Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh.

QĐND - “Miền xa thẳm” là tập sách nhạc mới xuất bản của Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội do NXB Âm nhạc ấn hành. Sách gồm 3 phần: Bài ca người lính (14 ca khúc); Mùa xuân-tình yêu (22 ca khúc) và Quê hương-đất nước (24 ca khúc). Tuy chưa đầy đủ nhưng phần lớn các ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ đã được in trong sách này.

Từng tạo được dấu ấn trong lòng khán giả qua những ca khúc viết về người lính và tình yêu nhưng khi cầm cuốn sách nhạc đồ sộ được in ấn, trình bày công phu cùng đĩa demo âm thanh kèm theo, người yêu nhạc mới cảm nhận đầy đủ sức sáng tạo của Đức Trịnh. Trưởng thành từ người lính nên âm nhạc của “Tướng” Trịnh trong phần “Bài ca người lính” đã tập hợp khá nhiều những gương mặt cán bộ, chiến sĩ các quân, binh chủng mà nhạc sĩ đã có nhiều gắn bó, chia sẻ kỷ niệm. Không chỉ âm nhạc đẹp, ca từ trong những ca khúc về người lính của Đức Trịnh cũng vô cùng gần gũi với cán bộ, chiến sĩ đang chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Thật ấm áp với Bộ đội Phòng không-Không quân khi: Ai đem bầu trời vào trong mắt em/Lung linh huyền diệu ngàn sao sáng đường/Cả bầu trời sao anh đang bay thả vào đôi mắt em yêu thương/Trên tầng cao xanh thẳm thấy quê hương (Bầu trời cao anh bay). Với Bộ đội Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa, bức tranh về cuộc sống Song Tử Tây được nhạc sĩ khắc họa: Bi bô bi bô những đôi mắt tròn bé thơ và bài ca về lính đảo Trường Sa/Sóng gió bão táp giữa mây trời ánh lên niềm tin yêu Song Tử Tây/Linh thiêng uy nghiêm giữa biển trời/Đất nước trao tôi giữ bình yên (Ánh mắt Song Tử Tây). Với lính tăng cũng thật gợi khi: Em sẽ về nơi anh/Đến với người lính tăng/Đồi hoa sim tím thế/Ấm áp nhớ thương, nhớ thương hoài/Sao sáng đường xe anh đi (Tình yêu lính tăng-lời thơ Đoàn Sinh Hưởng)…

Bìa tập ca khúc Đức Trịnh.

Không chỉ gần gũi với lính, ca khúc của Đức Trịnh đã chạm đến chiều sâu tâm hồn của người yêu nhạc. Bằng một phút thăng hoa trong một đêm không ngủ và cả một đời tích cóp, gom góp chất liệu, nhạc sĩ đã cho ra đời một khúc tráng ca về hy sinh của người lính Trường Sơn những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. “Miền xa thẳm” (phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Phạm Hoa như anh giới thiệu) đã được giới nhạc sĩ, công chúng đánh giá là thành công khi ngợi ca tình yêu người lính trong kháng chiến chống Mỹ nói chung, bộ đội Trường Sơn nói riêng và đưa tác giả đến với giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng (2004-2009): Một tình yêu như cánh chim từ quy bay bay đi tìm nhau/Một tình yêu như bão giông, khát khao đến bên nhau giữa đạn bom/Đi tìm nhau suốt chiều dài đất nước/Đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh/Đi tìm nhau để mãi mãi không về/Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài.

Ca khúc “Ánh mắt Song Tử Tây”.

 Còn nhiều điều vừa quen, vừa mới mẻ trong các sáng tác của Đức Trịnh ở “Tập ca khúc Đức Trịnh” về “Mùa xuân-tình yêu” và “Quê hương-đất nước” xin dành để bạn đọc tự khám phá. Tuy nhiên, như nhận xét của nhạc sĩ Văn Dung: “Trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, người ta không chú ý đến số lượng tác phẩm mà hạnh phúc đối với mỗi tác giả là công chúng có nhớ tới tác phẩm của mình hay không? Đức Trịnh là nhạc sĩ đã có được hạnh phúc đó!”.

ĐỨC NGHĨA