- Thằng mục là thằng nào hả bác?
Tôi hỏi xoắn lấy ông bác đang nằm gối đầu trên cái quạt nan ngắm trăng. “Mày không biết thằng mục là thằng nào à? Về hỏi thằng bố mày sẽ biết!”. Nhưng hồi ấy bố tôi vẫn đang ở mãi trong Trường Sơn. Rồi tôi cũng quên ngay cái câu hỏi vừa lóe lên trong trí óc, bởi thằng Vũ bạn thân tôi, nhà ngay cầu ao đầu làng, vừa ăn cơm xong đã tót ra rủ nhập bọn với trẻ choai cả làng đi chơi rảo quanh đê.
Đê làng tôi gọi là đê đại hà, to lắm. Hai bên sườn đê cỏ mọc xanh mướt. Cỏ may, cỏ chân gà, cỏ gừng, cỏ mật chen nhau. Về phía sông thì mái đê khá dốc. Nhưng về phía đồng thì đê được đắp thoai thoải, lưng chừng sườn, người ta để một dải khá rộng và phẳng, kiểu như chiếu nghỉ cầu thang. Chỗ này, bọn tôi hay đem bóng nhựa hoặc bóng bưởi ra đá buổi chiều. Còn đêm hè thì thành chỗ nằm chơi của cả làng. Vào những đêm trăng sáng như ban ngày, nằm hóng mát trên đê là một cái thú mà bây giờ ít người được hưởng.
Thế nhưng bọn trẻ con chúng tôi hồi ấy không khoái trăng sáng. Thanh niên nam nữ cũng không khoái. Trời tối, bọn trẻ choai chúng tôi chơi trò trận giả mới hay. Tôi nhớ giữa đầm sen có những cái bát sen mẩy căng, đang độ ăn vừa ngọt. Hôm ấy cuối tháng tối trời, bọn tôi rắp tâm phải chén cho bằng được. Sen vừa tới tầm căng hết cỡ, vừa ngọt, vừa bùi, ăn tuyệt. Để tí nữa sẽ già câng, hợp tác xã cho xã viên đi thuyền ra lấy về phơi khô, bán cho xí nghiệp dược phẩm nghe nói làm vị thuốc bổ gì đó.
Vì là sen của hợp tác nên có dân quân canh gác cẩn thận. Đêm còn ngủ tại cái chòi giữa đầm kia. Dân quân chuyên trách canh đầm là anh Bạ, người xóm trong. Anh ấy khá là khỏe mạnh, đẹp trai, nhưng mắt hơi hiếng nên không được đi bộ đội. Anh ở nhà lĩnh một khẩu súng trường dài ngoằng và bảy viên đạn vàng chóe, một cái thuyền con. Hằng ngày, anh đi rảo quanh đầm không cho trâu, bò, trẻ con xuống phá sen. Đêm anh đi thuyền ra chòi ngủ.
Bọn choai chúng tôi rất ghét anh Bạ. Là vì mỗi khi đi học về, chúng tôi hay lang thang bên bờ đầm bắt chuồn chuồn, châu chấu hoặc múc nước đổ dế. Anh Bạ luôn gườm gườm dọa dẫm, thỉnh thoảng véo tai đá đít một vài thằng đuổi ra xa bờ đầm. Bởi bọn tôi toàn những thằng nhanh mắt nhanh tay, hễ anh nhãng ý đi đâu là vặt luôn mấy cái bát sen gần bờ... Có hôm anh Bạ còn đem khẩu súng trường dài ngoằng, đen sì cùng mấy viên đạn vàng chóe ra, lên đạn roàn roạt, ra ý dọa dẫm. Nên bọn tôi ghét lắm. Rất muốn chơi cho anh một vố đau.
