Nhưng trên thực tế là có người đã “sáng tác” câu chuyện chàng Cốc, nàng Công. Sở dĩ gọi là “sáng tác” mà không gọi là “sưu tầm” vì rằng câu chuyện đó không hề tồn tại trong thực tế trước năm 1975. Bài hát của nhạc sĩ Phó Đức Phương xuất hiện sớm nhất cũng phải là sau khi đập sông Công được ngăn, tức là phải từ năm 1977 đến nay. Nhà văn Vi Hồng (Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật) lúc đó là Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên) cùng sinh hoạt tổ chuyên môn với tôi. Hằng năm, thầy đều hướng dẫn sinh viên đi điền dã, sưu tầm văn học dân gian (thơ, truyện, tục ngữ, câu đố…) ở khu vực trên đây, nhưng tôi chưa từng nghe thầy nói hoặc viết về câu chuyện núi Cốc, sông Công. Một lần, chính tôi đã cùng thầy lên thăm Ban chỉ huy công trường Hồ Núi Cốc, ngủ lại đó mấy đêm, rồi đi xem những nơi bãi phẳng, chuẩn bị để khi ngăn đập sẽ là đáy hồ, tiện cho việc đánh bắt cá… Khi về, tôi có viết bài bút ký về hồ nước tương lai, đọc trên Đài Phát thanh Việt Bắc. Tôi có đưa thầy đọc, góp ý trước khi công bố, nhưng thầy cũng không biết gì về câu chuyện tình của đôi trai gái có tên chàng Cốc, nàng Công.
Hồ Núi Cốc là một hồ chứa nước ngọt để cung cấp nước cho cả một vùng nông nghiệp rộng lớn của tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời trong hồ có nuôi một số loài cá. Hồ được xây dựng từ năm 1973 đến năm 1982 mới hoàn thành. Thầy trò Khoa Ngữ văn và các khoa khác của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đều tham gia lao động gánh đất đắp đập, làm kênh mương năm 1977. Sau khi hồ thành hồ nuôi cá, năm 1979, tôi còn lên một lần nữa, cùng anh em bảo vệ ở đập đi thuyền vào hòn đảo giữa lòng hồ đào bắt con dúi về làm thịt. Lần ấy, tôi làm bài thơ “Người canh đập tràn” tặng các anh với câu kết: Các anh như nước hồ xanh/ Một lần gặp suốt đời mình chẳng quên. Thân quen vậy nhưng tôi cũng chưa hề nghe các anh ở đây kể về huyền thoại chàng Cốc, nàng Công…
Trang bìa Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc số 82 năm 1975 đăng bài thơ “Tiếng hát sông Công” của Ngọc Bái.
Vậy từ đâu và khi nào mà có câu chuyện “huyền thoại” Hồ Núi Cốc?
Mới đây, trong dịp đi công tác Hà Giang dự Hội thảo các nhà văn khu vực sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống, tổ chức vào tháng 7-2016, tình cờ tôi gặp người “sáng tác” ra câu chuyện huyền thoại Hồ Núi Cốc. Đó chính là nhà thơ Ngọc Bái. Ngọc Bái là nhà văn quân đội hoạt động ở Việt Bắc. Anh đã từng cùng với Vũ Công Hoan, Nguyễn Hoàng Đạt, Dương Quang Tỏa và tôi tham gia trại viết của Hội Văn nghệ Việt Bắc. Sau năm 1985, anh giải ngũ về quê làm Giám đốc Sở Văn hóa Yên Bái, viết nhiều tiểu thuyết, thơ và được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Lần gặp mới nhất kể trên, Ngọc Bái đã kể cho tôi nghe chuyện có lần anh theo đoàn khách du lịch thăm Hồ Núi Cốc, đã được nghe các hướng dẫn viên ở đây kể rất say sưa, hấp dẫn về huyền thoại chàng Cốc, nàng Công. Ngọc Bái liền hỏi các bạn có biết câu chuyện ấy có từ bao giờ không? Các bạn ấy nói: “Chúng cháu chỉ nghe nói lại”. Anh không hỏi gì thêm, lòng thầm mừng là câu chuyện do anh sáng tác cách nay hơn 30 năm đã có cuộc sống riêng của nó. Giờ đây, người ta chỉ biết đó là câu chuyện tình cảm động đượm màu huyền thoại. Cắc cớ gì phải tìm hiểu xem đó là hư hay thực, tác giả là ai và câu chuyện xuất hiện từ khi nào…
