QĐND - Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, nhận xét: "TS Trần Đình Ngôn là một người thầy viết chèo có quá nhiều tác phẩm. Có thể nói, ông là một cây đại thụ trong làng chèo. Thầy Ngôn là người có kiến thức uyên bác về chèo, là pho tượng sống cả về lý luận và thực tiễn. Ông là một tấm gương sáng để anh chị em nghệ sĩ noi theo"...

Tính đến đầu năm 2016, nghệ sĩ Trần Đình Ngôn đã có 110 kịch bản dài, trong đó tròn 100 vở chèo và 10 kịch bản thể loại khác. Đó là một kỷ lục trong nghệ thuật chèo nói riêng, các thể loại sân khấu khác nói chung. Nhiều người khâm phục, gọi ông là "vua" chèo.

Năng khiếu sáng tác bẩm sinh

TS Trần Đình Ngôn.

TS Trần Đình Ngôn lớn lên trong một gia đình mà ông nội và bố đều là nhà Nho kiêm thầy thuốc đông y. Thuở nhỏ, ông được xem các gánh hát về diễn ở hội làng. Những làn điệu chèo cứ thế “thẩm thấu” vào tâm hồn trẻ thơ Trần Đình Ngôn lúc nào không hay.

Suốt những năm học phổ thông, Trần Đình Ngôn đã tự sáng tác những lời mới cho một số điệu hát chèo. Đó là những làn điệu đơn giản dùng để hát trong những buổi liên hoan văn nghệ của nhà trường. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông có cơ hội tiếp xúc với Đoàn Chèo Tả Ngạn (sau này đổi tên thành Đoàn Chèo Hải Phòng). Qua trò chuyện, lãnh đạo Đoàn Chèo Tả Ngạn nhận ra Trần Đình Ngôn có năng khiếu nên muốn tuyển dụng ông vào đoàn để đào tạo thành tác giả sáng tác chèo. Thế là Trần Đình Ngôn gia nhập Đoàn Chèo Tả Ngạn.

10 năm đầu theo nghiệp chèo chuyên nghiệp là những ngày tháng ông tích lũy cho mình những kiến thức đa dạng về thể loại chèo. Tham gia đóng vai phụ trên sàn diễn, làm công việc hậu đài, trang trí phông cảnh, kéo màn, quản lý ăn uống trong bếp ăn tập thể, đi tìm điểm diễn cho đoàn, giảng viên bổ túc văn hóa cho các anh chị diễn viên... việc gì ông cũng làm.

Thế rồi, những sáng tác chuyên nghiệp lần lượt ra đời. Năm 1970, Trần Đình Ngôn đem hai vở "Tấm vóc đại hồng” và “Người Dao xuống núi” tham gia Hội diễn Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn miền Bắc. Hai vở gây được tiếng vang khá lớn. Trần Đình Ngôn được khen là một tác giả trẻ (lúc này ông 28 tuổi) có nhiều triển vọng. Từ đó, ông chuyên tâm vào công việc sáng tác. Anh chị em trong đoàn thân mật gọi ông là "sáng tác viên". Đến Hội diễn Nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc năm 1980, Trần Đình Ngôn thành công với vở "Chiếc nón bài thơ", được tặng Huy chương Vàng cho kịch bản và đạo diễn.

Cảnh trong vở diễn "Những vần thơ thép". Ảnh:NHCTW

Sau thành công của vở "Chiếc nón bài thơ", đồng nghiệp bắt đầu gọi ông là "nhà viết kịch" Trần Đình Ngôn. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của ông. Sau này, năm 2007, vở "Chiếc nón bài thơ" là một trong ba vở đã giúp Trần Đình Ngôn nhận được Giải thưởng Nhà nước.

Kiên định giữ gìn nghề tổ

TS Trần Đình Ngôn bồi hồi nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ trước là những năm khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Chèo truyền thống bị coi thường, người ta đua nhau làm chèo cải tiến, thường gọi là “kịch cắm hát chèo”.

Lúc đó, "chèo cải tiến" hấp dẫn, rất có sức hút với người xem. Vấn đề vở diễn có phải chèo chính thống hay không, người xem không coi trọng. Nhưng với Trần Đình Ngôn, một người yêu chèo, ông không chấp nhận sự lai tạp ấy. Nhiều lần ông rút kịch bản về, trả lại tiền tạm ứng vì đoàn diễn nhận kịch bản nhưng mời những đạo diễn đi theo xu hướng này.

Nỗi trăn trở với sự tồn vong của nghề khiến Trần Đình Ngôn hạ quyết tâm phải nghiên cứu chèo, nghiên cứu để xác định con đường đi thế nào là đúng, làm thế nào để viết, dàn dựng ra một vở chèo thực sự. Năm 1993,  cuốn sách "Đường trường phải chiều" (lấy tên trong một điệu hát chèo) ra đời. Cuốn sách nói về những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật chèo, là nguồn tư liệu bổ ích đối với các tác giả, nghệ sĩ chèo.

Đến nay, Trần Đình Ngôn đã viết hơn 10 cuốn sách về chèo, nhiều cuốn luôn luôn nằm trong danh mục sách tham khảo của các học viên cao học và nghiên cứu sinh về sân khấu. Rất nhiều luận điểm khoa học của ông về nghệ thuật chèo được đồng nghiệp tán thành, trích dẫn.

