Thế là nhiều bạn tò mò, nhắn tin hỏi thăm Miệt Thứ là cái xứ nào, người dân sinh sống ra sao, có khổ lắm không, sao mà nhìn thấy khung cảnh buồn não nuột vậy? Đa số người hỏi là dân ngoài Bắc, có nhiều người chưa từng đặt chân về miền đất phương Nam. Tôi kể bạn nghe sơ qua về Miệt Thứ, nhưng vẫn bảo bạn muốn hiểu vùng đất nào thì tốt nhất là đến vùng đất đó, chứ không ai có thể miêu tả đủ hồn cốt của nó. Riêng cái buồn của Miệt Thứ thì tôi tin rằng mọi ngôn từ đều bất lực. Bạn nghe tôi nói thế, hứa có dịp sẽ vô thăm, vì ngay cả cái tên Miệt Thứ thôi cũng gợi cho bạn bao điều. Nói thì nói vậy, chớ tới giờ vẫn chưa thấy bạn vô…

Miệt Thứ là cách người dân Nam Bộ gọi khu vực huyện An Minh và An Biên thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ở đó, người ta gọi địa danh theo “thứ”. Từ cầu Bàu Môn thuộc ấp Rọc Lá, xã Tây Yên, huyện An Biên là Thứ Nhứt (không phải nhất). Rồi theo hướng Quốc lộ 63 xuôi về phía cầu Tắc Cậu, dọc theo kinh Xẻo Rô, cứ thế mà tăng lên thành Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy (thuộc huyện An Biên); Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Chín Rưỡi, Thứ Mười, Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh). Qua khỏi Thứ Mười Một là tới địa phận tỉnh Cà Mau. Xuôi ngược dưới đó bao bận tôi mới biết, người ta gọi các “thứ” là theo thứ tự những con rạch đổ ra kinh Xẻo Rô. Có thể hiểu nôm na thế này, trước đây lưu dân muốn đi từ Rạch Giá xuống Cà Mau thì thường bơi xuồng, chèo ghe dọc kinh Xẻo Rô. Họ đi từ hướng vàm sông Cái Lớn vô, gặp con rạch đầu tiên chảy cắt ngang Xẻo Rô thì gọi là “rạch Thứ Nhứt” (rạch Rọc Lá chảy cắt kinh Xẻo Rô ngay chỗ cầu Bàu Môn bây giờ); đến con rạch tiếp theo cắt ngang thì gọi là “rạch Thứ Hai”, cho đến con rạch cuối cùng giáp với huyện Thới Bình (Cà Mau) chính là “rạch Thứ Mười Một”. Cách gọi như vậy vừa để đánh dấu hành trình ngược xuôi trên sông nước, vừa tiện để định vị cho bạn hàng trong các cuộc bán buôn. Dần dà, cái từ “rạch” được giản lược đi, chỉ còn gọi tắt là “Thứ Nhứt”, “Thứ Hai”... Và “miệt” (vùng) mà người dân cứ gọi theo “thứ” như thế gọi là “Miệt Thứ”.

leftcenterrightdel
Rớ, một phương tiện đánh bắt thủy sản quen thuộc của người dân vùng Miệt Thứ

Miệt Thứ buồn như cái buồn của cô gái lấy chồng xa, cái buồn của anh nông dân nghèo chứng kiến cảnh người mình yêu bị đem gả bán: Đêm đêm ra đứng hàng ba/ Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn/ Sương khuya ướt đẫm giàn bầu/ Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai?

Những người từng đi Miệt Thứ trước đây, giờ có dịp quay lại ai cũng trầm trồ rằng Miệt Thứ nay đã thay đổi nhiều, đỡ buồn rồi. Hỏi tại sao, họ nói nhờ có cây cầu đúc bự chảng bắc qua sông Cái Lớn, nên Miệt Thứ bớt quạnh hiu. Chớ trước đây, muốn tới Miệt Thứ phải ngồi đò Tắc Cậu gần hai tiếng đồng hồ, khách phương xa nhiều người ngán ngại đò giang nên cũng không mặn mà về Miệt Thứ.

