Ngày đầu tiên, mẹ anh ta, tức mẹ kế của tôi, kéo tôi lại trước mặt anh ta và nói: “Hứa Tinh, đây là con trai mẹ, nó tên là Mục Thuận, lớn hơn con 3 tuổi, con phải gọi Mục Thuận là anh đấy!”.

Tôi hất cằm, liếc mắt nhìn cái người mà mẹ kế bắt tôi gọi là “anh trai” kia xem thế nào. Anh ta trông có vẻ cao hơn tôi khoảng một cái đầu, tôi bĩu môi, trong lòng nhủ thầm: “Chỉ được cái to xác thôi, người gì mà trông đần độn, đã thế lại còn muốn làm anh mình á, đừng có hòng!”.

Mục Thuận gãi đầu gãi tai, cặp mắt ti hí hướng về phía tôi cười trông kiểu ngây ngô, nhìn đã thấy vô duyên, người gì mà chỉ có cười thôi cũng chảy bong bóng mũi. Mục Thuận không ngần ngại đưa tay lên vắt mũi rồi hất toẹt xuống đất làm tôi phát buồn nôn. Tôi nhìn chăm chăm vào ngón tay cái của anh ta, trông chẳng khác gì cái càng cua. Tôi hét toáng lên: “Anh, anh ta có sáu ngón tay sao?”.

Mục Thuận không những không ngại ngần, anh ta còn giơ thẳng bàn tay ra trước mặt tôi, giọng rất thoải mái: “Em chưa nhìn thấy ai có sáu ngón tay bao giờ à? Thế đây, nhìn đi, nhìn cho kỹ đi!”.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH

Tôi tức điên lên, quay ngoắt mặt đi rồi hét lớn: “Đồ sáu ngón chết tiệt! Đồ sáu ngón chết tiệt!”.

Mẹ kế tôi vô cùng tức giận, quát to: “Mục Thuận, con oắt con này dám gọi con là sáu ngón. Hãy đánh cho nó một trận!”.

Mục Thuận đẩy mẹ mình đi ra chỗ khác, rồi quay về phía tôi thè lưỡi lêu lêu trêu chọc cho tôi tức giận.

Không lâu sau, anh ta xin vào học cùng trường với tôi.

Một hôm, trên đường đi học về có một tốp nam sinh đuổi theo tôi, chúng vừa đi vừa hát chế để trêu chọc tôi: “Có một loại rau cải, sống trên đồng ruộng mà vẫn vàng lá í a... chả có mẹ, chỉ biết khóc ròng í a...”.

Tôi vô cùng tức giận, lao vào cãi nhau. Chúng vây lấy tôi rồi như muốn chọc giận tôi hơn nữa, chúng càng hát to, vừa hát vừa reo hò trêu chọc tôi rồi cười sảng khoái cứ như chúng chuẩn bị đi ăn tiệc.

Đúng lúc đó, tôi nghe thấy một tiếng quát rất to từ phía sau: “Đứa nào dám trêu chọc em tao?”.

Mục Thuận không biết tự bao giờ có mặt ở sau tôi, nhảy xổ vào, vứt luôn cặp xuống đất, ra sức chặn bọn chúng lại, cùng lúc giáng ngay cho chúng một chiêu “nắm đấm sáu ngón”. Lũ con trai kia bị đánh cho một trận tơi bời.

Vừa nhìn thấy Mục Thuận có sáu ngón tay, chúng liền hét lên: “Đồ sáu ngón, đồ sáu ngón!”, sau đó, đứa ôm chân, đứa ôm bụng Mục Thuận, vật anh ta nằm sõng soài ra đất rồi chúng nó thi nhau giẫm đạp lên người anh ta...

Khi Mục Thuận quay trở về nhà, trông anh ta như một con heo bị quần trong bùn đất, người ngợm bẩn thỉu, trên đầu mọc lên vài cục sưng vù, tay thì đầy vết máu. Nhất là cái ngón tay thứ sáu bị chúng nó đánh cho sưng đỏ tấy lên, nhìn trông chả khác gì củ cà rốt bị bổ đôi vậy. Thấy thế, mẹ kế tôi cảm thấy vô cùng xót xa, bà quay qua dọa tôi: “Mày là đồ chết tiệt! Tại sao thấy anh bị như vậy mà không giúp đỡ hả?”. Kỳ thực, trong thâm tâm tôi vô cùng cảm kích trước hành động “quên mình vì người khác” của anh ta, nhưng bị mẹ kế tôi giáng cho một câu như vậy, tự nhiên tôi thấy bực tức vô cùng. Tôi ngang bướng đáp lại: “Tự anh ta mọc ra sáu ngón tay lại còn thích dây dưa vào việc người khác, liên quan gì đến tôi!”. Mẹ kế tôi không kìm được tức giận, bà vớ ngay cái chổi đót định đánh cho tôi một trận.