Ấy là vào năm 1973, Ngọc Bái học quân chính ở Thịnh Đán, ngay bên núi Cốc. Cuối năm 1974, anh cùng bộ đội Trung đoàn 246 đi phát và đốt cây ven sông Công, để sau này nước dâng thành hồ, thả cá đánh lưới không bị mắc gốc cây. Thấy địa danh sông Công chảy ngay bên núi Cốc hay hay, Ngọc Bái đã viết bài thơ, với ý tưởng người xưa Công Cốc chẳng lấy được nhau, Công biến thành dòng nước, còn Cốc biến thành núi bên sông ngóng chờ. Mô típ này trong văn học nghệ thuật hiện đại đã có; như bài “Tình ca Tây Bắc” của Trần Đức Hạnh đã ví: Em là dòng sông Mã, anh là núi Mường Hung... Còn trai gái ngày nay yêu nhau thành những người lao động làm nên công trình Hồ Núi Cốc. Viết xong bài thơ, Ngọc Bái đã đọc cho bộ đội trong đơn vị nghe, nay nhiều người còn nhớ. Bài thơ lúc đầu được đặt tên là "Huyền thoại sông Công". Ngọc Bái đem đến Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc cho nhà thơ Ma Trường Nguyên biên tập. Ông Lạc Dương, lãnh đạo tạp chí, góp ý rằng thời nay, "hiện thực" sao gọi là "huyền thoại". Thế là Ngọc Bái đổi tên bài thơ thành "Tiếng hát sông Công" cho khiêm tốn!
Tôi đã đề nghị Ngọc Bái gửi cho tôi bài thơ anh viết có “huyền thoại” chàng Cốc, nàng Công. Đó là một bài thơ dài in trọn 3 trang trên Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc số 82 năm 1975. Bài thơ khi đăng có nhan đề được sửa thành “Tiếng hát sông Công”. Sau 8 câu lục bát mở đề là phần một có tên: Trang cổ tích: Núi Cốc, sông Công, Ngọc Bái viết:
Đến đây nghe núi kể rằng
Xưa kia nơi ấy cửa rừng động tiên
Nàng tiên tên một loài chim
Chiều thường dạo bước ở bên sông này
Dòng sông in bóng làn mây
Nàng thường chải tóc đắm say hoa ngàn
Bên sông có một anh chàng
Ngày ngày đốn củi lam làm say mê
Gặp nàng chẳng dễ dứt về
Cất lên tiếng hát hát se lòng người
Tỏ lời lời buộc lấy lời
Trần tiên chẳng hẹn nên đôi nhân tình
Ác là trời chẳng phân minh
Đang tay ra lệnh cấm duyên phũ phàng
Sông Công từ ấy tên nàng
Thương nhau để lại một làn nước xanh
Chàng hóa núi Cốc hiền lành
Thương nhau đứng sững một mình chờ nhau
Phần thứ hai của bài thơ có nhan đề: Ước mơ đáy biển. Phần thứ ba có nhan đề: Sông dâng khúc hát. Cuối bài thơ là dòng ghi ngày, tháng: Sông Công-Núi Cốc, tháng 11-1974 - tháng 1-1975. Như vậy là bài thơ dài của Ngọc Bái được viết trong 3 tháng. Và cái “huyền thoại” về mối tình của hai người được Ngọc Bái khai sinh trên Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc như đã nói ở trên. Truyện cổ tích này được nhà văn sáng tác hoàn toàn dựa vào trí tưởng tượng chứ không phải nghe một cụ già nào kể lại, cũng không theo một nguồn sách vở nào.
Huyền thoại nàng Công, chàng Cốc ra đời năm 1975, do một nhà văn quân đội sáng tác. Các chứng cứ mà chúng tôi hiện có khẳng định điều đó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn các bạn đọc, ai có văn bản sớm hơn hoặc những tài liệu xác thực hơn xin cung cấp để làm sáng tỏ sự thật. Thiết nghĩ, việc chúng tôi công bố những tư liệu và nhận định trên đây cũng như nếu ai có tư liệu tin cậy hơn và lập luận thuyết phục hơn để phản bác lại cũng đều là những việc làm cần thiết, khoa học và văn hóa!
PGS, TS VŨ NHO