Lần đầu tôi đi Miệt Thứ cũng ngồi đò Tắc Cậu. Tôi dõi mắt tìm “con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu” (lời một bài vọng cổ nổi tiếng ở miền Tây) mà không thấy, chỉ thấy những cánh chim cô đơn bay về nơi vô định trong bãng lãng mây chiều. Mãi mấy năm sau này tôi mới biết, con rạch Cái Thia nằm ở khu vực ngã ba Minh Lương (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), chảy xuôi về hướng bến phà Tắc Cậu cũ phía An Biên. Hiện nay con rạch này đã bị san lấp, chỉ còn vài đoạn, nước cạn như mấy cái vũng nước mưa, cây bần, cây đước và dừa nước mọc dày nên khó nhận ra con rạch nổi tiếng từng rộng gần hai chục thước, ghe chở lúa mười lăm tấn chạy xuôi ngược như chơi. Tôi nhìn rạch Cái Thia hiện thời mà lòng miên man nghĩ về cảnh “tang điền biến vi thương hải”. Câu hát người xưa bỗng như văng vẳng đâu đây: Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà...

Con đò Tắc Cậu không như con sáo bay vụt qua sông, mà nó chạy chậm rì, trầm buồn như điệu buồn dạ cổ. Trên đò, những gương mặt mệt mỏi cắt xiên qua nắng chiều. Những ánh mắt dõi về phương nào đó thật xa xôi. Những dáng người ngồi bất di như mấy pho tượng cổ. Đò cập bến, Miệt Thứ hiện ra hồn hậu mà u buồn. Nếu bên kia sông là một Minh Lương (thị trấn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) nhộn nhịp thì bên này sông, Miệt Thứ trầm lắng nguyên sơ. Tôi ghé nhà một người dân gần Rọc Lá để xin nước uống, tiện thể hỏi đường. Chủ nhà là người đàn bà trạc sáu mươi tuổi, khuôn mặt hiền từ phúc hậu. Bà chỉ đường cho tôi, xong rồi hỏi đi gấp không, nếu không thì cứ thong thả vô nhà uống nước. Tôi vô nằm võng chỗ hàng ba, gợi chuyện cho bà kể về Miệt Thứ ngày xưa. Đưa tay chỉ cánh đồng trước mặt, xa xa có hàng cây che khuất mấy căn nhà lá, bà nói nhà ba má ruột của bà ở đó, chớ nhà này là nhà bên chồng. “Con thấy hông, nhà dì với nhà chồng cách nhau chừng hai cây số, vậy mà hồi xưa dì lấy chồng suốt ba năm chưa được về thăm ba má. Một phần do đường sá đi lại cũng chẳng dễ dầu gì. Nhưng cái quan trọng nhất là định kiến của người xưa. Lấy chồng rồi đâu phải muốn đi đâu là đi, về đâu là về được”, bà kể, mắt vẫn nhìn về phía hun hút hàng cây.

Bà còn kể miên man: Hồi xưa, có khi nhớ nhà quá, dì ra đứng chỗ hàng ba này nè, nhìn về bên bển, rồi lén khóc. Nói là lén khóc vì khóc mà bị bên chồng thấy được họ cũng la, cũng nói nặng nói nhẹ. Họ hỏi bộ bên chồng ăn ở ác đức lắm sao mà mình luôn hướng về nhà cha mẹ ruột; họ nói sao hồi đó mình không ở với cha mẹ ruột luôn đi, lấy chồng làm gì rồi giờ muốn về? Sợ nhất là má chồng với em chồng, phải chi la rầy mình không thì mình chịu được, nhưng họ hay lấy ba má ruột mình ra để họ nói. Bộ ba má nhà cô không biết dạy hay sao mà cô thế này thế nọ? Nghe ấm ức lắm nhưng không được cãi nửa lời, phận làm dâu ngày xưa đã khổ rồi, làm dâu Miệt Thứ càng khổ hơn. Quê dì ở đây mà lấy chồng rồi còn buồn khổ không chịu nổi, mấy cô ở miệt Tháp Mười, Bảy Núi, Mỹ Tho mà lỡ lấy chồng Miệt Thứ thì coi như dứt gốc bỏ quê luôn, cha mẹ ruột ở nhà chết nhiều khi không về để tang được nữa. Bởi vậy, làm thân con gái ngày xưa mà nghe nói lấy chồng Miệt Thứ là ai cũng sợ. Sợ thì sợ nhưng cũng phải lấy, có người lấy vì đạo lý xưa kia cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, có người cũng vì tình yêu mà bất chấp nỗi cô quạnh nơi đất khách quê người. Bởi vậy mới có câu ca dao: Em yêu anh nên đành xa xứ/ Xuôi ghe chèo Miệt Thứ, Cà Mau.