 “Bố, bố về rồi à?”. Mục Thuận hướng về phía cửa hét to, mẹ kế tôi chợt giật mình, vội vứt ngay xuống đất “công cụ hành hung”. Mục Thuận liền nhân cơ hội đẩy tôi vào phía trong phòng rồi đóng cửa lại, lúc đó, mẹ kế tôi mới biết là mình bị đánh lừa.

Tôi vẫn ấm ức, trong thâm tâm nung nấu ý nghĩ: “Được, cứ đợi đấy, chỉ cần mình chịu nhẫn nhục thêm vài năm, đợi mình đỗ cấp ba rồi mình sẽ chẳng cần gì hết!”.

Thế nhưng người tính chẳng bằng trời tính, một chuyện không may lại đang tìm tới tôi...

Tháng 6 năm đó, khi ấy tôi đang toàn tâm toàn ý để ôn thi trung học, còn Mục Thuận thì vào học trường nghề sửa ô tô. Bỗng một hôm, Mục Thuận chạy hộc tốc tới trường tôi, kéo xềnh xệch tôi chạy đi, nói rằng bố tôi bị trượt chân ngã từ giàn giáo ở công trường xây dựng và bị thương nặng ở lưng.

Trụ cột kiếm cơm trong nhà bỗng dưng phải nằm một chỗ, nguồn kinh tế trong gia đình bị mất đi. Mẹ kế tôi bảo tôi nghỉ học, nói rằng nhà bao nhiêu việc, việc đồng áng, việc nhà, còn phải phục vụ bố tôi, một mình bà bận lắm không thể phục vụ kịp. Tôi nhìn bố tôi cầu cứu, ông quay mặt đi bất lực.

“Không được, mẹ ơi không được!”. Mục Thuận vội vàng nói với mẹ: “Nếu như trong nhà không có tiền cho em học, con cũng không đi học nữa!”. Mẹ kế tôi tỏ ra rất bực tức, bà nhìn chằm chằm Mục Thuận và quăng ánh mắt tức tối vào anh ta, Mục Thuận làm bộ như không nhìn thấy. Cuối cùng, mẹ kế tôi không còn cách nào khác đành nói rằng nếu tôi đỗ vào trường THPT trọng điểm thì mới tiếp tục cho tôi đi học, còn nếu như không thi đỗ thì phải ở nhà, lúc đó đừng có trách bà.

Mục Thuận vui mừng khôn xiết giơ “ngón tay thứ sáu” lên làm hiệu, nói với tôi: “Em gái, cố gắng lên!”. Lúc đó, tôi biết rằng Mục Thuận thật lòng muốn tốt cho tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy uất ức, tôi trút bực tức lên Mục Thuận, lạnh lùng nói: “Ai cần anh phải giả bộ thương xót tôi!”.

Một tháng sau, tôi nhận được giấy trúng tuyển vào trường THPT trọng điểm trong thành thị. Bố tôi và Mục Thuận tỏ ra vui mừng thấy rõ, chỉ có mẹ kế tôi là buông lời lạnh lùng. Bà nói: “Muốn đi học được thôi, nhưng học phí thì tự lo lấy!”. Trời ơi, tôi là một đứa học sinh mới 15 tuổi, đi đâu để kiếm tiền bây giờ chứ? Bà ấy nói vậy là cố ý làm khó cho tôi.

Sau bữa cơm tối, tôi ngồi rửa bát trong bếp, trong lòng cảm thấy buồn chán vô cùng. Mục Thuận lặng lẽ bước vào, nói với tôi: “Em gái, đừng lo lắng, anh có cách rồi”.

Tôi chán nản trả lời: “Đồ sáu ngón, đừng vào hùa với mẹ anh để diễn kịch trước mặt bố nữa!”.

Mục Thuận làm hiệu: “Suỵt, đừng nói to! Giữ bí mật!”.

Tôi nhìn dáng Mục Thuận khuất đi, trong lòng cười khinh bỉ, nghĩ anh ta làm gì có thể giúp được tôi việc này cơ chứ.

Cả kỳ nghỉ hè không thấy mặt mũi Mục Thuận đâu, dăm ba ngày không thấy anh ta về nhà. Mẹ kế tôi cũng mặc kệ Mục Thuận nhưng lại đem tức giận chuyển sang tôi, hành tôi như kẻ hầu người hạ.