Anh Bạ chưa vợ nên đêm đêm, khi các cô gái làng ra ngồi hóng mát trên bờ đê hát hò, cười rúc rích rúc rích, anh không thể ngồi yên một mình trên chòi được. Giấu kỹ khẩu súng trường, anh diện cái quần ga-ba-đin và cái áo sơ mi pô-pơ-lin trắng toát, bỏ áo trong quần, thắt cái dây lưng xin được của bộ đội màu nâu đỏ có cái khóa trắng lóe chỉnh tề cẩn thận, vào chỗ đê đầu làng tán gái. Đêm trăng sáng như ban ngày thì anh vừa tán, vừa liếc qua cũng biết dưới đầm có động tĩnh gì không. Thế nhưng đêm cuối tháng tối đen như đêm nay thì... thôi rồi, thời cơ cho bọn tôi làm một mẻ đẫy! Mà đêm nay, anh Bạ chả còn hồn vía nào để ý đến sen nữa. Chả là thằng Vũ bạn tôi được cả hai bên cử đi trinh sát, một lúc quay về nói, nó đã bò vào ngay đằng sau búi muồng muồng chân đê, nơi anh Bạ rủ chị Lan xóm Đình ra ngồi tâm sự... "Bọn ta làm thôi!".
Bọn choai chúng tôi, một bên gào “xung phong”, một bên gào “hô-lê-manh” như trong bộ phim hôm nọ chiếu ở sân kho hợp tác, rồi xông vào nhau đấm đá, quật nhau uỳnh uỵch xuống sườn đê. Trong khi đó, tôi và mươi thằng nữa đã âm thầm bơi luồn trong tán sen ra giữa đầm. Vặt và vặt. Chả mấy chốc, mỗi thằng có một ôm to, lại luồn bơi về bờ.
Cả đám chúng tôi kéo nhau chạy tuột vào tít tận bờ sông, ngồi bóc sen ăn no nê. Vỏ và cuống vứt hết xuống sông. Bọn tôi bê bụng về nhà đi ngủ, thầm đắc chí đã chơi cho anh Bạ một vố đau điếng mà chịu chết không làm gì được.
Thế nhưng ngay trưa hôm sau đã bị lộ hết! Chuyện là sáng hôm sau, nhìn thấy đám bát sen to nhất đầm bị vặt sạch, ông chủ nhiệm hợp tác xã nổi giận, ông ấy quát cho anh Bạ một trận tanh bành và sai đi bắt thủ phạm. Anh Bạ và một tốp dân quân đến ngay trường học, nói gì đó với thầy hiệu trưởng, rồi lôi cả lũ chúng tôi lên phòng, bắt vạch bụng, vạch đùi ra. Đùi và bụng những thằng bơi ra giữa đầm ăn trộm vẫn còn nguyên những vết gai sen cào ngang dọc. Bọn tôi bị làm kiểm điểm, gọi phụ huynh xuống trường, hạ hạnh kiểm, tí nữa thì còn bị đúp lớp.
Từ đấy, tôi không bao giờ đi ăn cắp sen của hợp tác nữa. Không phải là tôi sợ hay đã hết thèm thuồng những cái bát sen nở căng mời mọc những hạt thơm ngọt. Mà do cái Thanh, hàng xóm nhà tôi. Cái Thanh bằng tuổi, cùng học với tôi, nhưng trông nó ra dáng chứ không lem nhem như bọn con trai. Nó chẳng thèm để mắt đến tôi. Và tôi cũng chả buồn chơi với nó. Hồi ấy, bọn con trai với con gái lớp tôi cứ như là hai thế giới riêng biệt vậy.