Bà nói với tôi, giọng trầm đều, thổn thức như nói với chính mình, cơ hồ như ký ức cuộc đời chợt tỉnh thức sau bao ngày tháng ngủ sâu trong tĩnh lặng. Bà mời tôi ở lại ăn cơm, nhưng tôi cáo từ vì đã có hẹn với người quen ở Thứ Ba. Sau khi hỏi đường kỹ, tôi cảm ơn bà và tiếp tục rong ruổi. Trời tối chập choạng, nhiều nhà đã thắp đèn, vậy mà xuồng ghe vẫn ngược xuôi trên con kinh Xẻo Rô tấp nập. Tôi hình dung kiếp sống thương hồ, chạnh nghĩ về những mái chèo ngày xưa từng khoan nhặt trên khúc sông này. Bỗng như văng vẳng trong tôi câu hò se sắt: Hò ơi, bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/ Kẻo khúc sông này... mà hò ơ/ Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm!

Đêm đó tôi ngủ lại nhà người quen ở Thứ Ba. Dĩ nhiên, đến Miệt Thứ thì không thể thiếu những cuộc rượu. Tôi từng nghe nói người Miệt Thứ uống rượu mạnh lắm, mấy chị mấy cô “tửu lượng” cũng chẳng thua gì mấy anh mấy chú. Được ngồi chung mâm với họ, tôi mới biết lời đồn ấy không sai. Tôi tự hỏi, dường như họ uống để trong khoảnh khắc nào đó quên đi nhọc nhằn, quên đi nỗi buồn hiện hữu? Ngà ngà say thì họ hát. Hát mộc mạc nguyên sơ tài tử. Hát rằng: Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trông tin chàng, năm canh mơ màng, em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a... Rồi nữa: Bông bần rụng trắng bờ sông, lấy chồng xa xứ khó mong ngày về... Lời ca khắc khoải rơi trong đêm vắng, rồi im bặt giữa một không gian tĩnh mịch, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non. Tiếng vạc ăn đêm cất lên giữa màn sương lạnh, chợt bỗng dưng chìm khuất cùng những nỗi niềm riêng. Tôi chợt nghĩ, không biết con vạc cô độc kia ước mơ gì cho ngày mai, khi ánh bình minh trỗi lên phía rặng bần cuối bãi. Và những con người nơi đây ước mơ gì, khi bao đời vẫn chung sống với nỗi sầu vạn cổ?