Hôm đó, có một người lạ mặt đến nhà, nói là Mục Thuận bị ngất, phải đưa vào viện. Bố tôi bảo mẹ kế mang theo ít tiền, nhanh nhanh chạy vào viện xem Mục Thuận thế nào. Tôi lại thấy vui như mở cờ trong bụng: “Đáng đời, đúng là báo ứng!”.

Chập tối, chiếc xe cứu thương đưa Mục Thuận cùng mẹ kế tôi trở về nhà. Đây là Mục Thuận sao? Trông anh ta như một người khác vậy, tiều tụy, nhợt nhạt, gầy yếu. Mẹ kế gọi tôi lại cùng dìu anh ta đến giường. Tôi ghét gặp mặt anh ta nên vừa nhìn thấy anh ta như vậy, trong lòng tôi đã nghĩ thật đáng đời: “Đồ sáu ngón, chắc ở ngoài làm chuyện xấu gì mới ra nông nỗi thế!”. Nhưng Mục Thuận lại đưa ánh mắt về phía tôi, ý bảo tôi là vào trong phòng anh ta có chuyện cần nói.

Nằm trên giường, Mục Thuận đưa ngón tay thứ sáu khều khều ra trong túi một tấm thẻ màu xanh, liếc liếc ra phía cửa như muốn trông chừng, rồi nhét cái phiếu vào tay tôi, nói nhỏ: “Thẻ này có 3.000 tệ, em lấy để nộp học phí nhé!”.

Tôi không cầm, bực dọc hỏi: “Anh lấy đâu mà lắm tiền thế? Anh ăn cắp hả? Hay anh lừa người ta? Hay là tiền riêng của mẹ anh?”. Mục Thuận đang định nói điều gì đó thì mẹ kế bưng bát cháo vào, bà bảo tôi đi ra giặt quần áo bẩn cho Mục Thuận.

Trong lúc giặt quần áo, tôi chợt thấy trong túi quần Mục Thuận cộm cộm như có giấy tờ gì. Cứ nghĩ là tiền nhưng lúc lôi ra thì lại là tờ phiếu xét nghiệm bán máu. Hóa ra Mục Thuận đã đi bán máu.

Nhân lúc mẹ kế không ở đấy, tôi cầm tờ phiếu đi hỏi Mục Thuận. Mục Thuận ngượng ngùng nói, đúng là anh đã bán máu. Ngoài bán máu, anh còn làm công nhân cho một xưởng sửa xe hơi, mỗi ngày kiếm được 50 tệ.

Trời nắng, khi chẳng ai muốn chui xuống cống để nạo vét thì Mục Thuận tình nguyện đi để được thêm 20 tệ, do làm việc quá sức nên Mục Thuận đã bị ngất đi.

Nghĩ đến những lời vừa nói với Mục Thuận, tôi hối hận tới mức chỉ muốn tự vả vào miệng mình.

Ngày tôi học THPT năm thứ ba, Mục Thuận vào làm việc tại một xưởng sửa ô tô trong thị trấn. Mỗi lần lấy lương, Mục Thuận đều tới trường tìm tôi, gọi tôi đi ăn một bữa no nê rồi đưa tôi về nhà. Hôm đó, tôi hỏi Mục Thuận: “Mục Thuận, anh không thể cứ mãi một mình được, đến lúc tìm bạn gái rồi đấy!”.

Mục Thuận cúi đầu, mân mê ngón tay thứ sáu, ngại ngùng nói: “Người xấu như anh thế này thì con gái làm gì có ai người ta để ý cơ chứ!”.

Tôi nói: “Ai mà không để ý đến anh trai em thật đúng là những người không có tầm nhìn. Anh trai em vừa có tấm lòng lương thiện, lại nhanh nhẹn, tháo vát nữa chứ...”.

“Em... em... em gọi anh là anh trai thật sao?”. Mục Thuận mừng như bắt được vàng, vội vàng ngắt lời tôi: “Ha ha, em gái thật tốt! Em cố gắng học giỏi nhé, tất cả cứ để đấy anh lo!”.

“Anh trai, có anh thật tốt biết mấy!”. Trong lòng tôi bỗng thấy áy náy xen lẫn xấu hổ, tôi nói với anh: “Sau này, em sẽ không chọc anh là sáu ngón nữa đâu. Em cũng sẽ đối xử tốt với mẹ, anh nhé!”.

Truyện ngắn của LA UYỂN (Trung Quốc)

SONG VÂN (dịch)