Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, độc đáo, đa dạng, hội tụ nhiều phương diện: Nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà văn, nhà thơ... mà lĩnh vực nào cũng thể hiện một tài năng kiệt xuất. Xét từ góc độ con người cá nhân Bác, ta cũng thấy Người là một đối tượng thẩm mỹ có sức thu phục, thuyết phục, cảm hóa khác thường. Ở Hồ Chí Minh là sự hội tụ đầy đủ nhất những tiền đề của một nghệ sĩ lớn. Người có một phong thái nghệ sĩ đặc biệt, vừa là con người thực, vừa như “ông tiên” đã góp phần quan trọng hình thành nên một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, cá tính nổi bật. Cùng với một trí tuệ kiệt xuất, một lối ứng xử văn hóa tinh tế, phong thái nghệ sĩ ấy đã tạo ra hấp lực không thể cưỡng lại đối với người đối thoại.

Nhiều nhà văn, nhà thơ ví Bác như mặt trời tỏa sáng, như ngọn hải đăng dẫn lối, như ánh sáng xua tan bóng tối, như dải Trường Sơn hùng vĩ, như cánh chim đại bàng... Ngay từ đầu thế kỷ trước, một nhà báo Nga đã nhận thấy ở Người tỏa ra một thứ văn hóa của tương lai. Không chỉ chúng ta-người Việt Nam tự hào về Bác mà cả nhân loại tiến bộ tự hào vì có một Hồ Chí Minh là CON NGƯỜI “người nhất”, trong sáng đến tận cùng, yêu thương bao la, nhân ái đến tuyệt đối và trí tuệ mẫn tiệp đến khôn cùng... Thế nên, Người là nguồn cảm hứng vô tận để văn nghệ sĩ sáng tạo.

leftcenterrightdel
Nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim bên bức tượng Bác Hồ. Ảnh tư liệu

Ngôi nhà văn hóa Hồ Chí Minh có một nền móng truyền thống vững vàng, được xây cất bằng nguyên vật liệu hiện đại mới mẻ, được trổ nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón những luồng gió văn hóa đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngôi nhà ấy lại có nhiều cửa thể loại, như: Thơ, văn, kịch, sân khấu, hội họa, điện ảnh... để mỗi người, tùy theo sở trường, năng lực của mình mà đi vào chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Nhìn ở góc độ nghệ thuật ngôn từ thì Bác Hồ là nhà văn, nhà thơ, nhà báo lớn. Ngoài sử dụng điêu luyện tiếng Việt, Bác làm thơ bằng tiếng Hán, viết truyện bằng tiếng Pháp, viết báo bằng tiếng Anh, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan... Trong số bạn quốc tế của Bác, nhà văn, nhà thơ, nhà báo chiếm tỷ lệ khá cao… Henri Barbusse, nhà văn nổi tiếng thế giới, là một trong những người bạn Pháp gần gũi nhất của Bác. Thế nên các văn nghệ sĩ, không chỉ ở trong nước mà nước ngoài lấy hình tượng Bác Hồ làm nguồn cảm hứng sáng tạo là việc tất nhiên vậy. Đây là nhiệm vụ của một đề tài lớn, ở đây chỉ xin đưa ra những nét khái lược cơ bản nhất.

Các nhà thơ nổi tiếng ít nhiều đều có những thi phẩm viết về Bác với cảm hứng ngợi ca, kính trọng, yêu thương. Nếu Tố Hữu khai thác những nét vĩ đại, tầm vóc lớn lao thì Xuân Diệu, Huy Cận lại đi tìm những nét gần gũi, giản dị, thanh tao, Chế Lan Viên khẳng định giá trị mở đường, sự hy sinh, những cống hiến lớn lao mà đặc sắc... Sau khi Bác mất, cả thế giới nghiêng mình. Biết bao bài thơ, diễn ngôn, câu nói, ký, tùy bút… của các chính khách tên tuổi, các văn nghệ sĩ lớn trên thế giới viết, nói về Bác. Gần đây, ở nước ngoài cũng có nhiều sáng tác về Bác có giá trị, cảm động, chân thành mà sâu sắc, và cũng rất thật, tinh tế. Ở trong nước, về văn xuôi, là nhà văn Sơn Tùng lão thành với Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất…; Hồ Phương có Cha và con; Hoàng Quảng Uyên có Trông vời cố quốc, Mặt trời Pác Bó, Giải phóng; Cao Năm có Hai ngày và mãi mãi; Nguyễn Thế Quang có Khúc hát những dòng sông… Về thơ, tiêu biểu là trường ca Trăng Tân Trào của Hữu Thỉnh, trường ca Một người-thơ-tên gọi của tác giả cao niên đáng kính Nguyễn Thế Kỷ (viết trong 10 năm ròng, vài chục năm tích lũy tư liệu). Trước đó, Lê Đạt có Trường ca Bác rất cảm động… Những trường ca này đều thành công ở mức độ nhất định nhưng chưa có tác phẩm nào vượt được Theo chân Bác của Tố Hữu.