Bọn con gái cùng tắm với nó chiều ấy kể, đang ngồi tắm với nhau trên cầu ao, bỗng cái Thanh bảo, nó thấy giữa đầm có một bông sen trắng rất to, "để tớ bơi ra ngắt vào cả bọn cùng ngửi nhé, thơm lắm". Nó bơi len lỏi trong đầm. Mươi, mười lăm, rồi đến ba mươi phút không thấy quay về. Làng tôi ven sông, trẻ con, trai gái biết bơi từ bé, có ném xuống sông cái cũng chả chìm. Bọn con gái tắm cùng thấy lạ bèn gọi. Gọi mãi không thấy thưa, chúng nó bắt đầu sợ. “Thanh ơi lên đi, không đùa thế này đâu nhé”. Nhưng cái Thanh vẫn biệt âm. Dưới đầm sen bỗng nổi lên một cơn gió lạ, lạnh buốt. Những cái lá sen to tướng tự nhiên đồng loạt rào rào vật vã. Chúng nó hoảng quá gào ầm lên...
Bác tôi đi cày cánh bãi vừa lên đến đê. Bác buông trâu, thả cày xuống, đứng nhìn đắm xuống đầm sen vài giây. Rồi bác để nguyên quần áo cứ thế ào xuống đầm, bơi vào một khoảng sen xanh đen um tùm, bác lặn một hơi xuống đáy đầm bế cái Thanh lên. Trắng nhợt. Cả làng cuống cuồng gọi y tá ra ngay bờ đầm cứu nó, nhưng đã muộn. Cái Thanh được cuốn vào một cái chăn mang về nhà để tắm rửa bằng nước lá thơm và mặc bộ quần áo mới nhất của nó. Tôi không dám sang, mà sang thì cũng chả biết làm gì. Chỉ có mẹ tôi vừa sụt sùi ngắn dài vừa chân thấp chân cao chạy sang làm giúp. “Khổ thân con bé ngoan thế, xinh thế... mà sao giời lại bắt đi hả giời?...”. Tôi đứng ở đầu hè kiễng chân nhìn sang, cái Thanh nằm dài trên giường, mắt nhắm như ngủ, nhưng môi lại như he hé cười. Mẹ tôi đang tắm cho nó lần cuối. Cả thân hình của nó trắng toát chập chờn trong ánh đèn nến. Đêm ấy, người ta đưa cái Thanh đi ra đồng luôn. Làng tôi có lệ, trẻ chết thì chôn rất nhanh, không làm ma...
Tối hôm sau, bác tôi gọi tôi sang nhà. Bác chỉ vào cái lọ hoa để trên bàn uống nước: "Mày có thấy gì không?”. “Dạ, một bông hoa sen trắng. Mà bác lấy ở đâu vậy?”. “Ở tay cái Thanh khi tao bê nó dưới đầm lên đó!”.
Thốt nhiên tôi thấy lạnh người.
Tôi chợt nhớ ra chuyện hồi bà nội tôi còn sống, thấy tôi hay lang thang ngoài bờ đầm, bà bảo, cháu đừng có ra ngoài đó chơi một mình nhé, đi đâu thì sang rủ thằng Vũ đi cùng. Đi hai đứa thì Cô Đầm Sen cô ấy không trêu. Bà tôi bảo, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, còn đầm sen là do cô ấy quản. Bà tôi kể: Cô Đầm Sen là một cô gái trinh chết đuối mà thành. Do là gái trinh nên linh hồn cô ấy không siêu thoát được, phải ở lại dưới đó cai quản cái đầm mênh mông, cho đến bao giờ có một cô gái trinh khác xuống thay thế thì linh hồn cô ấy mới được siêu thoát đi đầu thai kiếp khác. Hằng năm, mùa sen nở rộ, Cô Đầm Sen biến thành một bông hoa trắng thơm ngào ngạt, nở giữa đầm sen bảy ngày rồi tàn, không kết hạt. Bông hoa ấy có bốn mươi tám cánh nở và một cánh cụp. Trong bảy ngày đó, nếu có một trinh nữ đến hái, tức thì cánh thứ bốn mươi chín nở bung, nàng trinh nữ hái hoa sẽ thành Cô Đầm Sen. Cho nên cô không bắt trẻ trai, nhưng cô hay trêu chúng. Bà tôi còn kể, đã có thằng bị cô trêu cho mất cả hồn vía, phải gọi ông thống đến cúng mãi mới gọi được hồn vía về đấy...