Từ khi có cầu bắc qua sông Cái Lớn, đúng là Miệt Thứ có bước khởi sắc. Nếu trước kia đi từ Rạch Giá xuống Cà Mau mất mấy ngày chèo ghe, thì giờ đây xe chạy bon bon chừng ba tiếng đồng hồ là tới. Xe qua cầu Tắc Cậu sẽ gặp mấy cái lều bán khóm ở hai bên đường. Khóm Tắc Cậu nổi tiếng ngon ngọt, thịt dày cùi nhỏ. Em gái giấu gương mặt thanh tú sau vành nón lá, vừa gọt khóm cho tôi vừa nói, dân dưới này trồng khóm xen với cau, cau trên khóm dưới và thứ nào cũng ngon hết sẩy. Em cười thẹn thùng khoe, dân khắp miền Tây có đám cưới đám hỏi mà mua được cau Tắc Cậu là mừng húm, vì cau ngon, vỏ mỏng, nghe nói có mâm cau này trong đám cưới là vợ chồng sống với nhau tới răng long đầu bạc. Mấy “bà già trầu” xóm này cũng chỉ ăn cau Tắc Cậu, hết thì nhịn chớ nhất quyết không chịu ăn cau mua xứ khác. Em kể hào hứng lắm, cứ như là không kể kịp thì tôi chạy đi mất, em sẽ không biết kể với ai. Tôi quan sát xung quanh, thấy đúng là mấy công khóm gần mé đường người ta trồng xen với cau thiệt. Tiếc là tôi không biết ăn trầu nên không thể trải nghiệm cảm giác “miếng trầu em têm hoa nhài/ Miếng cau em bổ có mười hai đạo bùa”, mà chỉ thưởng thức vị ngọt thanh của khóm Tắc Cậu, cùng với cái cười đặc sệt miền Tây của em.

Em hỏi tôi đi đâu dưới này. Tôi nói đi Miệt Thứ. Em bảo Miệt Thứ buồn lắm, đi làm gì hổng biết. Tôi cười, nói đi để buồn. Rồi cả hai cùng im lặng. Có lẽ nhiều người nghĩ thật kỳ dị khi đi tìm nỗi buồn? Nhưng với tôi, nỗi buồn ở những miền hoang vắng gợi xúc cảm rất đặc biệt. Tôi như được đắm chìm trong bản thể, tâm hồn thinh lặng an yên. Đôi lúc chúng ta cũng nên biết chiêm ngưỡng những nỗi buồn thanh khiết. Tôi nhớ ông già ở Thứ Mười, có bàn chân Giao Chỉ. Ông nói xứ này buồn lắm con ơi, quanh năm suốt tháng chẳng có gì vui đâu. Vậy mà tôi đã ở nhà ông già mấy ngày, nghe ông kể từ chuyện đánh Mỹ ở miệt U Minh cho tới chuyện xuôi Gành Hào thẻ mực; chuyện mấy bà hàng xóm thách ông nhậu kình cho tới chuyện bắt rắn bắt rùa trong Cán Gáo. Mà ngộ lắm, bình thường cạy miệng ông không nói, nhưng làm vài ly đế thì chuyện tuôn ra ào ào. Có lẽ vì vậy mà cứ sáng sớm là ông xách chai rượu ra ngồi sẵn ngoài hàng ba, vừa uống lai rai vừa kể, kể đã đời rồi ông cất giọng ca: Nhị ca ơi, chén rượu đoan thề hơi men còn phảng phất đầu môi, trên lối hoạn đồ muôn nẻo ngược xuôi, anh mang chí cả mong đạp thành phá lũy. Nhưng trời không tựa lòng người dũng sĩ, nên giữa trận tiền anh phải chịu sa cơ...

Tôi nhìn ông, nét buồn vương đến từng sợi tóc. Ông biểu tôi chừng nào rảnh cứ xuống chơi, cơm gạo bây giờ không còn thiếu nữa nên không sợ đói, chỉ sợ buồn thôi. Mà ai đã buồn quen rồi thì làm gì sợ nữa. Và ông cười, cái cười chắc nịch, như cam đoan thế nào tôi cũng trở lại. Cũng như em gái ở Tắc Cậu bữa đó nói với tôi là Miệt Thứ buồn lắm, đi làm gì. Nhưng em biết chắc nói thì nói, tôi vẫn đi. Đi để buồn cùng Miệt Thứ. Đi để còn trở về đây ngồi nhìn em gọt khóm và kể chuyện quê mình, trước khi qua sông Cái Lớn. Tôi cũng như bao người, đến Miệt Thứ hay ra đi từ Miệt Thứ, có lúc chạnh lòng xem lại mớ hành trang mang theo bên mình, thiếu gì thì thiếu chớ không bao giờ thiếu nỗi buồn đẹp đến miên man…

Bút ký của TRƯƠNG CHÍ HÙNG