Bác Hồ hồi nhỏ đã theo cha (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) đến thăm và nghe nghệ sĩ tuồng lỗi lạc Đào Tấn nói chuyện về sân khấu tuồng. Sau này Người viết vở kịch Con rồng tre (trình diễn ở Pháp năm 1923). Năm 1929 về Thái Lan, Người viết nhiều vở kịch về đề tài lịch sử. Sau này khi là Chủ tịch nước, Người gần gũi, chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về sân khấu với các nghệ sĩ. Người là bạn “vua hề” Charlie Chaplin, hai người từng tương giao tâm đắc về sân khấu kịch. Bác Hồ là người của sân khấu vừa ở tư cách chủ thể sáng tạo, vừa ở tư cách đối tượng thẩm mỹ.

Năm 1976, lần đầu tiên một vở diễn về Bác Hồ có tên Người công dân số một (kịch bản Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng, đạo diễn Dương Ngọc Đức) đoạt giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc trong năm. Tiếp đó là các vở Đêm trắng (kịch bản Lưu Quang Hà), Không còn con đường nào khác (kịch bản Văn Sử, đạo diễn Đoàn Anh Thắng), Sáng mãi niềm tin (kịch bản Lê Duy Hạnh), Lịch sử và nhân chứng (kịch bản Hoài Giao, đạo diễn Vũ Minh), Những vần thơ thép (kịch bản Trần Đình Ngôn, đạo diễn Bùi Đắc Sừ); Cái chết chẳng dễ dàng gì (tác giả Xuân Đức, đạo diễn Dương Ngọc Đức), Hồi ức màu đỏ (kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Ngọc Bình), Bác không phải là vua (kịch bản Lê Quý Hiền, đạo diễn Trần Nhượng)… Trong lịch sử sân khấu Việt Nam chưa có hình tượng nào được xây dựng nhiều như Bác Hồ. Các vở diễn đều chọn bối cảnh thật điển hình để tập trung làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp ở nhiều khía cạnh. Đặc biệt là sự nhập vai của các nhân vật đóng vai chính hầu hết đều đạt, làm toát ra được thần thái của nhân vật. Các diễn viên đóng vai Bác Hồ để lại được dấu ấn tốt đẹp nơi khán giả, như: Tiến Thọ, Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân...

Với những phẩm chất kiệt xuất của mình, theo lẽ tự nhiên, Bác Hồ là nguồn cảm hứng cho âm nhạc. Nhiều nhạc sĩ có những tác phẩm để đời về đề tài Bác Hồ, như: Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Dân Huyền, Huy Thục, Lê Giang, Phong Nhã, Trần Kiết Tường... Riêng nhạc sĩ Thuận Yến đã có tới gần 30 bài hát viết về Bác. Phù hợp với cảm hứng ngợi ca, phong cách tụng ca của âm nhạc được triệt để phát huy, không ngẫu nhiên ngay tên nhiều bài hát là “Bài ca...” hoặc “Ca ngợi...”... Điều này đúng với cả các nhạc sĩ nước ngoài như Ewan MacColl (nhạc sĩ Anh) có The Ballad of Ho Chi Minh (Bài ca Hồ Chí Minh), Vladimir Fere (nhạc sĩ Nga) có Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh, Suphat Mukhophathiai (Ấn Độ) có bài Hát mừng Bác Hồ vĩ đại... Đặc biệt, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk có bài Cảm ơn đường Hồ Chí Minh, nói về con đường mang tên Bác nhưng là để ca ngợi Bác Hồ kính mến.