Từ đó, buổi chiều tôi hay ra ngồi trên đê nhìn đăm đắm xuống đầm sen. Tôi tự hỏi làm sao mà cả đầm sen toàn hoa hồng rực thế kia lại mọc lên một bông sen trắng. Làm sao mà trong bao nhiêu cô trinh nữ của làng lại chỉ có cái Thanh nhìn thấy bông hoa ấy. Cái phút giây nó bẻ được bông hoa, đưa lên mũi ngửi, cũng là cái phút giây cánh hoa thứ bốn mươi chín ấy nở bật ra. Cái mùi thơm huyễn hoặc mê người tích tụ từ cả trăm, cả ngàn năm nay đã làm nó sung sướng nở nụ cười mãn nguyện, để rồi mê man về làm kiếp thần linh dưới đầm sen sâu thẳm...
Cái Thanh chết được bảy ngày thì đến giỗ bà nội tôi. Bác tôi cúng tối vì ngày phải đi làm hợp tác xã không được nghỉ. Mẹ con tôi sang ăn giỗ. Những năm ấy đói kém lắm nên hầu như đám giỗ các nhà chả mời ai. Chỉ có một con gà ri, thêm chút rau, đậu, bác tôi làm mâm cơm cúng bà. Mẹ tôi mang hương hoa, trầu cau và một chai rượu trắng, dù bà lúc còn sống chả bao giờ nhấp môi. Nhưng bác tôi bảo: “Phi tửu bất thành lễ”. Lễ xong, bác tôi bưng mâm cỗ ra sân, cả nhà ngồi ăn và nói chuyện về bà. Chỉ có bác tôi ngồi ngâm nga uống rượu. Bác gái bảo, càng già càng giống y như tính ông nội. Cứ uống rượu là ngâm nga bắt có người ngồi bên nghe chuyện. Hôm nay có thằng cháu trai đây, lớn tướng rồi, ngồi mà tiếp bác mày. Bác tôi cứ uống, cứ nói. Tôi cứ ngồi nghe và chăm chỉ chọn những miếng thịt gà ngon mà chén. Thức nhắm ưa thích của bác tôi chỉ là cặp chân và cái đầu gà. Bác tôi nói toàn những chuyện từ đời nảo đời nào, thỉnh thoảng lại pha vài câu Tây bồi. Đến chén cuối cùng của chai rượu, hình như bác tôi bắt đầu say, đầu gục gặc, miệng lẩm bẩm...
Tôi vào trong nhà, định pha cho bác ấm trà. Tôi nhìn thấy bông hoa sen trắng hôm nọ của cái Thanh vẫn cắm trong lọ, hình như còn tươi nguyên chưa rụng cánh nào. Tôi lại chợt nhớ đến lời bà, đưa tay định đếm xem có bao nhiêu cánh hoa. Tôi vừa chạm vào thì từng cánh hoa sen bỗng rụng lả tả. Rụng sạch không sót cánh nào. Thốt nhiên có một cơn gió nổi lên thổi tắt sạch cả mấy cái đèn dầu. Sân thềm tối om. Gió thốc vào cả trong nhà. Những cánh hoa sen bay lượn lung tung loang loáng trắng như những cánh bướm. Vài que hương trên ban thờ bà tôi vẫn đang cháy đỏ rực lên. Tôi thấy rợn người. Tôi lại chợt nhớ có lần bà tôi bảo, hàng ngàn bông sen hồng mới kết tinh thành một bông Bạch Liên Hoa. Và cả muôn ngàn gái trinh làng này bao nhiêu năm mới có một người sẽ được thưởng hương sắc hoa thần. Tôi lại như nhìn thấy khuôn mặt cái Thanh đang ngủ mê, đôi môi nở nụ cười mãn nguyện...
Truyện ngắn của TRẦN THANH CẢNH