Hồ trong thời gian Người ở Pác Bó. Lúc đó, bà Hoa cùng hai em mình là Hoàng Thị Khìn và Hoàng Thị Bách là những thanh niên mới lớn. Theo lời bà Hoàng Thị Bách kể: “Về sau này, chúng tôi mới biết Già Thu chính là Bác Hồ, chứ ngày đó không hề biết. Ban đầu, Bác đến ở gia đình ông Máy Lỳ, rất xa nhà tôi, gần hang Cốc Bó bây giờ”.
Ông Máy Lỳ, tên thật là Lý Quốc Súng, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng tin cậy mà đồng chí Hoàng Đình Giong đã dày công giác ngộ. Nhà ông Máy Lỳ là địa điểm thường được Trung ương Đảng chọn làm nơi hội họp và trạm dừng chân cho cán bộ đi công tác qua lại. Hiện nền nhà ông Máy Lỳ đã được công nhận là Di tích lịch sử trong Quần thể di tích Pác Bó. Khách đến thăm hang Cốc Bó, chỉ cần rẽ trái chếch vài trăm mét trước cửa hang thì sẽ thấy nền nhà.
Ở nhà ông Máy Lỳ ít hôm, Bác nhận thấy đoàn cán bộ đông mà nhà ông thì chật. Hơn nữa, vấn đề bí mật, an toàn trong hoạt động cũng chưa thật bảo đảm nên ngỏ ý chuyển đi. Biết ý Bác, ông Máy Lỳ liền nói: “Ở trên núi có một cái hang rộng, tôi vẫn thường giấu của quý trên đó để tránh bọn Tây vào ăn cướp. Hay Cụ và các cán bộ vào đó ở”. Bác kiểm tra, thấy rất ưng ý nên cùng đoàn cán bộ chuyển vào làm việc trong hang Cốc Bó. Ngày vào hang, Bác đã khắc chữ, đánh dấu ngày 8-2-1941. Chính vì thế mà trước đây, có một số tài liệu nhầm đó là ngày Bác về nước.
Hang Cốc Bó là đầu nguồn nước, nơi ấy có dòng suối lớn, nước trong vắt, thoát ra từ hang núi đá lớn. Trước đó, dân làng gọi là suối Giàng. Bác cùng các đồng chí cán bộ đổi tên là suối Lê-nin. Phía trên hang đá Bác ở là một ngọn núi đá cao, Bác đặt tên là núi Các Mác. Đồng chí Đặng Văn Cáp, người “bác sĩ kiêm vệ sĩ” luôn đi bên cạnh Bác, tức cảnh làm một bài thơ: Suối Lê-nin cuồn cuộn/ Từ núi Mác chảy ra/ Suốt ngày đêm chẳng dứt/ Tưới khắp cả gần xa. Bác đã họa lại, thành bài thơ nổi tiếng: Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là/ Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/ Hai tay xây dựng một sơn hà.
Khi Bác về Pác Bó, đời sống người dân châu Hà Quảng lúc đó vô cùng cực khổ, lương thực chủ yếu chỉ là ngô. Có những gia đình thiếu đói, vào những ngày giáp hạt phải vào rừng để đào củ mài kiếm sống qua ngày. Có người vào rừng đào củ mài, đào chưa xong thì đã chết gục bên hố. Lại có những gia đình bốn đời truyền nhau một tấm áo chàm, miếng vá nọ chồng lên miếng vá kia, đến khi nhìn lại thì không còn nhận ra đâu là miếng vải may từ lúc đầu tiên nữa. Khó khăn đủ bề, lại sống dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến, nhưng người dân Pác Bó đã hướng về cách mạng và bảo vệ Già Thu-người mà dân làng cũng chỉ biết đó là một cán bộ cách mạng cấp cao. Có lần, giặc Pháp dẫn lính dõng về bao vây Pác Bó vì nghi là có cộng sản nằm vùng. Chị dâu của đồng chí Dương Đại Lâm, một thanh niên ở làng Pác Bó được Bác Hồ giác ngộ, đã mưu trí đi đường tắt đến báo để Bác và các cán bộ rút lui an toàn. Quân Pháp rất tức tối, vì bao lần càn vào Pác Bó mà không hề phát hiện được dấu vết cán bộ. Để thị uy, chúng bắt được một tên thổ phỉ bèn giết đi, bêu đầu và rêu rao đó là đầu cán bộ bắt được ở Pác Bó. Dân làng đã kéo đến tận nơi xem, biết đó là tên thổ phỉ nên đã tổ chức tuyên truyền cho dân làng yên tâm.
Thấu hiểu tấm lòng cũng như nỗi khổ của đồng bào, tại hang Cốc Bó, Bác Hồ tự sắp xếp nơi nằm nghỉ, chỗ nấu cơm, đun nước lá cây ổi uống thay chè. Bác tự kê mấy hòn đá thành bàn để dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng… Bác kêu gọi mọi người tăng gia để tự túc lương thực. Ở Pác Bó cho đến hiện nay, người dân vẫn coi trọng trồng hai loại cây mà Bác đem về trồng ở Pác Bó là cây cải xoong và cây ớt. Cuộc sống của Bác kham khổ, đạm bạc, chỉ có cháo ngô và rau rừng như đồng bào quanh vùng. Nhưng cũng chính nơi đây, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng đã cho ra đời nhiều quyết định lịch sử, tạo bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Tiêu biểu nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Theo các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng hiện đang sống ở Pác Bó: Sau Hội nghị Trung ương 8, Bác càng làm nhiều việc, hăng say hơn. Bác tổ chức lớp huấn luyện chính trị-quân sự ngắn hạn cho cán bộ địa phương, viết thư kêu gọi chiến sĩ cách mạng, viết bài “Hoan nghênh thanh niên học quân sự”, "Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam độc lập", "Thế giới đại chiến và phận sự dân ta"… Cũng tại đây, trong những lần trò chuyện, Bác thường nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn và tình hình thế giới, trong nước rồi phỏng đoán là độ 3-4 năm nữa, cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai sẽ bước vào hồi quyết định và lúc đó sẽ là một cơ hội rất tốt cho sự nghiệp giải phóng nước nhà. Đặc biệt, Bác đã viết cuốn “Lịch sử nước ta” bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống ngoại xâm từ trước đến nay. Cuối bài có đoạn: Chúng ta có hội Việt Minh/ Đủ tài lãnh đạo chúng mình đấu tranh/ Mai sau sự nghiệp hoàn thành... Cùng với đó, ngay dưới bài thơ, Bác viết mục "Những năm quan trọng", dòng cuối ghi rõ: "1945 - Việt Nam độc lập".
Tháng 8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, dự báo của Bác Hồ trở thành sự thật. Đây được coi là một trong những dự báo thiên tài và chính xác tuyệt đối trong cuộc đời cách mạng như huyền thoại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
LÊ DUY (tổng hợp)