Trong kho tàng kịch bản đồ sộ của mình, nhiều vở của Trần Đình Ngôn được đánh giá rất cao. Một trong số đó là vở "Những vần thơ thép" được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng. Vở chèo được xây dựng dựa theo tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung xoay quanh thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam cầm qua hàng chục nhà lao ở Trung Quốc từ năm 1942-1943. Vở chèo ca ngợi ý chí kiên cường, phong thái ung dung, tự tại và tấm lòng nhân ái bao la của Người. Khán giả có thể thấy rõ tinh thần "thép" của Bác Hồ khi càng về cuối vở diễn, cao trào càng được đẩy lên cao bằng các tình huống Bác và bạn tù bị đánh đập, đàn áp... Câu thơ cất lên: Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phongcàng khiến người xem hiểu thêm về tâm hồn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp của Người, một người có thể gắn kết khối đoàn kết toàn dân, xóa nhòa mọi khoảng cách giữa các dân tộc.

"Những vần thơ thép" là vở chèo đầu tiên có nhân vật trung tâm xuyên suốt toàn bộ tích diễn là hình tượng Bác Hồ. Hình tượng Bác được diễn tả hoàn toàn bằng các thủ pháp nghệ thuật của chèo truyền thống như tự sự ước lệ, cách điệu hóa... Mỗi bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" là nguyên liệu giúp Trần Đình Ngôn bồi đắp nên một tích trò. Vì vậy, các nhân vật, tình tiết trong vở kịch trở nên phong phú, hấp dẫn và giàu sức thuyết phục. Các thủ pháp nghệ thuật chèo được xử lý trong vai diễn Hồ tiên sinh rất ngọt ngào, giữ được bản sắc chèo mà vẫn khắc họa thành công hình tượng vị anh hùng dân tộc, lãnh tụ cách mạng, một nhà thơ lớn.

Kịch bản "Những vần thơ thép" và "Duyên nợ ba sinh", "Nàng chúa ong" là ba kịch bản chèo của TS Trần Đình Ngôn được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Đau đáu với chèo truyền thống

100 vở chèo ông viết ra, ai cũng phải công nhận đều là chèo truyền thống, chèo của cha ông tiên tổ để lại chứ không lai tạp. "Không thể để nghệ thuật truyền thống cứ phải chạy theo thị hiếu của công chúng được, bởi có nhiều thị hiếu dễ dãi, thậm chí là tầm thường" - TS Trần Đình Ngôn tâm sự như vậy.

Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh cho rằng, TS Trần Đình Ngôn đã khẳng định được văn phong riêng cũng như vai trò quan trọng của mình trong việc gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống. "Thiếu cụ không biết làng chèo sẽ dựa vào đâu" - NSƯT Đoàn Vinh trầm ngâm. Những kịch bản của Trần Đình Ngôn quả thực luôn có sự thuần khiết của sân khấu chèo truyền thống.

Bằng cách nào TS Trần Đình Ngôn lại có thể làm được điều ấy? Ông có bí quyết riêng. Nếu coi chèo là một món ăn thì Trần Đình Ngôn xứng đáng là một người đầu bếp tài hoa. Sau khi nghiên cứu, tìm ra đặc trưng ngôn ngữ của chèo, ông đúc kết được một công thức khi xây dựng kịch bản chèo mà ông gọi một cách nôm na là "công thức pha màu chèo". Ông giải thích, từ đặc trưng ngôn ngữ của chèo, khi viết một kịch bản, dàn dựng một vở diễn, nếu thực hiện, kết hợp đầy đủ các công thức đó thì kịch bản chỉ có thể ra chèo chứ không thể ra thể loại gì khác. Cứ pha như thế là nó ra "màu chèo" chứ không ra màu kịch, không ra màu cải lương.

Để có được một vở chèo hay, TS Trần Đình Ngôn nhấn mạnh, người viết không chỉ cần có cảm hứng, mà cảm hứng sáng tạo ấy phải được dẫn dắt bằng lý luận. Khi viết xong kịch bản phải lấy lý luận soi lại kịch bản ấy. Có như thế mới có thể cho ra đời một vở chèo truyền thống đúng nghĩa.

Ông cũng cho rằng, đối với một tác giả, việc có năng khiếu thôi chưa đủ. Tác giả đó phải được trang bị những kiến thức cơ bản, từ mỹ học cho đến văn học và sân khấu.

Năm nay đã 75 tuổi, tuy sức viết của Trần Đình Ngôn vẫn dồi dào nhưng sức khỏe của ông đã không còn cho phép viết nhiều. Tác giả viết kịch bản chèo đã hiếm, người viết "ra hồn" còn hiếm hơn. "Đội ngũ những người viết kịch bản và đạo diễn chèo hiện nay quá mỏng, đặc biệt là tác giả, thế mới đau!" - ông chia sẻ.

Trước đây, nhắc đến chèo, người ta nhắc đến Tào Mạt. Ngày nay, người ta nhắc tới Trần Đình Ngôn. Sau này, không biết sân khấu chèo tới bao giờ mới có được thêm những tác gia như thế.

Những kịch bản của TS Trần Đình Ngôn đều hướng tới mục đích phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân. Với những cống hiến của mình, TS Trần Đình Ngôn xứng đáng với danh hiệu "cây đại thụ" trong làng chèo Việt. Ông là người tha thiết yêu chèo, luôn hy sinh, vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ trong đời sống vật chất và tinh thần để cống hiến cho sân khấu chèo, tất cả cho sự nghiệp nghiên cứu, sáng tác chèo.

HOÀNG LIÊN VIỆT