“Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, nghe náo nức trong lòng Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ…”.
Bài hát nghe cuồn cuộn trào dâng vừa khẩn trương lại có vẻ thanh thản đàng hoàng, quả là biểu hiện được cái thần thái của đất Thăng Long văn hiến-xứ sở hào hoa bước vào cuộc chiến bất tử. Người Hà Nội vốn luôn như vậy, có thể hiên ngang đối mặt với mọi khó khăn, vất vả gian truân, sẵn sàng quyết tử để giành chiến thắng, nhưng lại luôn nhẹ nhàng ung dung thanh thản, tràn đầy niềm tự hào kiêu hãnh. Vâng! “Đây Thủ đô là trái tim kiêu hãnh, đây Sài Gòn-Huế hiên ngang”... Mỗi lần nghe ca khúc này, chúng tôi thầm cảm ơn tác giả bởi ông viết về Hà Nội mà cũng là viết cho cả mọi miền đất nước. Khi âm thanh cuối cùng của bài ca lắng xuống, ôi thật tuyệt vời, gieo vào lòng chúng ta cảm xúc thật khó tả tiếp thêm sức mạnh lên đường đi đánh Mỹ.
leftcenterrightdel
Bình yên trên phố Phùng Hưng, (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
“Ơi cô gái ơi! Súng trên vai sao vuông đầu mũ, em đi về đâu mà mắt em tươi sáng, em đi về đâu mà chân bước hiên ngang, những hôm miệt mài trên bãi tập, chiến công này hẳn có tay em. Anh chiến sĩ ơi! Đã bao đêm canh bên nòng súng. Ngắm những đường phố mà thấy sao tha thiết. Ôi Thủ đô, thịt da máu xương ta. Trút căm hờn vào quân xâm lược. Giữ đất trời Thủ đô mến yêu của ta”...
Ai đã từng sống trong ngày tháng của những năm 1966-1967 ở Hà Nội mới cảm nhận được rõ nét vẻ đẹp và giá trị của “Bài ca Hà Nội”. Đây là một trong hai bài hát nhạc sĩ Vũ Thanh viết về Thủ đô (cùng với “Hà Nội mùa thu”), một bài về chiến tranh, một bài về hòa bình nhưng lại nằm trong sự nhất quán về vẻ hào hoa văn hiến của Thủ đô. Tuy nhiên, không phải đến khi có “Bài ca Hà Nội”, Vũ Thanh mới được công chúng biết tới, mà trước đó một năm (năm 1965) ông đã nổi tiếng với bài “Lời anh vọng mãi ngàn năm” ca ngợi cái chết hóa thành bất tử của người thợ điện yêu nước Nguyễn Văn Trỗi. Với những bài ca đi cùng năm tháng ấy, nhạc sĩ Vũ Thanh đã thực sự ghi được dấu ấn trong lòng công chúng yêu nhạc. 
Nhạc sĩ Vũ Thanh sinh ngày 14-11-1933, quê ở Xuân Phương, Từ Liêm (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội). Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật ở Việt Bắc, sau đó đi học ngành sư phạm, trở thành giáo viên, đến năm 1957 về làm biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu. “Bài ca Hà Nội” được viết vào năm 1966 khi đế quốc Mỹ bị thất bại ở miền Nam đã leo thang ra ném bom ở miền Bắc. Tuy chưa phải là chúng đã lấy ngay Thủ đô Hà Nội làm mục tiêu chính lúc bấy giờ (vì phải đến 12 ngày đêm cuối năm 1972 chúng mới đánh tập trung vào Hà Nội), nhiều nơi ở địa bàn này đều bị chúng oanh kích. Hà Nội lúc đó đã ở tư thế sẵn sàng để đánh trả máy bay địch. Một số điểm ở ngoại thành đã bắt đầu bị đánh phá, nhân dân được lệnh đi sơ tán. Tình hình lúc này khá đặc biệt, công sở cơ quan vẫn làm việc bình thường, nhưng phố xá thì vắng đi nhiều. Đội tự vệ cơ quan, xí nghiệp được tổ chức tập bắn máy bay tầm thấp, tạo thành lưới lửa nhiều tầng và rộng khắp, phối hợp với các lực lượng phòng không-không quân của ta tiêu diệt máy bay Mỹ từ loạt đạn đầu khi chúng vừa vào Hà Nội. Có lẽ trên thế giới này cũng hiếm có một nước nào lại dám dùng vũ khí thô sơ để chống lại “không lực Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới”, ấy vậy mà lực lượng tự vệ đã từng hạ được máy bay F.111 cánh cụp cánh xòe của Mỹ. Đó là nguồn cảm hứng dạt dào để những người sáng tác viết nên nhiều ca khúc bất hủ ca ngợi niềm tin chiến thắng của người Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
“Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh được ca sĩ Tuyết Thanh giới thiệu lần đầu tiên trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam với giai điệu tự hào tha thiết. Bài ca như lời nhắn gửi những người làm nên chiến thắng của Thủ đô, những cô tự vệ sao vuông, những chiến sĩ trẻ ngày đêm túc trực bên mâm pháo, những chị em nông dân trên đồng lúa ngoại thành, những công nhân giữ cho dòng điện không bao giờ đứt quãng... Năm tháng cứ trôi đi, nhưng “Bài ca Hà Nội” vẫn luôn vang lên trong ký ức của những người con Hà Nội trên mọi miền Tổ quốc. Đó là một bài ca vinh quang về một Thủ đô ngàn năm văn hiến-anh hùng, mãi mãi khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
 
ĐỖ THÔNG