Bác Hồ là một họa sĩ mà theo lời họa sĩ nổi tiếng Picasso (là bạn thân của Người), nếu đi vào chuyên nghiệp Người sẽ là một danh họa. Hội họa đương đại Việt Nam có nhiều bức tranh đáng quý khắc họa thành công Bác Hồ ở nhiều lĩnh vực: Ra trận, làm việc, trồng cây... ở nhiều khoảng không thời gian, thời niên thiếu, thời thanh niên... từ nguồn cảm hứng tôn kính, trân trọng, cảm phục, mến yêu vô bờ. Ngành bưu chính cách mạng tự hào với con tem đầu tiên cất cánh bay ra với thế giới có tên Chân dung Bác Hồ (do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1945). Đặc điểm các bức tranh về Bác là đẹp, sức khái quát cao, giàu biểu cảm, sống động. Đó là đóng góp nghệ thuật lớn của các họa sĩ tên tuổi: Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Nguyễn Văn Chiến, Văn Đa, Dương Bích Liên, Phạm Văn Đôn... Sau này là Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Quang Phòng, Trần Khánh Chương...

Từ năm 1920, để kiếm sống và hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm nghề ảnh. Như một cơ duyên sau này, Người trở thành đối tượng để các nhiếp ảnh gia khai thác những nét rất đẹp, vĩ đại nhưng cũng rất đời thường, trí tuệ anh minh nhưng cũng rất dân dã thuần hậu. Các nghệ sĩ tên tuổi như: Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Kim Côn, Vũ Năng An, Vũ Đình Hồng, Mai Nam... đều chụp Bác với những nét thần thái vừa đậm chất mỹ cảm, vừa giàu tính tư liệu. Thời kỳ chống Pháp, nghệ sĩ Đinh Đăng Định là người được đi theo Bác và được chụp nhiều về Bác ở Chiến khu Việt Bắc. Có gần 200 bức ảnh về Bác, nghệ sĩ Mai Nam tự hào về bức Hồ Chủ tịch-Người công dân số 1 chụp Người bỏ lá phiếu bầu cử đầu tiên Quốc hội khóa II ngày 8-5-1960 không chỉ bảo đảm tính thời sự mà còn rất nghệ thuật. Có thể xếp bức Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn của nghệ sĩ Lâm Hồng Long vào hàng kiệt tác vì không chỉ cân đối về bố cục, chuẩn mực về ánh sáng, đường nét, cái chính là có được một cú chớp máy xuất thần khi Bác Hồ ở vị trí người chỉ huy dàn nhạc trước một dàn hợp xướng đông đảo. Cái tinh tế nghệ sĩ ở cả người chụp lẫn người được chụp cùng bối cảnh là khoảnh khắc tuyệt vời nói lên tinh thần “kết đoàn” của lãnh tụ và nhân dân.

Về điện ảnh có thể kể tới các phim truyện thành công như Hẹn gặp lại Sài Gòn (kịch bản nhà văn Sơn Tùng, đạo diễn Long Vân, quay phim Nguyễn Quang Tuấn); Hà Nội mùa đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh); Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ); Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu); Nhà tiên tri (đạo diễn Vương Đức); Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng); Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ)... Các bộ phim xây dựng hình tượng Bác ở nhiều giai đoạn lịch sử, từ thời trẻ đi học rồi tìm đường cứu nước đến khi là lãnh tụ, nhưng đều tập trung làm nổi bật tâm hồn yêu nước, ý chí, bản lĩnh và tầm nhìn cách mạng vĩ đại. Mảng phim tư liệu, thời sự về Bác cũng để lại ấn tượng sâu đậm với những thước phim quý giá của các đạo diễn tên tuổi: Phạm Quốc Vinh (Những giờ phút cuối đời của Bác); Nguyễn Văn Thông (Chúng con nhớ Bác); Phan Quang Định (Muôn vàn tình thân yêu)... Đặc trưng của những phim này là chân thực, truyền cảm và cảm động, vì là hình ảnh ngoài đời của Bác, rất tự nhiên, sinh động, lôi cuốn.

Nghiên cứu là công việc bóc dần những lớp mã, càng bóc càng thấy những giá trị mới, với hiện tượng văn hóa lớn thì “bóc” mãi mà không đến đáy. Bác Hồ của chúng ta là như vậy. Người là một biểu hiện sinh động cho các cơ sở đối thoại văn hóa của thế giới hôm nay: Hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt, biết lắng nghe. Dưới thấu kính văn hóa là sự hiểu biết vĩ đại, viên ngọc Hồ Chí Minh hội tụ, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của nhân loại nên lóng lánh đa sắc màu mà đứng ở góc nhìn nào cũng thấy phát sáng những vẻ đẹp mới mẻ. Vì thế Bác Hồ mãi là đối tượng thẩm mỹ “không có đáy”, “nói mãi không cùng”. 

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