QĐND - Võ sư Lê Ngọc Quang hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Võ thuật Hà Nội. Anh còn được nhiều người biết đến với tư cách là một diễn viên. Anh đã đóng khoảng hơn 30 bộ phim và để lại nhiều vai diễn ấn tượng như: Trung "đồ tể" trong phim “Cảnh sát đặc nhiệm”, Mẫn “lủ” trong phim “Lãnh địa đen” hay vai thích khách Vương An Quân trong phim nhựa “Long thành cầm giả ca”… Với vẻ ngoài phong trần, bụi bặm, lại có võ, anh đã được nhiều đạo diễn tin tưởng mời tham gia những vai diễn gai góc, hành động. Khi lên phim, võ sư Quang luôn muốn sống thật với nhân vật của mình nên thường không hóa trang. Từ trang phục đến đạo cụ cũng là do anh chuẩn bị sao cho hợp với cảnh quay nhất. Những cảnh võ thuật trong phim anh đóng đều là cảnh thật, không ghép hình, không diễn viên đóng thế. Anh nói: “Những người không biết về võ thuật có thể không để ý nhưng những ai biết thì sẽ thấy được cảnh quay nào là thật, cảnh nào là giả. Nếu cảnh đánh nhau giả thì cần gì diễn viên là người có võ như tôi. Tôi muốn đóng góp chút sức nhỏ của mình để khán giả thấy được sự trân trọng khi xem phim và thấy rằng phim Việt Nam đang ngày càng chất lượng hơn".

Võ sư, diễn viên Lê Ngọc Quang. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có những cảnh quay khó như diễn viên phải lao từ tầng hai xuống hay cảnh đánh nhau trực diện vào những vị trí nguy hiểm, anh phải diễn đi diễn lại nhiều lần vì máy quay không bắt được góc đẹp, đạo diễn chưa ưng ý. Dù có khi rất bực mình nhưng võ sư Quang cùng các anh em vẫn vui vẻ diễn tiếp. Anh tâm sự: “Vì đấm đánh thật, động tác rất nhanh nên nhiều khi tạo hình không được đẹp mắt, đạo diễn kỹ tính sẽ bắt diễn đi diễn lại nhiều lần. Phim Việt thường không dùng kỹ xảo nên trông vậy chứ đóng phim võ thuật của mình có khi còn vất vả hơn phim Mỹ”. Từ những vai diễn trong phim, võ sư Quang càng thêm tâm huyết và mong muốn đưa võ thuật Việt Nam phát triển hơn.

Từ khi 10 tuổi, anh đã được làm quen với võ thuật cổ truyền. Năm 1989, anh là huấn luyện viên đầu tiên cho đội tuyển Pencak Silat Hà Nội, đội tuyển Công an nhân dân. Trong 18 năm huấn luyện cho các đội tuyển, võ sư Lê Ngọc Quang đã góp phần đào tạo nhiều vận động viên đạt thành tích cao tại các giải của thế giới, SEA Games và quốc gia.

Nổi tiếng với vai trò là một võ sư và diễn viên nhưng ít người biết võ sư Lê Ngọc Quang còn đa tài hơn thế. Anh thích viết lách. Có người khuyên anh nên gửi bài đăng báo nhưng anh chỉ cười và nói: “Tôi viết cho bản thân chứ không có ý định làm nhà văn”. Anh từng nhập ngũ vào năm 1975. Những năm tháng làm người lính khiến anh thêm trân trọng cuộc sống và lòng tốt của con người. Anh hay viết về đồng đội, về nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống và những hồi ức của anh với Hà Nội. Anh quan niệm, trên đời này “chỉ có một thứ ta phải quỳ gối tôn thờ, đó là lòng tốt”. Bởi vậy mà có lần xem ti vi thấy bà cụ nấu cháo từ thiện ở Bệnh viện Xanh Pôn, anh đã tìm đến ngay nhà bà cụ để cảm ơn và góp chút tiền cùng bà nấu cháo.

Ai đã từng đến nhà võ sư Lê Ngọc Quang đều ấn tượng với một con tàu bằng đồng do chính tay anh làm, trong khoảng 2 năm với chi phí khá lớn. Có điều thuận là anh từng tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành điện tử. Anh coi đây là món đồ chơi vô giá của mình để nhắc về kỷ niệm tuổi thơ. Bởi trong ký ức của anh, tàu hỏa là thứ thật đẹp và chỉ có tiếng tàu hỏa là âm thanh đặc biệt nhất.

Võ sư Lê Ngọc Quang còn có thể đàn, hát, chơi một số nhạc cụ thành thạo và tự thiết kế cả trang phục cho mình. Hiện tại, ngoài công việc ở Hội Võ thuật Hà Nội, anh vẫn tham gia đóng phim như một sự đam mê và cống hiến.

DƯƠNG HOA